Nguy cơ tái phát "đại dịch thế kỷ"

ANTĐ - Công cuộc phòng chống HIV/AIDS trên thế giới đã đạt được những thành tựu to lớn, song “đại dịch thế kỷ” này đang có nguy cơ bùng phát trở lại nếu những thành tựu đạt được thời gian dài qua bị hủy hoại.

Tại Hội nghị quốc tế phòng chống AIDS lần thứ 21 diễn ra từ ngày 18 đến 22-7 tại thành phố Durban của Nam Phi với sự tham dự của hơn 18.000 nhà khoa học, các nhà tài trợ, các nhà hoạt động... nhiều ý kiến đã cảnh báo rằng, thành quả của thế giới trong cuộc chiến chống AIDS đang bị đe dọa. Điều này có thể khiến mục tiêu lớn chấm dứt đại dịch HIV/AIDS vào năm 2030 do Liên hợp quốc đề ra có thể không đạt được.

HIV/AIDS từng được xem là một “đại dịch thế kỷ” với cả thế giới bởi từ khi được chính thức phát hiện năm 1981 đến nay, dịch bệnh nguy hiểm này đã cướp đi sinh mạng của khoảng 31 triệu người, cùng hàng trăm triệu người đang hàng ngày hàng giờ phải chống chọi với virus quái ác HIV. Trong giai đoạn cao điểm của những năm 1990 của thế kỷ 20, cứ mỗi năm lại có thêm khoảng trên dưới 3 triệu người mắc “căn bệnh thế kỷ”.

Các nhà hoạt động xuống đường ở Durban kêu gọi chữa trị cho tất cả những trường hợp nhiễm căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS

Cộng đồng quốc tế mà đi đầu là Liên hợp quốc từ năm 2000 đã đặt ra mục tiêu chấm dứt đại dịch HIV/AIDS vào năm 2030 với những chương trình, kế hoạch hành động cụ thể cùng để chống lại đại dịch này.

Nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế đã mang lại những kết quả tích cực mà theo đó, các ca nhiễm virus HIV mới trong giai đoạn từ năm 2000-2014 đã giảm 35,5%, từ 3,1 triệu trường hợp/năm xuống còn 2 triệu trường hợp/năm, nhất là tỷ lệ lây nhiễm ở trẻ em đã giảm mạnh 58%.

Đặc biệt, các trường hợp tử vong vì căn bệnh này cũng giảm mạnh 41%, xuống còn 1,2 triệu ca kể từ khi dịch bệnh bùng phát mạnh vào năm 2004.

Để đạt được mục tiêu lớn vào năm 2030, Liên hợp quốc năm 2016 đưa ra cam kết đến năm 2020, giảm số nhiễm HIV mới trên toàn thế giới xuống ít hơn 500.000 người; đến năm 2020, giảm số tử vong do AIDS trên toàn thế giới xuống ít hơn 500.000 người; đến năm 2020, xóa bỏ kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV. Đồng thời, phấn đấu đến năm 2020 sẽ có khoảng 90% số người nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc đặc trị ARV.

Tuy nhiên, thành quả chống “đại dịch thế kỷ” HIV/AIDS mà toàn thế giới phải rất nỗ lực mới đạt được hôm nay đang có nguy cơ bị hủy hoại khi số liệu thống kê gần đây cho thấy nhiều lo ngại.

Đáng chú ý nhất là số người bị phát hiện dương tính với HIV trong 5 năm trở lại đây lại không giảm khi vẫn có khoảng 1,9 triệu ca nhiễm mới mỗi năm, thậm chí một số khu vực như: Trung Á, Đông Âu, Caribe, Trung Đông và khu vực Mỹ Latinh còn ghi nhận số trường hợp nhiễm mới tăng cao. 

Nguyên nhân chính khiến thành quả phòng chống HIV/AIDS của thế giới đang bị đe dọa là thiếu hụt nguồn tài trợ lớn trong khi các quốc gia trên thế giới cần tăng ngân sách dành cho các chương trình, dự án phòng chống HIV/AIDS từ 21,7 tỷ USD hiện nay lên 32 tỷ USD/năm.

Phát biểu khai mạc Hội nghị quốc tế phòng chống AIDS lần thứ 21, Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon kêu gọi cộng đồng quốc tế tăng cường tài trợ cho các chương trình của Liên hợp quốc và các tổ chức nhân đạo quốc tế phòng chống căn bệnh thế kỷ này, nhất là cung cấp các thiết bị y tế cần thiết để xét nghiệm và mở rộng đối tượng điều trị bằng thuốc ARV.

Bên cạnh đó, ông cũng đề nghị cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền về “căn bệnh thế kỷ” này, chống phân biệt đối xử, kỳ thị đối với những bệnh nhân HIV/AIDS, xây dựng các biện pháp phòng chống, điều trị hiệu quả hơn…