Nguy cơ hết thuốc chữa vì lạm dụng kháng sinh

ANTĐ - Tình trạng kháng thuốc kháng sinh ở nước ta đang gia tăng rất nhanh trong những năm gần đây khiến nguy cơ không còn thuốc điều trị đặc hiệu trong một tương lai gần ngày càng hiện hữu. Nguyên nhân chính là tình trạng lạm dụng kháng sinh trên người, cây trồng, vật nuôi đang ở mức báo động.

Dùng thuốc kháng sinh quá tùy tiện

Ngày 24-6, lần đầu tiên Bộ Y tế đã phối hợp với Bộ NN&PTNT cùng một số bộ, ngành liên quan và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tổ chức một hội thảo định hướng triển khai thực hiện Kế hoạch hành động phòng, chống kháng thuốc tại Việt Nam.

Theo Bộ Y tế, hiện nay thuốc kháng sinh không chỉ sử dụng cho con người mà cả trong chăn nuôi - điều trị vật nuôi bị ốm, điều trị dự phòng, kích thích tăng trưởng…  khiến tình trạng kháng thuốc ở nước ta đã ở mức rất báo động.

Sử dụng quá liều, dưới liều hay lạm dụng thuốc kháng sinh đều gây ra tình trạng kháng thuốc, tạo điều kiện thuận lợi cho các vi sinh vật kháng thuốc xuất hiện, biến đổi và lây lan. 

Kết quả khảo sát gần đây do Bộ Y tế thực hiện về việc bán thuốc kháng sinh ở các tỉnh phía Bắc cho thấy, trong tổng số 2.953 nhà thuốc có 499/2083 hiệu thuốc ở thành thị (chiếm tỷ lệ 24%) và 257/870 hiệu thuốc ở nông thôn (chiếm tỷ lệ 29,5%) có bán thuốc theo đơn.

Nguy cơ hết thuốc chữa vì lạm dụng kháng sinh ảnh 1

Thói quen mua, sử dụng kháng sinh của người dân còn rất tùy tiện (Ảnh minh họa)

Kháng sinh đóng góp đến 13,4% (ở thành thị) và 18,7% (ở nông thôn) trong tổng doanh thu của các hiệu thuốc. Điều đáng nói là phần lớn kháng sinh được bán mà không có đơn, chiếm 88% ở thành thị và 91% ở nông thôn.

Lo ngại hơn khi rất nhiều người mua kháng sinh để điều trị ho (tỷ lệ này ở thành thị lên đến gần 32%) dù ho chỉ là biểu hiện của một bệnh nào đó chứ không phải bệnh cụ thể. Điều đó cho thấy thói quen mua, sử dụng kháng sinh của người dân rất tùy tiện.

Một nghiên cứu khác của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thực hiện mới đây tại Việt Nam cũng cho thấy, trong số 10 loại thuốc được dùng phổ biến thì tỷ lệ thuốc kháng sinh là cao nhất. Mặt khác, do nhu cầu thực phẩm gia tăng, sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi, trồng trọt cũng gia tăng theo.

Nghiên cứu vào năm 2013 cho thấy có đến 45 loại kháng sinh được người nông dân sử dụng để điều trị, dự phòng và thúc đẩy tăng trưởng. Điều này có thể dẫn đến các vi sinh vật đề kháng và gây ra kháng thuốc ở người. 

Hiểm họa ngày càng lớn

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cảnh báo, việc lạm dụng loại "vũ khí" kháng sinh không chỉ làm gia tăng tình trạng kháng thuốc mà còn tạo ra sự khan hiếm, thiếu hụt các thuốc kháng khuẩn mới, đặc biệt là đối với các vi sinh vật đa kháng. Hậu quả trực tiếp là làm cho thời gian điều trị kéo dài, tiên lượng xấu, nguy cơ tử vong cao và chi phí điều trị ngày càng cao.

“Chỉ sau 70 năm kể từ khi phát minh ra thuốc kháng sinh, không chỉ Việt Nam mà nhiều quốc gia khác đang phải đối mặt với khả năng tương lai không có thuốc kháng sinh điều trị hiệu quả đối với một số bệnh nhiễm khuẩn, nhất là đối với các phẫu thuật và phương pháp điều trị như hoá trị liệu ung thư, cấy ghép mô, bộ phận cơ thể người. Kháng kháng sinh đang trở thành một mối đe dọa nghiêm trọng, thách thức đối với điều trị trong tương lai, là hiểm họa ngày càng lớn đối với sức khỏe con người và nền kinh tế Việt Nam” - Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh.

Chia sẻ thêm thông tin về tình trạng kháng kháng sinh trên thế giới, ông Jeffery Kobza, quyền Trưởng Đại diện WHO tại Việt Nam cho biết, cuộc khủng hoảng kháng thuốc thực chất đã lan rộng từ nhiều năm nay và có xu hướng gia tăng nhanh, đặc biệt ở các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Vì kháng thuốc, nhiều bệnh nhiễm trùng phổ biến trước có thể điều trị dễ dàng bằng kháng sinh thì giờ đây lại đe dọa tính mạng.

Đại diện của WHO cũng cho biết, việc phát triển các kháng sinh mới đã chững lại từ hơn 30 năm nay và chỉ có một vài kháng sinh mới ra đời, trong khi cũng ở thời gian này, tỷ lệ kháng của vi khuẩn ngày càng gia tăng. 

Trước thực trạng này, tại hội thảo, Bộ Y tế, Bộ NN& PTNT, Bộ Công thương, Bộ TN& MT cùng các đối tác phát triển tại Việt Nam đã ký kết văn bản thỏa thuận giữa các đơn vị về phòng chống kháng thuốc nhằm tăng cường hoàn thiện, nâng cao năng lực hệ thống giám sát quốc gia về sử dụng kháng sinh, đồng thời tăng cường kiểm soát sử dụng kháng sinh hợp lý, an toàn trong trồng trọt và chăn nuôi.