Nguy cơ đã chuyển thành tai họa

ANTĐ - Những tấn thịt gà bốc mùi, không rõ nguồn gốc, xuất xứ vừa bị lực lượng quản lý thị trường phối hợp với Công an TP.HCM phát hiện và bắt giữ chỉ làm dài thêm danh sách hàng trăm vụ gian lận thương mại, buôn bán bất chính, đầu độc xã hội đã và đang xảy ra trên cả nước. 

Ngay trên thị trường Hà Nội, các lực lượng chức năng cũng đã bắt giữ những chuyến xe, lô hàng thịt gia súc, gia cầm, nội tạng động vật “tẩm” hóa chất độc hại, chất bảo quản nguy hại tới sức khỏe, tính mạng người dân. Đây không còn là nguy cơ nữa, mà là tai họa có thật, gây tác hại cả trước mắt và lâu dài cho giống nòi.

Cách đây chừng 2 tháng, không chỉ Việt Nam mà có lẽ nửa thế giới đã chấn động khi nghe tin, ở Trung Quốc phát hiện tới 100.000 tấn thịt lậu, trong đó có hàng trăm tấn được bảo quản tới 40 năm.

Số hàng đông lạnh này đa phần là thịt gà, chân gà, cánh gà và cổ vịt, toàn những thứ nhiều nước bỏ đi, giá rẻ như cho không, trong khi được nhập lậu vào nước ta, bán cho dân nhậu lại thành đặc sản. Những tấn thịt gà vừa bị bắt giữ ở TP.HCM liệu có liên quan đến loại thịt gà “siêu rẻ”, giá chỉ khoảng 20.000 đồng/kg trên thị trường Hà Nội?

Với “siêu” lợi nhuận buôn gian, bán lận, chúng ta có quyền lo lắng những thứ “siêu độc hại” đó có nhiều cơ hội lọt vào mâm cơm của không ít gia đình, nhất là người thu nhập thấp. 

Không ít chuyên gia thị trường đã lên tiếng cảnh báo rằng, qua con đường tiểu ngạch lỏng lẻo, những kẻ buôn bán thất đức đã tiếp tay, đồng lõa với thương lái nước ngoài đầu độc chính đồng bào mình. Đành rằng lợi nhuận là mục tiêu cao nhất song không thể bỏ qua đạo đức kinh doanh.

Không thể quên rằng có “tiền sạch - tiền bẩn”. Liệu có giây phút nào, lương tâm họ thức tỉnh, chợt nghĩ rằng, nếu trên mâm cơm nhà mình cũng có những món ăn do chính mình nhập lậu rồi con cái vẫn ngấu nghiến ăn, thì sẽ ra sao?

Từng có chuyên gia, mượn lời của nhà báo nước ngoài cảnh báo rằng, thị trường thực phẩm Việt Nam nếu không kiểm soát nghiêm ngặt từ biên giới thì sẽ biến thành cái gạt tàn thuốc khổng lồ. Đã đến lúc không thể nói hai chữ “nguy cơ”, mà tai họa đang thấm sâu thông qua những thực phẩm ngấm kháng sinh bị cấm, vi khuẩn thối rữa, thuốc trừ sâu, kim loại nặng.