Nguy cơ từ phòng chống sốt xuất huyết tùy tiện

ANTĐ - Trong tháng 11 vừa qua, dịch sốt xuất huyết (SXH) tại Hà Nội đã lên đến đỉnh cao nhất trong năm và hiện đã bắt đầu giảm. Tuy vậy, nguy cơ gia tăng tử vong trong thời điểm cuối vụ dịch, nhất là tình hình muỗi truyền bệnh kháng hóa chất vẫn còn phức tạp.

Cán bộ y tế phun hóa chất phòng chống SXH

Vẫn còn dai dẳng

Thống kê từ Trung tâm Y tế dự phòng (TTYTDP) Hà Nội cho thấy, dù không xảy ra dịch lớn như năm 2009 nhưng từ đầu năm đến nay trên địa bàn thành phố đã ghi nhận gần 4.000 trường hợp mắc SXH, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2010, đồng thời cũng là địa phương có số mắc SXH cao nhất ở miền Bắc. Thời tiết tuần đầu tháng 12 trở lạnh nên dịch đã bắt đầu có xu hướng giảm, dù vậy, ông Nguyễn Nhật Cảm - Phó Giám đốc TTYTDP Hà Nội cảnh báo, dịch SXH sẽ còn dai dẳng và tiềm ẩn nhiều nguy cơ bùng phát. Nếu như trước đây SXH chỉ tăng mạnh vào mùa hè và kéo dài cho đến tháng 10-11 thì hiện nay dịch xuất hiện rải rác quanh năm.

Thực tế, qua kết quả giám sát truyền bệnh SXH tại các vùng trọng điểm trong mùa đông cho thấy, mật độ muỗi không hề giảm và chỉ cần thời tiết thay đổi, ấm nóng là lập tức có thể sinh sôi, truyền bệnh trở lại.

Đáng chú ý, theo kinh nghiệm nhiều năm tỷ lệ tử vong do SXH thường tăng cao vào thời điểm cuối vụ dịch, do đó nếu người dân chủ quan rất có thể sẽ xảy ra các ca tử vong đầu tiên do SXH vào thời điểm này. Theo khảo sát của chúng tôi tại một số BV trên địa bàn như BV Đống Đa, BV Bệnh truyền nhiễm Trung ương chiều 6-12, trong tuần qua số bệnh nhân nhập viện điều trị SXH có giảm nhưng vẫn ở mức cao. Nhiều bệnh nhân đến viện đã có hiện tượng xuất huyết do tiểu cầu giảm như chảy máu lợi, chảy máu cam, trong tình trạng nguy kịch và có thể tử vong nếu không được điều trị kịp thời.


Nguy cơ hết thuốc chống

TS. Trần Thanh Dương, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế cho biết, loài muỗi truyền bệnh SXH phổ biến hiện nay là muỗi Aedes aegypti đã kháng hóa chất. Cụ thể, kết quả thử tính kháng hóa chất của muỗi truyền bệnh SXH dengue tại 11 tỉnh, thành phố với 3 loại hóa chất Deltamethrin, Malathion và     Permethrin cho thấy, chỉ có Malathion còn tác dụng diệt muỗi, số còn lại đã giảm độ nhạy cảm. Ở Hà Nội, tình trạng này cũng đã xuất hiện từ vài năm gần đây và ngày càng trầm trọng, đặc biệt tại khu vực nội thành.

Theo ông Nguyễn Nhật Cảm, do tình trạng người dân tự ý phun hoặc thuê phun hóa chất diệt côn trùng, mua và sử dụng hóa chất không đảm bảo, liều lượng phun không đúng quy định… khiến nhiều loại muỗi, côn trùng, đặc biệt là muỗi truyền bệnh SXH đã giảm nhạy cảm với các loại hóa chất thông thường. Nguy hiểm hơn, tính kháng thuốc này lại được di truyền cho các thế hệ muỗi sau nên muốn phòng chống bệnh hiệu quả, ngành y tế phải thường xuyên đánh giá độ nhạy cảm của muỗi với hóa chất để xác định được nồng độ, loại hóa chất phù hợp.