Nguy cơ tội ác “điều khiển từ xa”

ANTĐ - Đầu tháng 4 vừa qua, Kelvin Melton, 49 tuổi, đang thụ án chung thân trong một nhà giam ở tiểu bang North Carolina, Mỹ nhưng đã dùng điện thoại di động chỉ đạo bắt cóc cha của nữ công tố viên từng tham gia vụ án của hắn. Sự việc khiến giới chức trách thực sự lo ngại khi các phương tiện liên lạc (đặc biệt là điện thoại di động) được “tuồn” vào tay tù nhân.

Nơi con tin được giải cứu

Đòn thù khó đoán

Hôm 5-4, một phụ nữ lạ mặt tới gõ cửa nhà ông Frank Janssen (63 tuổi) ở Wake Forest. Khi vừa mới mở hé cửa, ông Janssen bị một nhóm người hùng hổ ập vào nhà. Chúng giữ chặt tay, chân ông và dùng súng bắn điện khống chế. Sau đó, chúng ép ông Janssen lên chiếc xe ô tô đỗ gần đó. 

Đi siêu thị về, bà Christie - vợ ông Janssen thấy lạ khi thấy ở ngoài sân xuất hiện một vài giọt máu, còn ông Janssen đi đâu không hay biết. Linh tính có điều chẳng lành, bà liền báo cảnh sát về sự mất tích của chồng mình. 1h51 sáng 9-4, bà Christie nhận được một tin nhắn từ số điện thoại lạ mã vùng Atlanta, có nội dung ông Janssen đang bị bắt giữ, ông sẽ bị tra tấn và chặt ra từng khúc nếu gia đình dám báo cảnh sát. 

Trong quá trình điều tra, cảnh sát phát hiện ra 24 tin nhắn và những cuộc gọi đe dọa bà Christie được xác định có đường truyền từ nhà tù Polk Correctional Institutio có hệ thống an ninh nghiêm ngặt ở Butner, North Carolina. Người sử dụng là Kelvin Melton, thành viên băng đảng đường phố nổi tiếng tàn bạo Bloods - kẻ đã bị kết án chung thân không ân xá vào tháng 10-2012 vì “Cố ý giết người” và “Cố ý gây thương tích”.

Đáng nói là những tội danh này của Melton đã bị chính nữ công tố viên Colleen Janssen, con gái ông Frank Janssen vạch ra trước tòa. Theo hồ sơ, cũng chính số điện thoại này, trong thời gian gần đây, Melton đã gọi cho con gái mình tới 99 cuộc. 8h20 tối   9-4, qua theo dõi, cảnh sát đã nghe lén được cuộc trao đổi giữa Melton và một người đàn ông khác ở đầu dây bên kia. Cụ thể, đó là kế hoạch chi tiết “thủ tiêu sạch sẽ con tin” mà Melton vạch cho đồng bọn.

Ngay sau khi định vị được vị trí của số điện thoại vừa mới liên lạc với Melton, các nhân viên FBI ở North Carolina đã đột kích một ngôi nhà ở Austell, Georgia. Tại đây, ông Janssen được FBI giải cứu. Cùng với Melton, 5 kẻ đồng phạm với Kelvin Melton gồm Tiana Maynard (30 tuổi), Jenna Martin (21 tuổi), Jevante Price (20 tuổi), Michael Gooden (21 tuổi) và Clifton Roberts (29 tuổi) đều phải đối mặt với tội danh bắt cóc.

Điện thoại di động thành “vũ khí” giết người

Qua vụ bắt cóc cha của nữ công tố viên Colleen Janssen để trả thù, giới chức Mỹ thêm lo ngại về tình trạng sử dụng các phương tiện liên lạc bị cấm trong tù, đặc biệt là điện thoại di động. Theo một số nguồn tin, dù bị giam ở phòng biệt giam, nhưng không hiểu sao Melton vẫn có thể sử dụng điện thoại trong hơn 1 tháng trước khi nhân viên FBI giải cứu ông Janssen thành công. 

George Solomon - Giám đốc nhà tù này cho biết, số điện thoại di động bị tịch thu ở đây năm 2013 là 747 chiếc, nhiều gấp hơn 20 lần so với số lượng năm 2005. Ông George tiết lộ, phần lớn số điện thoại được đưa vào tù trái phép bằng cách giấu trong quả bóng bơm hơi (như quả bóng rổ hoặc bóng đá) rồi được ném qua hàng rào nhà tù. Đôi khi, chúng lại được nhồi trong bánh mì, hộp cơm hoặc giấu trong cuốn sách mà người nhà tiếp tế cho phạm nhân. 

Ông George cũng cho biết, nhân viên trại giam nếu như trước đây tập trung kiểm soát việc mang lén thuốc lá, ma túy hay các loại vũ khí vào tù, thì nay là điện thoại di động. “Có bằng chứng cho thấy, những chiếc điện thoại này được dùng để bàn việc vượt ngục, để ra lệnh giết người, cũng như liên lạc cho các hành vi tội phạm khác” - ông George Solomon lo ngại.

Hiện chưa có con số chính xác là bao nhiêu điện thoại được chuyển cho khoảng 2,3 triệu tù nhân trong các nhà giam của chính quyền tiểu bang và liên bang Hoa Kỳ, nhưng các dữ kiện thu thập được cho thấy đây là vấn đề ngày càng nghiêm trọng. Nhà chức trách đã dùng nhiều biện pháp để ngăn chặn việc đưa điện thoại di động vào trong tù, trong đó có sử dụng máy dò kim loại, máy quét X-ray, khám xét bằng tay và dò sóng WiFi, nhiều nơi còn dùng cả chó được huấn luyện để đánh hơi máy điện thoại.