Nguy cơ "tăng dần đều" cho doanh nghiệp Việt

ANTD.VN - Theo dự báo của các chuyên gia, thị trường bán lẻ Việt Nam sẽ tăng trưởng nhanh và doanh thu có thể tăng từ 102 tỷ USD lên 179 tỷ USD trong 5 năm tới. Tuy nhiên, doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam có nguy cơ lép vế ngay trên sân nhà trước sự xuất hiện của nhiều tên tuổi lớn đến từ Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc.

Thêm một thương hiệu lớn của thế giới giành thị phần bán lẻ Việt Nam  

Doanh nghiệp ngoại “đổ bộ”

Sáng 10-9, 3 cửa hàng đầu tiên thuộc chuỗi siêu thị bán lẻ nổi tiếng MINISO của Nhật Bản đã chính thức được khai trương tại Hà Nội. Dự kiến, tới cuối năm nay, thương hiệu này sẽ mở 12 cửa hàng tại Hà Nội, TP.HCM và 4 tỉnh, thành phố khác.

Được thành lập từ năm 2013 với 4 cửa hàng tại Tokyo, chuỗi siêu thị này đã phát triển nhanh chóng và hiện có tới 1.600 điểm bán hàng tại 22 quốc gia, vùng lãnh thổ. Với doanh thu vượt 1 tỷ USD trong năm 2015, MINISO được xem là một trong những “đại gia” trong ngành bán lẻ. Đáng chú ý, doanh nghiệp này dự định nâng tổng số lượng cửa hàng trên toàn thế giới lên con số 6.000 vào năm 2020. 

Trước đó, Công ty E-Mart, chuỗi siêu thị lớn nhất Hàn Quốc cho biết, sẽ ký một thỏa thuận với TP.HCM để đầu tư 200 triệu USD vào khu vực đóng vai trò trung tâm thương mại của Việt Nam. Ngoài ra, nhiều thương vụ “thâu tóm” các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam đã được thực hiện thành công bởi các doanh nghiệp lớn đến từ Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản. 

Cụ thể, qua các thương vụ mua bán, sáp nhập các chuỗi bán lẻ lớn, doanh nghiệp Thái Lan đã từng bước “xâm lấn” thị trường Việt Nam. Đầu tiên có thể kể tới việc Berli Jucker Plc (BJC) của Thái Lan mua hệ thống 42 cửa hàng FamilyMart (Nhật Bản) tại Việt Nam và đổi tên thành B’mart.

Rồi doanh nghiệp này tiếp tục thâu tóm chuỗi siêu thị Metro Cash & Carry Việt Nam, đây được xem là vụ mua bán, sáp nhập quy mô lớn nhất trong ngành bán lẻ Việt Nam. Chưa dừng lại ở đó, đầu năm 2015, Tập đoàn Central Group của tỷ phú đến từ Thái Lan đã mua lại 49% cổ phần công ty sở hữu chuỗi siêu thị điện máy Nguyễn Kim. Central Group cũng chính là doanh nghiệp thâu tóm thành công chuỗi siêu thị Big C...

Nhiều doanh nghiệp bán lẻ lớn từ Nhật Bản, Hàn Quốc cũng góp mặt trong cuộc đua giành thị phần tại thị trường Việt Nam. Năm 2014, Aeon của Nhật Bản đã mở trung tâm mua sắm lớn đầu tiên tại TP.HCM sau đó tiếp tục mở rộng ra Hà Nội và một số tỉnh, thành phố khác. Với chiến lược tăng cường hoạt động đầu tư tại Việt Nam, Lotte (Hàn Quốc) đã  tiến hành hàng loạt thương vụ mua bán, sáp nhập, đồng thời đẩy mạnh việc mở rộng mô hình bán lẻ hiện đại... 

Nguy cơ mất thị trường

Đánh giá về sự xâm nhập thị trường bán lẻ của các doanh nghiệp lớn đến từ nước ngoài, ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội, nguyên Phó giám đốc Sở Thương mại Hà Nội cho biết, khoảng 5-7 năm nay, hầu hết các tập đoàn lớn của thế giới đã có mặt ở Việt Nam. 

“Nước nào cũng rất coi trọng hệ thống phân phối nội địa nhưng Việt Nam quá chú trọng xuất khẩu, bỏ qua thị trường nội địa. Nhà đầu tư nước ngoài vào chỉ mất vài tháng đã có thể tiến hành hoạt động, trong khi có doanh nghiệp trong nước mất tới 3 năm mới tìm được địa điểm kinh doanh. Với sự chậm chễ đó thì thời cơ kinh doanh đã mất. Nói tóm lại đây là một cuộc cạnh tranh không cân sức”, ông Vũ Vinh Phú nói.

Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội cho rằng, khi các doanh nghiệp bán lẻ lớn  đứng vững trên thị trường, chiếm thị phần thì các doanh nghiệp sản xuất cũng như người tiêu dùng sẽ chịu nhiều sức ép. Nguy cơ cạnh tranh không chỉ gói trong khâu phân phối mà cả sản xuất cũng chịu ảnh hưởng khi hàng hóa bị đánh bật ra khỏi thị trường.

Các chuyên gia cho rằng, thị trường bán lẻ sẽ còn tiếp tục chứng kiến nhiều thương vụ lớn. Sắp tới, sẽ có thêm nhiều gương mặt mới đẳng cấp quốc tế tham gia cuộc đua định hình lại thị phần. Trong bối cảnh đó, các nhà đầu tư trong nước chắc chắn không thể đứng yên.

Để không thua trắng trên “sân nhà”, doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam cần đẩy mạnh đổi mới, tổ chức sản xuất hàng hóa với quy mô lớn, chất lượng. Đặc biệt, doanh nghiệp Việt Nam cần nắm bắt những lợi thế như hệ thống mặt bằng, tiếp thu kinh nghiệm của doanh nghiệp nước ngoài để từng bước giành lại thị phần. 

Một số doanh nghiệp bán lẻ trong nước cho rằng, việc các doanh nghiệp ngoại có mặt trên thị trường không phải là điều mới. Hơn chục năm qua, các doanh nghiệp Việt vẫn duy trì được thị trường của mình trước sức ép từ các doanh nghiệp ngoại. Nhiều doanh nghiệp như Vingroup hay Saigon Co.op cũng đã tìm được chiến lược cho mình trong cuộc cạnh tranh hết sức khốc liệt này.