Nguy cơ hỏa hoạn tại phố cổ Hà Nội: Sợ hiệu ứng domino

ANTĐ - Thói quen sinh hoạt như ủ bếp than tổ ong trong nhà qua đêm, cùng với hệ thống đường điện ngày càng quá tải, khiến nguy cơ cháy nổ ở khu phố cổ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội luôn trong tình trạng báo động. 
Nguy cơ hỏa hoạn tại phố cổ Hà Nội: Sợ hiệu ứng domino ảnh 1

Ngõ 47 Hàng Bạc - nơi từng xảy ra cháy cách đây chưa lâu


“Bán” mình cho… lửa

Chia sẻ những suy nghĩ, cảm nhận này với người bạn sinh sống tại phố Cầu Gỗ, tôi lập tức bị chê “lạc hậu”. Anh bạn tôi quả quyết đó mới chỉ là phần nổi của tảng băng chìm, cứ đi vào bất kỳ con ngõ nào trong khu phố cổ sẽ không chỉ thấy cảnh ủ bếp than, mà họ còn “dính” cả ban thờ vào vách tường, tận dụng cả dây điện để… phơi quần áo. 

Tận mắt chứng kiến hệ thống lưới điện sinh hoạt ở phố cổ, tôi thực sự phát hoảng. Mặc dù đã khoác bên ngoài lớp sơn, vôi, nhưng những ngôi nhà cũ kỹ được sửa chữa, cải tạo vẫn không giấu được các đường điện như ma trận. Nhiều người dân sinh sống ở đây khi được Cảnh sát PCCC mời đến nghe tuyên truyền, hướng dẫn kỹ năng thoát nạn khi xảy ra sự cố cháy nổ đã nêu lý do bận không đi được; thậm chí có người cho rằng càng biết càng… lo hơn. 

Khi được hỏi về cách phòng ngừa nguy cơ hỏa hoạn, ông Nguyễn Văn Thịnh, sinh sống nhiều năm tại căn hộ trên tầng 2, khu tập thể đường sắt ngõ 15 phố Hàng Điếu cho biết: “Nhà tôi có 4 người sinh hoạt trong 9m2. Hàng ngày nấu cơm dùng bếp than tổ ong xách ra lối đi chung; dùng xong để dẹp sang một bên trả lối đi lại cho người tầng trên. Bao giờ cháy hẵng hay”. Đó chỉ là một trong những vô vàn nguy cơ tiềm ẩn gây cháy đang rình rập phố cổ Hà Nội. 

Bà Nguyễn Thị Quế, 66 tuổi trú tại số nhà 47 Hàng Bạc, quận Hoàn Kiếm, nơi xảy ra vụ cháy thiêu rụi toàn bộ căn nhà cổ làm bằng gỗ, nhớ lại: “Vụ hỏa hoạn xảy ra cách đây 5 năm mà giờ nghĩ lại tôi vẫn sợ. Khi ấy tôi đang ở ngoài cửa, ngọn lửa ngùn ngụt thốc từ trong ra bao trùm tất cả. Mọi người hoảng loạn chạy đè lên nhau, rất may không có ai bị thương”. Kết quả khám nghiệm vụ hỏa hoạn về sau thể hiện, hiện trường là con ngõ dài 45m, chiều rộng 91cm; điểm cháy là ngôi nhà làm bằng gỗ. Thời điểm cháy, nếu có mặt đông đủ người của 5 hộ trong ngõ này thì thiệt hại sẽ khôn lường.

Ngõ nhỏ, phố nhỏ, nguy cơ xảy cháy lớn

Vụ hỏa hoạn xảy ra vào cuối tháng 10 vừa qua tại phố Hàng Mã, lực lượng PCCC chỉ chậm một chút nữa là những ngôi nhà lân cận cũng sẽ thành tro. Theo Đại tá Trần Văn Vụ, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC số 1 - Hoàn Kiếm, nguyên nhân cháy do chập bộ lưu điện cửa cuốn khi chủ nhà đi vắng. Lực lượng cứu hỏa đã phải phá cửa từ tầng 2 dùng thang tiếp cận hiện trường phun vòi rồng vào tâm lửa.

Đó là hiện trường còn tiếp cận được xe cứu hỏa dễ dàng và vào thời điểm giao thông phố cổ thông thoáng. Còn trên thực tế, không phải khu vực nào trên phố cổ cũng thuận lợi như vậy. Nhiều ngôi nhà đã xuống cấp, cũ kỹ, nếu không may xảy ra hỏa hoạn rất có thể không chỉ thiệt hại vì cháy mà còn đổ sập như hiệu ứng domino. 

Đưa ra cảnh báo nguy cơ cháy ở khu vực phố cổ, Đại tá Trần Văn Vụ lo ngại về tuyến phố đi bộ vào những ngày cuối tuần. Nếu không may xảy ra hỏa hoạn vào thời điểm chợ đêm hay giờ cao điểm mua bán, xe chữa cháy sẽ rất khó tiếp cận và hậu quả sẽ khôn lường. Nhằm phòng ngừa, giảm thiểu nguy cơ cháy, chỉ huy Phòng Cảnh sát PCCC số 1 cho biết, đơn vị đã chủ động kế hoạch tuyên truyền an toàn PCCC tại khu vực phố cổ về đêm. Trong đó tập trung cảnh báo hệ thống điện quá tải tại nhà hàng, quán xá. 

Theo thống kê của cơ quan Cảnh sát PCCC, trên địa bàn quận Hoàn Kiếm có hơn 1.700 ngõ nhỏ, trong đó có 30 tuyến phố xe chữa cháy không thể tiếp cận. Khu phố cổ chỉ có 17 trụ cấp nước phục vụ chữa cháy, quá ít so với mật độ dân cư, chưa kể nhiều trụ do dùng chung nguồn nước sinh hoạt của người dân nên áp lực nước rất yếu, thậm chí nhiều khi… không có nước.