Nguy cơ tôm hùm đất thành đại họa phá hoại nền nông nghiệp Việt Nam

ANTD.VN - Dù cho tôm hùm đất đang bị cấm nhập khẩu vào Việt Nam nhưng thời gian gần đây, sinh vật ngoại lai xâm hại này lại đang là cơn sốt trên thị trường, trở thành những món ăn đắt khách trên bàn nhậu với giá thành cắt cổ từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng trên 1kg. Đây là một loài sinh vật ngoại lai nguy hiểm, có sức sống mãnh liệt, ăn những sinh vật có lợi bản địa và gây hại vô cùng nặng nề cho nền nông nghiệp Việt Nam.

Tôm hùm đất: Sinh vật ngoại lai nguy hiểm được bày bán tràn lan công khai trên mạng và trên các phố ở Việt Nam

Tôm hùm đất còn gọi là tôm hùm đỏ, có nhiều tên tiếng Anh như: Crawfish, Crayfish, Crawdads, Mudbugs, Red Swamp Crayfish. Đây là loại ăn tạp, chúng ăn cả động vật sống lẫn động vật chết và thực vật. Tôm hùm đất có kích thước to hơn ngón tay, sau khi chế biến có màu đỏ rất bắt mắt, ăn có vị ngọt, dai giống tôm sú. Loại tôm này có hai càng có màu đỏ, thân màu đất, được nhập từ Trung Quốc, là hàng tươi sống.

         Tôm hùm đất bị cấm nhập khẩu về Việt Nam nhưng lại đang được bày bán công khai trên mạng xã hội

Tôm hùm đất đang là cơn sốt trên các trang mạng xã hội và trong các khu chợ tại Hà Nội. Bất chấp lệnh cấm nhập khẩu từ năm 2013, cấm nuôi tại Việt Nam, loài sinh vật ngoại lai nguy hiểm này vẫn đang được dân mạng đua nhau rao bán một cách công khai và tràn lan. Chỉ một thời gian ngắn được “tuồn” về Việt Nam từ bên kia biên giới, tôm hùm đất đã nhanh chóng được tiêu thụ một cách chóng mặt.

Với sức tiêu thụ nhanh chóng của người dân, giá tôm hùm đất dao động mỗi ngày là khác nhau, giá cao nhất có hôm lên đến gần 500.000 đồng 1 kg. Nó đang trở thành “đặc sản” của người Việt, đặc biệt trên các bàn nhậu. Tuy nhiên, đây lại là mối nguy hại cho nền nông nghiệp của nước ta, gây “đại họa” khi loài sinh vật ngoại lai nguy hiểm này “chạy ra ngoài”.

Bài học “đắt giá” về ốc bươu vàng còn ám ảnh

Tôm hùm đất được đưa sang Việt Nam một cách tràn lan, số lượng lớn khiến mọi người không khỏi “đau đầu”. Bài học từ vụ ốc bươu vàng vẫn chưa thức tỉnh nổi người dân Việt? Ham giá rẻ, bất chấp lệnh cấm, vì lợi nhuận kinh doanh của bản thân, nhiều người dân đang  vô tình “tiếp tay” phá hoại nền nông nghiệp nước ta.

Theo VTC, trước nguy cơ tôm hùm đất trở thành loài ngoại lai xâm hại nguy hiểm đến nông nghiệp Việt Nam, các chuyên gia lên tiếng cảnh báo đừng quên bài học từ việc nhập khẩu ốc bươu vàng hay cây mai dương, cây lục bình khiến chúng ta vẫn phải vất vả đối phó cho đến ngày nay. Bài học “đắt giá” từ ốc bươu vàng của Trung Quốc vẫn còn là nỗi ám ảnh và còn nguyên đó. Kể từ năm 1985 - 1988, ốc bươu vàng du nhập vào Việt Nam từ Trung Quốc để nuôi làm thực phẩm chăm nuôi cho tôm, cá và gia súc.

 

Nhìn lại bài học “đắt giá” từ ốc bươu vàng của Trung Quốc khiến nước ta chật vật với nên nông nghiệp suốt bao năm qua

Tuy nhiên, chỉ một thời gian rất ngắn, ốc bươu vàng thoát ra khỏi tự nhiên, gặp điều kiện sinh sống thích hợp nên phát triển thành loài động vật gây hại trầm trọng cho cây lúa ở hầu hết các tỉnh phía Nam. Năm 2017, ốc bươu vàng hoành hành trên các đồng lúa của huyện Hớn Quản, Bình Phước, và đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất lúa nước của người dân. Chúng thường ăn các loại thực vật thuỷ sinh như sen, khoai sọ, củ ấu và đặc biệt là lúa. Với khả năng sinh sản rất nhanh và thức ăn chủ yếu là lá lúa nên ốc bươu vàng đã gây nên đại dịch phá hoại lúa ở nhiều tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.

Theo báo cáo từ Trạm Trồng trọt - Bảo vệ thực vật huyện Hớn Quản, ốc bươu vàng làm thiệt hại hơn 110 ha lúa nước. Đây chỉ là một trong hàng trăm, hàng nghìn tác hại của ốc bươu vàng trên cả nước.

"Đại dịch" ốc bươu vàng không thể kiểm soát được nữa, các phương tiện truyền thông, các hội thảo khoa học, các nghiên cứu giờ đây chỉ đưa ra các biện pháp nhằm hạn chế hậu quả từ ốc bươu vàng, chúng ta chưa có biện pháp tiêu diệt tận gốc.

Bài học từ vụ ốc bươu vàng khiến nền nông nghiệp Việt Nam phải chật vật trong suốt thời gian qua. Cho đến ngày nay, ốc bươu vàng vẫn hoành hành ở nhiều nơi, không thể triệt để tiêu diệt loài sinh vật ngoại lai phá hoại mùa màng này. Tuy nhiên, nền nông nghiệp Việt Nam đang sắp đối mặt với “đại họa” sinh vật ngoại lai khác: Tôm hùm đất.

Tôm hùm đất nguy hại như thế nào đối với nền nông nghiệp Việt Nam?

Ảnh hưởng khủng khiếp của tôm hùm đỏ gây ra đã được các chuyên gia nghiên cứu và cho hay, đây là loài thủy sinh, có nguồn gốc ngoại lai, ưa đào hang, sống về đêm, ăn tạo, có sức chống chịu và thích nghi rất cao.

Tôm hùm đất là sinh vật ngoại lai nguy hiểm cho nông nghiệp, đang được bày bán tràn lan tại Việt Nam với số lượng lớn

Theo VnExpress, hiện Trung Quốc vất vả đối phó với nạn tôm hùm đất phát triển dọc sông Trường Giang. Nếu loài phát tán ra đồng ruộng Việt Nam sẽ nguy hại hơn ốc bươu vàng, làm lây lan mầm bệnh nấm tôm, virus gây bệnh đốm trắng gây thiệt hại nặng nề cho các đầm nuôi tôm. Với đôi càng màu đỏ to khỏe, chúng có thể cắt ngang thân lúa cứng, ăn tất cả loại búp cây non. Thậm chí, loài tôm này vừa phá hại lúa, tiêu diệt tôm bản địa, cá nhỏ, vừa có thể là nguồn gây bệnh cho các loài sinh vật khác, kể cả con người.

Gần đây, trên mạng xã hội lan truyền một clip cho thấy sức sống mãnh liệt của loài tôm hùm đất này. Theo đó, trong một bàn nhậu tôm hùm đất, một con tôm hùm đất đang trong một nồi nước lẩu sôi ùng sục, nó đã dùng cặp càng để bám lấy thành nồi thooát khỏi và sẵn sàng dùng chiếc càng kia chặt đứt lìa chiếc càng còn lại để sống sót. Sức sông của tôm hùm đất là vô cùng khủng khiếp. Chúng ta cũng thấy được sức mạnh cặp càng của loài này.

Tôm hùm đất có sức “công phá” nền nông nghiệp vô cùng khủng khiếp. Loài sinh vật ngoại lai này đã trở thành mối nguy hiểm đối với nhiều nước Châu Âu và Châu Phi

Ngay cả liên minh Châu Âu cũng đã phải ban hành lệnh cấm mọi hoạt động liên quan đến loài này, bao gồm: buôn bán, lưu trữ, phân phối hay thả tôm ra ngoài môi trường. Theo VTV, vào năm 1995, một sự cố tại Đức đã khiến tôm càng đỏ trốn thoát ra khỏi môi trường. Gặp điều kiện thuận lợi, loài này đã sinh sản với tốc độ vô cùng nhanh chóng và xâm chiếm vùng hồ ở Đức và sau đó khắp Châu Âu. Tại Châu Âu, loài tôm hùm đỏ còn bị xếp vào danh sách "sinh ngoại lai xâm lược”.

Sự việc trên là cảnh báo vô cùng nguy hiểm trước tình trạng tôm hùm đất đang xuất hiện tại Việt Nam và đang được người dân buôn bán công khai. Nếu không được ngăn chặn cùng những lệnh cấm nghiêm khắc, hoạt động nghiêm ngặt của các cơ quan và các bên liên quan, loài sinh vật ngoại lai nguy hiểm này có tiếp tục trở thành “đại họa” với nền nông nghiệp Việt Nam? Giống với “đại dịch” ốc bươu vàng từng xảy ra tại nước ta, giống như “sinh vật ngoại lai xâm lược” ở các nước Châu Âu, tôm hùm đất sẽ phá nát nền nông nghiệp, nếu nó du nhập thành công vào nước ta.