Nguy hại từ ngủ nướng

ANTĐ - Nhiều người thường tận dụng những ngày nghỉ, lễ để vùi đầu trong chăn, mà không biết đến tác hại khôn lường của ngủ nướng đến sức khỏe.

Nguy hại từ ngủ nướng ảnh 1

Tiểu đường

Các chuyên gia cho biết một giấc ngủ quá dài sẽ khiến nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tăng lên. Trung bình, cơ thể chúng ta nên ngủ từ 7 đến 8 tiếng. Nếu bạn ngủ ít hơn 6 tiếng, nguy cơ mắc bệnh tiểu đường sẽ tăng khoảng 2 lần, còn nếu ngủ nhiều hơn 8 tiếng, nguy cơ mắc bệnh sẽ tăng gấp 3 lần.

Bệnh đường hô hấp, tim và đường tiêu hóa

Đối với những người thích ngủ nướng, họ thường ít vận động, sức đề kháng kém, dễ nhiễm bệnh cảm lạnh, ho và nhiều triệu chứng khác. Bình thường, khi cơ thể chúng ta hoạt động, nhịp tim sẽ đập tương đối nhanh và thúc đẩy máu lên não. Còn khi cơ thể nghỉ ngơi, nhịp tim sẽ đập chậm đi, lượng máu bơm lên não cũng vì thế mà giảm xuống. Nếu ngủ quá nhiều, hoạt động của tim sẽ suy yếu dẫn đến các bệnh về tim. Điều này cũng có nghĩa là ngủ nướng sẽ phá vỡ nhịp sinh học của cơ thể, khiến bạn ăn không đúng giờ và vì thế gây ảnh hưởng tới đường tiêu hóa.

Rối loạn nội tiết

Ngủ quá lâu sẽ phá vỡ nhịp sinh học của các cơ quan trong cơ thể, gây rối loạn nội tiết và ảnh hưởng nghiêm trọng tới tinh thần, thậm chí có thể gây trầm cảm.

Đau dạ dày

Ngủ nướng sẽ khiến bạn ăn uống không đúng giờ, gây co thắt đường tiêu hóa. Lâu dần sẽ khiến bạn bị viêm dạ dày mãn tính và có thể mắc chứng khó tiêu.

Béo phì

Theo nghiên cứu, rối loạn giấc ngủ do thời lượng ngủ quá nhiều hoặc quá ít sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh thừa cân, béo phì. Những ai thích ngủ nướng từ 9-10 tiếng mỗi đêm có xu hướng tăng cân lên 21% trong khoảng 6 năm so với người ngủ đủ giấc từ 7-8 tiếng buổi đêm.

Đau đầu

Có một thực tế là ngủ ngày quá nhiều sẽ khiến các cơn đau đầu xuất hiện ngày một dày đặc. Đây là do rối loạn giấc ngủ khiến quá trình dẫn truyền thần kinh trong não bị ảnh hưởng.

Đau lưng

Vì ngủ nhiều, ít hoạt động, cơ thể và các cơ bắp sẽ mất dần tính linh hoạt, từ đó gây đau lưng.

Đột quỵ 

Những đối tượng ngủ nướng trên 9 giờ mỗi ngày thường có khả năng mắc các bệnh đột quỵ cao hơn 70% so với những người chỉ ngủ từ 7 đến 8 giờ một ngày. Các chuyên gia cũng nhận thấy độ nhớt trong máu của người già cao hơn so với thanh niên. Nếu thời gian ngủ quá dài sẽ khiến độ nhớt trong máu tăng lên và làm tăng khả năng gây ra bệnh đột quỵ và các bệnh liên quan đến não.