Nguy cơ rình rập những bến đò ngang

ANTĐ - Hiện nay, hàng chục bến đò không phép, không dụng cụ cứu hộ và người lái đò không có bằng cấp chứng chỉ điều khiển phương tiện vẫn ngang nhiên hoạt động.

Hành khách thì bất chấp nguy hiểm còn các cơ quan chức năng thờ ơ trong việc xử lý, điều này sẽ dẫn tới TNGT có thể xảy đến bất cứ lúc nào.

Thót tim trên mỗi chuyến đò

Có mặt tại bến đò Ngọc Thụy ở phường Ngọc Thụy, quận Long Biên vào một sáng chủ nhật, nhóm PV chúng tôi không khỏi rùng mình trước hình ảnh những chuyến đò oằn mình hụp lặn trên những lớp sóng chở theo hàng chục hành khách và xe máy, xe đạp sang bến thuộc xã Đông Hội, huyện Đông Anh. Ngày cuối tuần nên bến đò khá đông khách.

Phải rất khó khăn chúng tôi mới có thể đưa chiếc xe máy lên được con đò vì phải đi qua một con đường nhỏ khá dốc, chỉ vừa đủ cho 2 xe máy tránh nhau. Sau khi người lái đò dùng sào tre đẩy để chuyển hướng, con đò rộng chừng hơn 2 mét, chiều dài khoảng 5 mét cũ kỹ ì ạch, chòng chành tiến sang bờ đối diện.

Những bến đò không phép, không an toàn đang đe dọa tính mạng của nhiều hành khách

Dù trên đò chở rất nhiều người và nước sông Đuống mùa này chảy khá dữ, nhưng tuyệt nhiên chúng tôi không thấy áo phao và các dụng cụ cứu sinh, cứu đắm để trên thuyền. Đáng sợ hơn, ngay phía trên đầu các hành khách là hệ thống đường dây điện cao thế vắt ngang sông. Dường như không ý thức hết được nguy hiểm, hành khách đi đò người ngồi vắt vẻo trên xe máy, người dựa lưng vào thành đò, được chủ thuyền hàn gắn bằng mấy thanh sắt cao chừng gang tay ở 2 bên. Là một trong số ít người biết “sợ”, chị Nguyễn Thị Mai, nhà ở bên Đông Anh chở rau quả sang chợ Long Biên cho biết: “Khổ nhất vẫn là những ngày mưa gió, đường trơn dốc đứng còn đò thì chòng chành lắc lư sau mỗi đợt sóng. Mỗi khi đò cập bến, tôi mới thở phào khi thấy mình còn sống”.

Giống bến đò Ngọc Thụy, tại bến đò Quang Lãng thuộc xã Quang Lãng, Phú Xuyên, Hà Nội, những hành khách cũng chung cảnh không bao giờ biết tới chiếc áo phao mỗi khi đi đò. Và giống như bến đò Chương Dương ở huyện Thường Tín, không chỉ chở xe máy, xe đạp, bến đò này còn chở cả công nông, xe ô tô. Dù nước chảy qua đây không dữ bằng khu vực bến đò Ngọc Thụy nhưng khoảng cách 2 bên bờ sông Hồng tại đây rất rộng. Mỗi lần có tàu trọng tải lớn chở hàng hóa chạy qua, con đò mỏng manh, lắc lư, dập dềnh theo từng đợt sóng khiến người đi đò “đứng tim”.

Cần sự đồng bộ trong xử lý
Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ của Phòng CSGT đường thủy - CATP Hà Nội, hiện trên tất cả các tuyến sông có tới 43 bến đò, trong đó bến đò ngang không phép chiếm tới hơn 1 nửa với 25 bến. Những bến đò không phép được người dân ở 2 bên bờ sông tự mở ra, phục vụ nhu cầu đi lại của họ. Nhiều người dân dù biết nguy hiểm nhưng vì muốn “rút ngắn” quãng đường đi nên đã phớt lờ tai nạn, phó mặc số phận cho những lái đò “nghiệp dư”.

Thượng tá Nguyễn Văn Cương-Phó Trưởng phòng CSGT đường thủy cho biết, ngoài CSGT đường thủy, trách nhiệm chính trong việc xử lý các vi phạm trên vẫn thuộc về chính quyền cơ sở, cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động cho các bến đò, bến khách ngang sông.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy thời gian qua, sự vào cuộc của các cấp chính quyền địa phương nơi có các bến đò, bến khách chưa thực sự được quan tâm đúng mức, một số nơi còn xem nhẹ công tác này. Ví như bến đò ở xã Đông Hội và bến Ngọc Thụy. Từ tháng 10 - 2004, 2 bến đò này đã không được Sở GTVT gia hạn giấy phép hoạt động vì có đường cao thế bắc ngang qua sông tại vị trí bến nhưng cho đến nay, 2 bến đò trên hàng ngày vẫn chở khách. CSGT đường thủy đã rất nhiều lần làm công văn gửi tới UBND phường, xã nơi 2 bến trên đóng đề nghị phối hợp giải quyết nhưng chính quyền sở tại ở đây lại khá thờ ơ.

Hiện nay, ngoài việc thiếu thốn về bãi tập kết phương tiện vi phạm, thêm một khó khăn đang đặt ra đối với CSGT đường thủy, đó là công tác tuyên truyền Luật Giao thông đường thủy của các cơ quan chức năng đến người dân còn yếu. Điều này dẫn đến tình trạng chủ đò, chủ phương tiện giao thông thủy và cả của chính hành khách khi đi đò đều chưa thực sự ý thức được tầm quan trọng của việc chấp hành pháp luật về giao thông đường thủy. Ngay bản thân người đi đò cũng không đòi hỏi quyền lợi của mình là được mặc áo phao khi lên đò.

Theo đại diện Phòng CSGT đường thủy, đơn vị đang đẩy mạnh tuyên truyền xây dựng ý thức cho hành khách để họ không lên đò khi thấy đò chở quá tải. “Tuy nhiên, nếu không tạo điều kiện về bến bãi, cơ sở vật chất cũng như sự vào cuộc tích cực, đúng mức của cấp ủy và chính quyền địa phương thì nguy cơ TNGT đường thủy ở các bến đò ngang vẫn luôn tiềm ẩn bất cứ lúc nào, nhất là trong mùa mưa bão”-Thượng tá Nguyễn Văn Cương khẳng định.