Nguy cơ đại chiến từ "bãi thử vũ khí Syria"

ANTĐ - Trong khi dư luận quốc tế đang mong đợi hai bên tham chiến ở Syria ngồi vào bàn đàm phán để tìm giải pháp chính trị thì Nhà Trắng quyết định sẽ “giúp đỡ về mặt quân sự” cho phe nổi dậy Syria do họ tin rằng lực lượng chính phủ Syria đã sử dụng vũ khí hóa học trong cuộc nội chiến kéo dài hơn 2 năm qua. Liệu đây có phải là bước ngoặt trong sự can thiệp của Mỹ vào cuộc chiến ở Syria hay không? Và liệu đây có phải là sự mở màn cho cuộc đua “bơm” vũ khí biến cuộc chiến ở đây thành nơi  đọ sức mạnh của nhiều loại trang bị quân sự?

Những ngày gần đây, tình hình Syria đang là một trong những vấn đề nóng  nhất trên các mặt báo. Reuters ngày 14-6 dẫn lời Phó Cố vấn An ninh quốc gia của Mỹ - Ben Rhodes cho biết sau nhiều cuộc họp, chính quyền Mỹ kết luận quân đội Syria đã sử dụng vũ khí hóa học với quy mô nhỏ chống phe nổi dậy, làm chết 100 -150 người. Washington khẳng định chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad đã vượt “lằn ranh đỏ” do Tổng thống Barack Obama đặt ra và vì thế Washington sẽ cung cấp “viện trợ quân sự trực tiếp” cho Hội đồng quân sự Syria (SMC), nhánh quân sự chính của phe nổi dậy.

Cuộc chạy đua “bơm” vũ khí vào Syria bắt đầu?

Chính phủ Syria giận dữ tuyên bố cáo buộc của Mỹ “hoàn toàn là bịa đặt”, còn cố vấn cấp cao của Tổng thống Nga Vladimir Putin là ông Yury Ushakov nói những bằng chứng của Washington “không thuyết phục”, theo AFP. Một số ý kiến khác thì chỉ trích Mỹ đã lờ đi thông tin về việc quân nổi dậy Syria cũng sử dụng vũ khí hóa học. Ngoại trưởng Thụy Điển Carl Bildt nhận định Washington hành động sai lầm, có thể dẫn tới chạy đua vũ trang và gây tổn hại nỗ lực tìm kiếm giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng.   

Giám đốc Trung tâm Phân tích buôn bán vũ khí thế giới (TSAMTO) Nga Igor Korotchenko cho biết, thiết lập vùng cấm bay trên không phận Syria sẽ mở màn cho việc Mỹ và đồng minh xâm lược Syria. Ông Korotchenko cho hay, trước kia Mỹ đã  thử việc lập vùng cấm bay tại Iraq, sau đó thực hiện cụ thể hơn tại Lybia. 

Trong khi Mỹ đang nhăm nhe ý định can thiệp sâu hơn vào cuộc nội chiến ở Syria thì Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 13-6 đã lên tiếng cảnh báo, bất kỳ sự can thiệp nào từ bên ngoài vào tình hình ở đất nước Trung Đông đều không thể chấp nhận được bởi nó sẽ tạo ra một khởi nguồn mới cho chủ nghĩa khủng bố trong khu vực, khiến tình hình Syria có thể đi theo “vết chân” của kịch bản ở Libya, dẫn tới một cuộc chiến tranh giành nguồn lực và những cuộc xung đột sắc tộc.

Nga cùng với Trung Quốc từ lâu đã phản đối gay gắt việc các nước phương Tây can thiệp vào công việc nội bộ của Syria. Hai nước này tuyên bố sẽ không để Syria biến thành Libya thứ hai. Vì thế, Moscow chắc chắn sẽ không để xảy ra việc phương Tây cung cấp vũ khí cho phe nổi dậy Syria, làm thay đổi “cuộc chơi” ở đất nước Trung Đông. 

Không rõ liệu có sự trùng hợp gì hay không nhưng trong bối cảnh tàu chiến Nga đang kéo đến Syria thì quân lính Mỹ được trang bị tên lửa Patriot và máy bay chiến đấu đang thực hiện các cuộc tập trận quân sự ở Jordan - nước láng giềng sát cạnh Syria. Giống như S-300, tên lửa Patriot được sử dụng để chống lại máy bay và các tên lửa khác. Hiện tại, người ta chưa thể xác định S-300 hay Patriot mạnh hơn nhưng giới chuyên gia quân sự Nga khẳng định, S-300 của họ siêu việt hơn Patriot của Mỹ. 

Vậy, cuộc chạy đua vũ trang tại đây có lẽ sớm được bắt đầu? Nhà phân tích David Hartwell của Tổ chức An ninh IHS Jane nói rằng phe của Tổng thống Assad đã mạnh lên trong mấy tuần qua nhờ có tên lửa của Nga, thêm vũ khí của Iran, sự ủng hộ của nhóm Hezbollah, và chiếm được thêm một số điểm nóng.

Khi nào thùng thuốc súng “Trung đông” sẽ nổ?

Quyết định của Mỹ đưa ra trong bối cảnh tình hình chiến sự tại Syria đang có các diễn biến bất ngờ với sự thắng thế của lực lượng Chính phủ, vốn được lực lượng Hezbollah của Libya hỗ trợ trước các nhóm quân nổi dậy Syria. Việc hàng nghìn tay súng Hezbollah đổ sang Syria để hỗ trợ Tổng thống Bashar Assad đã thay đổi cục diện cuộc chiến kéo dài gần 2 năm trời khiến 93.000 người thiệt mạng, theo số liệu của Liên hiệp quốc.

Theo giới phân tích, tình hình nội chiến ở Syria đã bước sang giai đoạn mới. Các trận đánh chuyển hướng sang phía Bắc nên cuộc chiến ở Syria đang ngày càng ảnh hưởng tới các nước láng giềng như Iraq, Lebanon, Jorrdani, Israel và khoét rộng thêm những bất đồng phe phái trong khu vực giữa những người Hồi giáo dòng Sunni và dòng Shiite.

Hiện tại, khó có thể cho rằng kịch bản Syria sẽ kết thúc với kết quả như thế nào. Nếu tình trạng xung đột tiếp diễn, việc mất kiểm soát an ninh tại Syria sẽ đe dọa tới toàn bộ khu vực. Giới quan sát đang trông đợi với ảnh hưởng của hai siêu cường Nga - Mỹ, Hội nghị quốc tế về Syria sắp tới có thể giúp chấm dứt bạo lực, tiến tới hòa giải dân tộc với sự tham gia của người dân Syria. Việc Mỹ can thiệp vào Syria cũng có thể làm sâu sắc bất đồng với Nga khi hai bên trước đó đã nhất trí hợp tác nhằm thúc đẩy một Hội nghị quốc tế hòa bình về Syria. 

Bởi vậy, hy vọng một giải pháp chính trị là hết sức mong manh và càng xa vời thêm trong bối cảnh hiện nay.