Nguy cơ "Chiến tranh Lạnh" ở Nam Mỹ

ANTĐ - Tổng thống Ecuador Rafael Correa vừa lên tiếng cảnh báo về sự xuất hiện “Chiến tranh Lạnh” mới ở Nam Mỹ chống lại các chính phủ theo đường lối cánh tả với âm mưu gây bất ổn chính trị.
Nguy cơ "Chiến tranh Lạnh" ở Nam Mỹ ảnh 1

Tổng thống Ecuador Rafael Correa đang phải đối đầu với làn sóng biểu tình mới nổi lên

Theo ông Rafael Correa, không phải ngẫu nhiên các chính phủ cánh tả ở Argentina, Brazil, Ecuador,  Bolivia và Venezuela phải đối đầu với những cuộc biểu tình trong năm nay trong bối cảnh nền kinh tế rất khó khăn do giá nguyên liệu giảm và đồng USD tăng giá. Suốt 2 tháng nay, Ecuador đã chứng kiến làn sóng biểu tình diễn ra tại nhiều nơi. Còn theo dự kiến, ngày    13-8 tới, một cuộc tổng đình công do phe đối lập phát động sẽ diễn ra trên toàn lãnh thổ Ecuador. 

Năm 2014 có thể coi là năm thắng lợi với lực lượng cánh tả Nam Mỹ. Đầu tiên là ứng cử viên S. Ceren thuộc Đảng cánh tả Mặt trận Giải phóng Dân tộc Faramundo Marti (FMLN) trúng cử Tổng thống El  Salvador nhiệm kỳ 5 năm. Tiếp theo là Tổng thống đầu tiên mang dòng máu thổ dân E. Morales của Phong trào tiến lên chủ nghĩa xã hội (MAS) đã chiến thắng lần thứ ba cho nhiệm kỳ 2015-2020. Cuối tháng 10-2014, đương kim Tổng thống Brazil D. Rousseff, đại diện cho đảng Lao động (PT), tái đắc cử Tổng thống Brazil nhiệm kỳ hai. Và cuối cùng là ứng cử viên T. Vázquez của Mặt trận rộng rãi FA giành thắng lợi trong cuộc bầu Tổng thống Uruguay.

Những thắng lợi đó cho thấy, việc cánh tả giành ưu thế ở các nước Mỹ Latinh, xu hướng nổi lên từ cuối thế kỷ trước, tiếp tục được khẳng định. Thực tế từ năm 1998 đến nay, thông qua bầu cử dân chủ, các chính phủ cánh tả tiến bộ đã lên cầm quyền ở nhiều nước Mỹ Latinh như Venezuela, Chile, Brazil, Argentina, Panama, Uruguay, Bolivia, Nicaragoa, Ecurardo... Đó là kết quả từ sự thất vọng của đông đảo các tầng lớp nhân dân lao động trước sự bất bình đẳng xã hội và những mặt trái của “chủ nghĩa tự do mới”.

Tuy nhiên, xu hướng cánh tả lên nắm quyền ở Mỹ Latinh gặp phải sự chống đối của các nước vốn là “mẫu quốc” của khu vực này như Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Anh, Pháp và cả Mỹ. Chính sách tái phân chia quyền lực, tài nguyên và của cải vật chất của xã hội mà chính phủ các nước Nam Mỹ tiến hành đương nhiên động chạm đến lợi ích của các ông chủ tư bản và các tập đoàn đa quốc gia vốn từng “làm mưa làm gió” ở đây trong quá khứ. 

Thông qua lực lượng cánh hữu bên trong các nước Nam Mỹ, các thế lực bên ngoài tăng cường các hoạt động tuyên truyền chống các chính phủ cánh tả; gây chia rẽ các nước cánh tả Mỹ La-tinh, phân loại các nước ôn hòa và cấp tiến, tiến hành kích động, gây xung đột lợi ích giữa các nước này; phát động các chiến dịch nhằm gây bất ổn định, hậu thuẫn các cuộc đảo chính lật đổ các chính phủ cánh tả, như đã thực hiện tại Honduras năm 2009.

Bằng việc hỗ trợ ngầm cho các đảng cánh hữu ra tranh cử, các thế lực bên ngoài đã giúp thay đổi chính quyền ở Panama, Costa Rica và Chile. Mỹ thì tìm cách gây sức ép quân sự thông qua việc tái thành lập Hạm đội IV, mở rộng chuỗi các căn cứ quân sự của Mỹ và các đồng minh châu Âu trong khu vực. Tất nhiên, tiến hành đảo chính quân sự như trong quá khứ là điều không dễ dàng trong bối cảnh quốc tế hiện nay. Tuy nhiên, sự trợ giúp ngầm từ bên ngoài thì hoàn toàn có thể gây bất ổn chính trị, thậm chí dẫn đến sụp đổ chính quyền. Đó chính là một cuộc Chiến tranh Lạnh mới nhằm lật đổ các chính phủ tiến bộ tại Mỹ Latinh, như lời cảnh báo của một học giả Bồ Đào Nha.

Có thể nói, sau khi chế độ XHCN ở Liên Xô và các nước Đông Âu sụp đổ, sự phát triển của phong trào cánh tả Mỹ   Latinh là một “hiện tượng”, được dư luận thế giới hết sức quan tâm. Tuy nhiên, hiện nay là thời điểm thử thách với lực lượng cánh tả trước các âm mưu chống phá của phe cánh hữu với sự hậu thuẫn từ bên ngoài.