Nguy cơ phát nổ từ đồ gia dụng

ANTĐ - Hiện nay, những thiết bị điện, điện lạnh như tủ lạnh, lò vi sóng, nồi áp suất… được các gia đình sử dụng khá phổ biến. Song, bên cạnh những tiện lợi không nhỏ, các thiết bị này còn tiềm ẩn nguy cơ gây chết người…

Hiện trường vụ nổ nồi áp suất tại huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa

Khả năng sát thương cao

Cách đây không lâu, tại xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh đã xảy ra vụ nổ tủ lạnh nghiêm trọng. Nạn nhân - người có mặt tại thời điểm xảy ra sự cố đã bị lột da tay và da mặt. Chiếc tủ lạnh được đặt dưới tầng hầm căn nhà (nơi dùng làm nhà vệ sinh và bếp ăn) đã bị vỡ tung ra thành nhiều mảnh. Mái nhà bằng tôn đã bị lật tung do sức ép khá lớn của vụ nổ. Toàn bộ vật dụng trong căn phòng bị hư hỏng nặng. Một vụ nổ tủ lạnh tương tự cũng đã xảy ra tại một căn nhà ở phố Bà Triệu, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng khiến chủ nhà bị thương nặng. Gần đây nhất, ngày 10-10-2012, một ngôi biệt thự ở khu đô thị Pháp Vân, quận Hoàng Mai, Hà Nội đã bất ngờ bốc cháy. Trong thời gian ngắn, gần như toàn bộ đồ đạc trong ngôi nhà đã bị thiêu rụi. Nguyên nhân ban đầu được xác định là do nổ bình gas tủ lạnh. Được biết, trước đó gia chủ đã phát hiện bình gas tủ lạnh bị hở nhưng chưa kịp sửa chữa.

Về các vụ nổ liên quan đến lò vi sóng, thời gian qua, cộng đồng mạng xôn xao khi video clip về một thanh niên dùng lò vi sóng để hâm nóng tách cà phê đã bị thương tích nặng. Sau khi cà phê được đun sôi, người thanh niên này lấy tách cà phê từ trong lò ra thì bị nước bắn tung tóe vào mặt, gây bỏng da mặt và mù mắt. 

Không chỉ tủ lạnh, lò vi sóng, mà những chiếc nồi áp suất vốn rất tiện dụng cũng có thể trở thành những “quả bom” gây sát thương mạnh. Sáng 29-4 vừa qua, tại cơ sở kinh doanh đậu phụ của ông Nguyễn Văn M (ở thành phố Đông Hà, Quảng Trị), trong lúc ông M đang nấu đậu thì nồi áp suất phát nổ khiến ông M chết ngay tại chỗ, cháu Lê Thị Thu S (15 tuổi, giúp việc cho gia đình ông M) làm việc gần đó bị thương nặng, phải nhập viện trong tình trạng nguy kịch. 

Trước đó, vào ngày 17-1, tại cơ sở làm bánh tráng của ông Nguyễn Đình T (huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa) cũng xảy ra một vụ nổ nồi áp suất khiến người dân hoang mang, lo lắng. Trong khi sử dụng bộ nồi áp suất cũ (đã bị hỏng đồng hồ đo áp suất) làm bánh tráng, khi thấy nồi có nhiệt độ quá cao, ông T đã xả van nước lạnh xuống nồi áp suất để giảm nhiệt độ. Ngay lập tức, chiếc nồi đã phát nổ khiến ông T tử vong và 4 người khác bị thương khá nặng. Sau sự cố, cơ sở làm bánh tráng của ông T gần như bị phá hủy hoàn toàn. Vụ nổ còn khiến hàng chục ngôi nhà của các hộ dân khu vực lân cận bị ảnh hưởng. 

Mỗi người dân cần sử dụng thiết bị điện, điện lạnh đúng cách

Cần sử dụng đúng cách

Về các sự cố nêu trên, theo kỹ sư điện lạnh Lê Văn Trung – Giám đốc một Công ty phân phối đồ điện, điện lạnh trên đường Xuân Thủy, quận Cầu Giấy, lò vi sóng, tủ lạnh, nồi áp suất… là những thiết bị có trong hầu hết các gia đình. Tuy vậy, nếu không sử dụng đúng cách hoặc những thiết bị này đã quá cũ, không được bảo dưỡng thường xuyên chúng có thể gây ra hậu quả khôn lường. Với lò vi sóng, nguy cơ phát nổ là khá cao nếu người dùng không tuân thủ nguyên tắc sử dụng: Cho trứng vào lò để nấu, đựng thức ăn vào hộp kín, …sẽ gây nổ khi áp suất bên trong lò tăng cao. Đặc biệt, nếu cho các vật dụng như bát, đĩa chứa thức ăn bằng kim loại vào lò vi sóng sẽ dẫn đến hiện tượng hồ quang, phát tia lửa điện gây cháy nổ. Còn với nồi áp suất, nó có thể phát nổ trong các trường hợp van hơi gặp trục trặc, mất tác dụng khiến áp suất bị nén quá lớn hoặc vẫn được đun nóng khi lượng nước trong nồi không còn. Bên cạnh đó, những loại nồi áp suất kém chất lượng, các thiết bị van an toàn không bảo đảm cũng có nguy cơ phát nổ cao.

Cũng theo kỹ sư Lê Văn Trung, nguyên nhân dẫn đến nổ bình gas tủ lạnh là do máy nén bị chập điện làm gas bắt lửa gây ra cháy hoặc nổ tủ lạnh hoặc do điện quá tải. Ngoài nổ bình gas, những sự cố nguy hiểm thường gặp ở tủ lạnh là chập điện, rò rỉ bình gas, hở điện ở những thiết bị cũ. Do vậy, khi thiết bị gặp trục trặc, mỗi gia đình cần gọi thợ có chuyên môn đến sửa chữa. Bên cạnh đó, trong quá trình sử dụng, người dân cũng nên bảo hành, bảo trì tủ lạnh theo định kỳ, tuân thủ nguyên tắc đặt tủ (không đặt tủ lạnh nơi ẩm ướt và quá gần bếp đun nấu, nơi có nhiệt độ cao…).

Để tránh xảy ra những hậu quả đáng tiếc, khi mua các thiết bị điện, điện lạnh, người dân nên chọn sản phẩm có thương hiệu uy tín, đã được kiểm định chất lượng và có chế độ bảo hành. Ngoài ra, dây dẫn của thiết bị điện nếu dùng lâu ngày rất dễ nứt hoặc bị chảy gây chập cháy nên trong quá trình sử dụng, các gia đình cần thường xuyên lau chùi, bảo dưỡng thiết bị và khi phát hiện hư hỏng cần gọi thợ có chuyên môn để được sửa chữa, thay thế kịp thời. Bên cạnh đó, để tránh “tiền mất, tật mang”, người dân cũng không nên ham rẻ mua các thiết bị quá cũ về sử dụng.