Nguy hiểm gián đoạn nhịp sinh học

ANTĐ - Năm 2007, Cơ quan Quốc tế Nghiên cứu Ung thư (IARC) đã xếp loại làm ca đêm như  “một chất có thể gây ung thư”. Từ đó đến nay, các nhà nghiên cứu vẫn đang tìm kiếm cơ chế sinh học liên quan. Các nhà điều tra tin rằng, “nghi phạm chính” là sự gián đoạn nhịp sinh học.

Đồng hồ cơ thể suốt 24 tiếng là chu kỳ khép kín về mặt nội tiết tố, đói, ngủ, nhiệt độ cơ thể cũng như trong nhiều khía cạnh sinh lý khác. Công trình nghiên cứu này đã xuất hiện trên số ra tháng 10 của Chronobiology International (tạp chí quốc tế về ngành học nghiên cứu về thời gian và sự lặp lại của tự nhiên).

Các nhà nghiên cứu của Đại học Yale, Hoa Kỳ và Hiệp hội ung thư Đan Mạch đã cho thấy sự thay đổi biểu sinh - những thay đổi về sinh học có ảnh hưởng đến biểu hiện của gene DNA  - trong hai gene quan trọng nhất được tìm thấy trong hệ thống giữ nhịp sinh học của con người, đó là gene CLOCK và CRY2. Họ phát hiện ra rằng những phụ nữ hay làm ca đêm ở Đan Mạch có những thay đổi về gene tương tự như ở phụ nữ bị ung thư vú.

 Trong năm 2010, gần 1,5 triệu người được chẩn đoán bị ung thư vú, vì thế đây là ung thư phổ biến nhất ở phụ nữ. Nó cũng là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ung thư ở phụ nữ trên toàn thế giới, mặc dù vẫn chưa rõ nguyên nhân tại sao. Đi tìm câu trả lời cho câu hỏi tại sao xã hội ngày càng phát triển mà ung thư vú vẫn có nguy cơ cao như vậy, các nhà nghiên cứu lật lại giả thuyết về điện chiếu sáng - nguyên nhân từng được nêu trong hai thập kỷ trước đây. Ý nghĩa của nghiên cứu này là ít ra cũng chỉ rõ một yếu tố nguy cơ về phơi nhiễm môi trường - ánh sáng đèn điện, từ đó con người có biện pháp can thiệp hiệu quả hơn đối với sức khỏe sinh học của mỗi người.