Nguy cơ nghiện ma túy từ việc sử dụng shisha là rất lớn

ANTĐ - Mặc dù hút shisha rất độc hại và ảnh hưởng đến sức khỏe người sử dụng, thế nhưng từ trước đến nay ở nước ta vẫn chưa có một nghiên cứu hay cảnh báo chính thức nào từ cơ quan chức năng có thẩm quyền về vấn đề này. Bà Phan Thị Hải, Phó Chánh văn phòng Chương trình Phòng chống tác hại thuốc lá quốc gia – Bộ Y tế nói rõ hơn về tác hại của shisha.

PV: Shisha đã xuất hiện ở Việt Nam nhiều năm qua nhưng đến giờ Bộ Y tế vẫn chưa có nghiên cứu chính thức nào về chất này, liệu có phải là hơi muộn?

Bà Phan Thị Hải: Theo các tài liệu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), thành phần của Shisha cũng rất đa dạng và không có sự chuẩn mực trong thành phần: Có những loại sản phẩm shisha chỉ bao gồm thuốc lá thô và mật đường lên men, nhưng cũng có những sản phẩm ngoài thành phần là mật ong, thảo dược còn được pha trộn thêm các phụ gia, hương liệu tạo các hương vị như táo, cam, dâu. Thậm chí trong quá trình sử dụng, shisha còn bị pha trộn với các chất gây nghiện khác.

Nguy cơ nghiện ma túy từ việc sử dụng shisha là rất lớn ảnh 1

Chính vì các sản phẩm shisha rất đa dạng với thành phần khác nhau nên Bộ Y tế cũng đã liên hệ với Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam để tìm hiểu thêm về tác hại của các sản phẩm này đối với sức khỏe, kinh tế và xã hội. Hiện Văn phòng Chương trình Phòng chống tác hại thuốc lá quốc gia cũng đang phối hợp với trường Đại học Y Hà Nội để tiến hành khảo sát, đánh giá về thực trạng sử dụng thuốc lá và sản phẩm shisha tại một số thành phố lớn của Việt Nam và dự kiến sẽ hoàn thành sớm trong năm 2015.

Nhiều người có suy nghĩ shisha là thảo mộc, khi hút lại nhúng qua nước nên tác hại đến sức khỏe không nhiều, cùng lắm cũng như thuốc lào. Thực tế có phải như vậy không?

- Các nghiên cứu cho thấy, đối với những người nghiện nicotine, khi hút thuốc cho dù là thuốc lá, thuốc lào hay hút tẩu hoặc các sản phẩm thuốc lá khác họ đều cần đạt được một ngưỡng nicotine nhất định để đạt được sự sảng khoái. Vì vậy, kể cả khi họ tưởng rằng một phần nicotine cũng như các chất gây hại được giữ lại trong nước thì sẽ đỡ độc hại nhưng chính vì để đạt được “ngưỡng” nicotine của mình nên khi hút họ thường hít sâu hơn, nhiều hơn. Khi đó, không chỉ nicotine mà tất cả các thành phần độc hại khác trong sản phẩm này sẽ đi sâu vào phổi và gây ra nhiều bệnh nguy hiểm. 

 Liệu đã đến lúc chúng ta phải cảnh báo mạnh mẽ hơn về loại thuốc này, cũng giống như cảnh báo tác hại thuốc lá?

Nguy cơ nghiện ma túy từ việc sử dụng shisha là rất lớn ảnh 2
Hút shisha có rất nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe

- Chúng tôi cũng đồng ý rằng cần tăng cường công tác truyền thông về tác hại của shisha. Bởi một mặt, do cách sử dụng sản phẩm, mọi người sử dụng  chung ống hút nên dễ lây lan các bệnh truyền nhiễm. Mặt khác, khi đưa ra thị trường, để tạo sự hấp dẫn, rất nhiều các chất gây nghiện khác, không loại trừ các chất cấm như ma túy được trộn vào shisha. Bởi  vậy, nguy cơ nghiện ma túy từ việc sử dụng shisha là rất lớn. Trong các chương trình truyền thông, đặc biệt là khi truyền thông trong trường học, chúng tôi cũng sẽ phổ biến về những nguy cơ đối với sức khỏe của shisha.

 Bộ Y tế sẽ có những đề xuất gì để quản lý mặt hàng này, đề phòng những hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra đối với thanh niên?

- Tháng 11-2014, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã chủ trì cuộc họp về quản lý chế phẩm shisha với đại diện của các Cục, Vụ liên quan của Bộ Y tế cùng Viện Kiểm nghiệm thuốc lá Trung ương, trường Đại học Dược Hà Nội. Hiện Cục Quản lý Khám chữa bệnh đang phối hợp chặt chẽ với WHO rà soát, tập hợp các nghiên cứu về shisha để có thêm bằng chứng thuyết phục trước khi có đề xuất Chính phủ đưa shisha vào danh mục cấm kinh doanh hoặc hạn chế kinh doanh.

Một phương án nữa là sẽ trình Chính phủ báo cáo Quốc hội đề xuất, sửa đổi khái niệm thuốc lá trong Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá cho phù hợp. Trong đó, khái niệm thuốc lá sẽ bao gồm cả sản phẩm shisha nếu các bằng chứng nghiên cứu cho thấy thành phần chính của shisha là thuốc lá và có tác hại như việc sử dụng thuốc lá. Còn trong trường hợp các sản phẩm shisha có nhiều thành phần khác mà không phải là thuốc lá thì sẽ nghiên cứu đề xuất các biện pháp quản lý phù hợp.

Bà có khuyến cáo gì đến giới trẻ trong việc sử dụng shisha? 

- Lời khuyên cho các bạn trẻ là nên tránh xa các sản phẩm này để bảo vệ chính bản thân mình, bởi như tôi đã nói ở trên, các nguy cơ tiềm ẩn tới sức khỏe từ việc sử dụng shisha là rất lớn, thậm chí nó còn là con đường dẫn đến khả năng nghiện ma túy và các chất gây nghiện khác.