Nguy cơ tai nạn từ xe chở đào, quất chơi Tết

ANTD.VN - Chỉ còn hơn 10 ngày nữa là đến Tết Nguyên đán. Hiện trên các tuyến đường, mật độ người và phương tiện giao thông đã khá dày đặc, trong đó có không ít xe chở cây cảnh (đào, quất...), hàng hóa cồng kềnh làm tăng nguy cơ xảy ra tai nạn.

“Tai bay, vạ gió”

Ngày 30-1 vừa qua tại huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam đã xảy ra vụ tai nạn nghiêm trọng khiến 2 người tử vong. Theo thông tin ban đầu, ông N.Q.L và ông M.V.K (ở xã Đại Hồng) khi đi xe máy trên đường liên thôn thì xảy ra va chạm với một xe máy kéo theo xe bò chở tôn đang lưu thông trên đường. Cả ông L và ông K đã bị những tấm tôn cứa vào bụng khiến ông L tử vong tại chỗ, ông K được đưa đi cấp cứu trong tình trạng nguy kịch và tử vong sau đó.

Cũng liên quan đến xe chở hàng cồng kềnh, trước đó, trên địa bà Hà Nội đã xảy ra không ít vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng gây thương vong cho người đi đường. Mặc dù chủ phương tiện vi phạm đã bị xử lý khá nghiêm khắc, thậm chí bị truy cứu trách nhiệm hình sự song vì lợi nhuận, không ít cá nhân vẫn cố tình vi phạm.

Việc tận dụng mọi chỗ trên xe để chở cành đào khiến lái xe khá vất vả

Khảo sát trên các tuyến đường trong những ngày giáp Tết, chúng ta dễ dàng bắt gặp hình ảnh những cây đào, quất với kích cỡ lớn được chuyên chở trên những chiếc xe máy, xe “tự chế” phóng như bay trên đường. Bà Đỗ Thị Thu Vân – cán bộ hưu trí ở phường Kim Mã, quận Ba Đình, Hà Nội phản ánh, để vận chuyển cây cảnh về nhà, một số người thuê “xe ôm”, số còn lại chọn cách tự vận chuyển. Họ buộc cây sau xe, để ở chỗ để chân phía trước hoặc một tay cầm cây, cành đào, tay còn lại điều khiển xe máy khiến những người đi xung quanh lo nơm nớp.

“Tôi đã chứng kiến không ít người điều khiển xe do bê vác cây cảnh khá nặng lại di chuyển trên quãng đường dài nên bị tê mỏi tay dẫn đến mất lái, đi lảo đảo trên đường rồi gây tai nạn. Chưa kể đến việc ở những quãng đường đông đúc, những cành đào, chậu quất,  lan cồng kềnh rất dễ va quệt vào những người tham gia giao thông khác. Do vậy, trong những ngày này, mỗi khi ra đường tôi cứ giật mình thon thót, chỉ sợ “tay bay, vạ gió” – bà Vân than thở.

Do nhu cầu vận chuyển cây cảnh, hàng hóa của người dân vào dịp cuối năm rất cao nên để tăng thu nhập, không ít lái “xe ôm” dù phương tiện cũ nát nhưng vẫn tìm cách chuyên chở hàng sao cho được nhiều nhất. Họ tận dụng bất cứ khe hở nào trên xe để chằng buộc hàng khiến người điều khiển xe không còn nhiều khoảng trống để ngồi, thậm chí có lái xe phải vắt hẳn một chân sang bên còn lại, ngồi trên đống hàng để di chuyển trong tình trạng bấp bênh, khó quan sát nên chỉ cần va chạm nhẹ nguy cơ xảy ra tai nạn là khó tránh khỏi.

Nguy cơ ngồi tù vì chở hàng cồng kềnh gây tai nạn

Về hành vi chở hàng cồng kềnh, quá khổ, quá tải trên đường, Luật sư Nguyễn Tiến Hòa – Đoàn Luật sư Hà Nội  phân tích, theo Điều 20 Luật giao thông đường bộ 2008, hàng hóa xếp trên xe phải gọn gàng, chằng buộc chắc chắn, không để rơi vãi dọc đường, không kéo lê hàng hóa trên mặt đường và không cản trở việc điều khiển xe.

Bên cạnh đó, Điều 8, Nghị định 46/2016/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt cũng quy định, phạt tiền từ 300.000 - 400.000 đồng đối với người điều khiển xe môtô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe môtô, xe gắn máy vi phạm; người điều khiển xe hoặc người ngồi trên xe bám, kéo, đẩy xe khác, vật khác mang vác vật cồng kềnh, xếp hàng hóa trên xe vượt quá giới hạn quy định…

Chở hàng cồng kềnh - hình ảnh phổ biến trên các tuyến đường ngày giáp Tết

Cũng theo Luật sư Nguyễn Tiến Hòa, trong trường hợp đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, người thực hiện hành vi có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ theo điều 260 BLHS 2015. Theo đó, người nào tham gia giao thông đường bộ vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ thuộc một trong các trường hợp: Làm chết 1 người hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe cho 2 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31-60%...thì bị phạt tiền từ 30-100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1-5 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1-5 năm.

Để đảm bảo an toàn giao thông trên các tuyến đường trong những ngày giáp Tết, người tham gia giao thông nên nghiêm túc chấp hành Luật giao thông đường bộ. Bên cạnh đó, các lực lượng chức năng cần tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm những cá nhân cố tình vi phạm, lạng lách, đánh võng, chở hàng cồng kềnh khi tham gia giao thông.