Nguy hiểm từ những bệnh tâm lý thường gặp hiện nay

ANTD.VN - Hầu hết chúng ta đều nghĩ bệnh tâm lý là những vấn đề trầm trọng về thần kinh, do yếu tố bẩm sinh tạo thành. Thế nhưng, môi trường hiện nay thay đổi, những áp lực trong công việc và học tập, những mối quan hệ xã hội... đều có thể là lý do khiến những bệnh tâm lý như: Trầm cảm, rối loạn nhân cách, chứng lo âu xã hội... phát triển và ngày càng phổ biến ở nhiều đối tượng. Theo thống kê, đa phần bệnh nhân đều tự đối phó với chứng bệnh mà không cần tới sự trợ giúp từ các chuyên gia tâm lý. Điều đó đã dẫn tới một hệ lụy nguy hiểm là cuộc sống của người bệnh trở lên khép mình và bế tắc hơn.

Rối loạn lo âu xã hội - Social Anxiety Disorder (SAD)

Những đặc điểm nổi bật của chứng SAD bao gồm: Nỗi sợ hãi dai dẳng về xã hội và các mối giao tiếp thường ngày, hoặc nỗi sợ hãi về những tình huống mà mình sẽ bị mất mặt.

Người bị chứng SAD khi bị bắt phải giao tiếp hay tham gia các hoạt động đòi hỏi sự tương tác giữa những thành viên thì ngay lập tức sẽ bị kích động dẫn đến hoảng loạn, cơ thể sẽ có những phản ứng tương tự như bệnh đột quỵ ở người cao tuổi: Với hơi thở ngắn, tim đập nhanh và khó thở.

Bởi thế, những người mắc chứng SAD thường thu mình vào một góc, lựa chọn một "ốc đảo" để lui tới với mong muốn không ai chú ý tới mình.

Hội chứng SAD khiến người bệnh cảm thấy lo sợ nếu ai chú ý tới bản thân

Thế nhưng, không phải bất kỳ nỗi sợ nào khi phải giao tiếp với người khác cũng được coi là chứng rối loạn lo âu xã hội. Ví dụ, một người sợ phải phát biểu trước công chúng sẽ không được coi là mắc chứng SAD nếu nỗi sợ hãi của anh ta không ảnh hưởng đến hoạt động thường ngày hay công việc, học tập. Hơn nữa, anh ta cũng không quá lo lắng về tình huống của mình.

Thông thường cảm xúc của người mắc bệnh SAD sẽ bị đẩy lên một cách "thái quá" dù họ không cố tình làm thế. Điều đó, khiến người bệnh cảm giác mệt mỏi vì phải tránh né hay gồng mình quá sức. 

Căn bệnh này xuất hiện nhiều ở những người làm văn phòng, học sinh, sinh viên,... buộc phải tiếp xúc với môi trường cần sự phối hợp cao. Nhiều trường hợp không chịu nổi áp lực đã lựa chọn phương thức tự tử. 

Rối loạn ám ảnh cưỡng chế - Obsessive Compulsive Disorder (OCD)

OCD là một chứng rối loạn lo âu dựa trên những suy nghĩ và thói quen mang tính cưỡng chế, lặp đi lặp lại. Những hành động như vậy giúp người mắc bệnh kiểm soát và giảm bớt những nỗi sợ gây ra bởi những ý nghĩ ám ảnh.

Bệnh nhân OCD sắp xếp lại kẹo theo màu sắc

Nỗi ám ảnh thường gặp nhất ở căn bệnh này là: Sợ nhiễm khuẩn từ đất bụi, vi trùng hoặc dầu mỡ, dẫn tới thói quen tắm rửa cưỡng chế. Một số những ám ảnh khác bao gồm bạo lực, ngăn nắp, bệnh tật, tình dục, sự cân đối và tôn giáo.

Khoảng 70% bệnh nhân OCD vừa có những ám ảnh vừa có những hành vi cưỡng chế, số bệnh nhân chỉ có những ý nghĩ ám ảnh chiếm khoảng 25% còn trường hợp chỉ có hành vi cưỡng chế không đi kèm suy nghĩ tương đối hiếm.

OCD vốn được coi là căn bệnh hiếm, nhưng, nghiên cứu cộng đồng của Viện Sức khỏe Tâm lý Quốc gia của Mỹ chỉ ra số người mắc hội chứng này lên đến 2% dân số. Trong đó, phụ nữ chiếm số lượng nhiều hơn nam giới.

Căn bệnh OCD có thể hạn chế cuộc sống của người bệnh, đặc biệt với những người đã lập gia đình hay buộc phải tham gia những công việc lao động cộng đồng.

Bệnh nhân OCD dễ bị "bỏ rơi" bởi mọi người coi sự ngăn nắp, sạch sẽ một cách "thái quá" của họ là lập dị. Bởi thế, theo thống kê có 2/3 bệnh nhân OCD bị trầm cảm nặng trong suốt cuộc đời mình.

Rối loạn mặc cảm ngoại hình - Body Dysmorphic Disorder (BDD)

BDD là một trạng thái tâm lý tiêu cực, trong đó đối tượng thể hiện sự chú ý và lo âu quá mức đến khiếm khuyết nhỏ nào đó trên cơ thể mình (chủ yếu là khuôn mặt), thậm chí ngay cả khi khiếm khuyết đó không tồn tại. Căn bệnh này được họa sĩ Toby Allen phác họa: "BDD như một bậc thầy lừa đảo thích hợp tác với ba quái vật là OCD, Lo Âu và Chán ăn để khuyếch đại ảnh hưởng của mình."

Họa sĩ Toby Allen với serier "Quái vật thực sự"  phác họa căn bệnh BDD - một con quái vật có cánh là những mảng gương méo mó, phản chiếu những điều dối trá.

BDD làm suy giảm chức năng xã hội, ảnh hưởng tới công việc và ở một số trường hợp nặng sẽ dẫn tới tình trạng tự cách ly bản thân với xã hội.

Ngày nay, BDD càng trở lên phổ biến hơn khi xã hội coi cái đẹp là chuẩn mực, là lợi thế cho nhiều vấn đề.

Bởi vậy, giải pháp mà nhiều bệnh nhân BDD thường nghĩ tới chính là phẫu thuật thẩm mỹ. Nhưng để chi trả cho những ca phẫu thuật đắt đỏ, nhiều bệnh nhân BDD trẻ tuổi lựa chọn đe dọa cha mẹ mình, trốn học, ăn cắp tiền... Tồi tệ hơn, khi không thỏa mãn được ước nguyện, họ sẵn sàng lựa chọn con đường tự sát.

Nhân vật có tầm ảnh hưởng như "Ông hoàng nhạc Pop" Michael Jackson cũng là một trong số những nạn nhân của BDD. Ông trải qua nhiều cuộc phẫu thuật thẩm mỹ chỉ bởi ám ảnh về gương mặt và màu da của mình.

Trầm cảm (Major Depressive Disorder)

 "Trầm cảm không phải là bạn thấy buồn vì mọi thứ không theo ý mình, mà thấy buồn mặc cho mọi việc vẫn diễn biến tốt đẹp", Thomas F. Oltmanns.

Hình ảnh chú chó đen trở thành biểu tượng nổi tiếng của bệnh trầm cảm.

 Trầm cảm là một trong những rối loạn tâm thần phổ biến nhất, không phân biệt tuổi tác, giới tính, chủng tộc, văn hóa hay nghề nghiệp. Mọi người đều có thể mắc căn bệnh này vào bất kể thời điểm nào trong đời. 

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), bệnh trầm cảm cướp đi trung bình 850.000 mạng người mỗi năm. Đến năm 2020, trầm cảm sẽ là căn bệnh xếp thứ 2 trong số những căn bệnh phổ biến toàn cầu.

Triệu chứng của trầm cảm là tổng hòa của nhiều dạng rối loạn cảm xúc, như: Buồn bã, lo lắng, cảm giác "trống rỗng", tuyệt vọng, bi quan, dễ kích động, tự ngược, mặc cảm tội lỗi... Đi kèm với việc mất ngủ hoặc ngủ quá nhiều, tỉnh giấc sớm do mơ thấy ác mộng.  Và, người mắc chứng trầm cảm còn luôn có ý niệm về cái chết.

Nhiều người nhầm tưởng trầm cảm chỉ xuất hiện ở những người bế tắc về vật chất. Nhưng, ngày 18-12-2017, cái chết của ca sĩ JongHuyn cùng bức thư tuyệt mệnh của anh đã khiến người ta phải thay đổi suy nghĩ. Rằng, ngay cả khi có những thành tựu đáng nể con người vẫn trở thành nạn nhân của trầm cảm. Ngoài JongHuyn, nhiều người nổi tiếng khác như: IU, Kiều Nhậm Lương, Cara Delevingne... đều đã hoặc đang bị trầm cảm "trói buộc".

Khi mắc bệnh, đa số người bệnh đều tự mình đối phó. Bởi, họ nhận thức rằng sẽ không có ai hiểu được cảm giác mà họ đang trải qua.

Chính bởi thế, người trầm cảm nhận rất nhiều áp lực từ mọi người xung quanh, khiến cuộc sống của họ ngày càng khép mình và bế tắc hơn.

“Giải độc” cho các căn bệnh tâm lý

Vì quá trình đô thị hóa ngày càng gia tăng, sức ép của công việc, sức ép của những biến đổi xã hội đã tác động lên đời sống tình cảm của các cá nhân trong nhiều nhóm xã hội. Từ đó, "hệ miễn dịch" của con người bị phá vỡ trước những tác động của các bệnh liên quan tới tâm lý.

Vậy “phương thuốc” nào để “giải độc” cho những căn bệnh tâm lý mà con người đang và sẽ có nguy cơ mắc phải?

Về vấn đề này, các chuyên gia tâm lý đưa ra 7 phương thức trị liệu phổ biến thường áp dụng cho các bệnh nhân mắc các hội chứng tâm lý.

1. Trò chuyện: Nhà chuyên môn trò chuyện với người bệnh, tìm hiểu những khó khăn, nguyên nhân gây bệnh, giúp người bệnh bộc lộ tâm tư của bản thân.

2. Liệu pháp tâm lý cá nhân: Liên quan tới chuyên môn của bác sĩ áp dụng với từng bệnh nhân.

3. Liệu pháp tâm lý nhóm: Giúp người bệnh tiếp xúc với một nhóm nhỏ có khả năng đồng cảm, thấu hiểu những suy nghĩ của họ.

4. Lao động liệu pháp: Cho người bệnh tự mình tham gia những công việc để tạo thành phẩm, giúp họ lấy lại sự tự tin về giá trị của bản thân.

5. Âm nhạc trị liệu: Giúp người bệnh cải thiện trạng thái cảm xúc.

6. Thở dưỡng sinh – thư giãn: Là một cách giúp người bệnh “sống chậm” lại trong nhịp sống vội vàng của xã hội, giúp họ cân bằng cảm xúc một cách hiệu quả.

7. Thiền định: Một môn khoa học tâm lý cổ truyền giúp người bệnh hướng tới những giá trị tốt đẹp.

Ngoài ra, việc kết hợp giữa sử dụng thuốc và liệu pháp tâm lý trên sẽ giúp nâng cao hiệu quả rõ rệt hơn. Nhưng, quan trọng vẫn là mọi người và môi trường xung quang tránh tâm lý kỳ thị, hỗ trợ để người bệnh thoát khỏi những "bóng đen" tâm lý mà nhanh chóng tái hòa nhập với xã hội, cộng đồng.