Nguy cơ chết người vì dùng thuốc Đông y không rõ nguồn gốc

ANTD.VN - Tin những lời quảng cáo đường mật, cộng thêm sự thiếu hiểu biết nên gần đây có khá nhiều trường hợp người bệnh tự tìm tới các loại thuốc Đông y gia truyền không rõ nguồn gốc để điều trị. Hậu quả là, bệnh tình thuyên giảm chẳng thấy đâu mà nguy cơ biến chứng nguy hiểm đến tính mạng đã cận kề...

Thuốc bệnh hay thuốc độc?

Liên tiếp trong thời gian gần đây, các bác sỹ của Khoa Hồi sức tích cực - Bệnh viện Bạch Mai đã phải tiếp nhận điều trị những bệnh nhân bị biến chứng khá nặng vì sử dụng một loại thuốc Đông y đặc trị bệnh tiểu đường có tên gọi là “Tiểu đường hoàn”.  Điều đáng buồn là dù đã được đưa tới bệnh viện để cấp cứu nhưng đã có 2 trong số 3 bệnh nhân tử vong trước sự bất lực của các y bác sỹ.

Thuốc "Tiểu đường hoàn" mà các bệnh nhân tự mua trên mạng để điều trị

Cụ thể là đầu tháng 10, một bệnh nhân tên L. 57 tuổi ở Lạng Sơn được đưa vào viện trong tình trạng trạng ho, sốt cao, có dấu hiệu suy đa tạng, toan chuyển hóa nặng, nghi do ngộ độc Phenformin. Mặc dù đã được can thiệp tích cực, nhưng sau đó bệnh nhân đã tử vong. Theo thông tin từ người nhà cung cấp, bệnh nhân L bị tiểu đường nhiều năm và đã nghe theo lời người quen mua thuốc “Tiểu đường hoàn” về uống.

Trường hợp tương tự là bệnh nhân P. ở quận Hai Bà Trưng (Hà Nội). Cụ P bị mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 cách đây 10 năm nhưng không điều trị bằng thuốc tây y mà dùng thuốc “Tiểu đường hoàn”. Theo lời người nhà, trước khi vào viện 2 ngày, cụ P bị sốt kèm theo mệt mỏi, ăn uống kém sau đó dần dần mất ý thức và nói nhảm. Trước khi được đưa vào Bệnh viên Bạch Mai, cụ P đã được gia đình đưa vào Viện Tim Hà Nội cấp cứu trong tình trạng kích thích, nói nhảm, huyết áp tụt, xét nghiệm khí máu tình trạng toan chuyển hóa nặng. Sau khi được tiến hành đặt nội khí quản, thở máy, lọc máu liên tục thì tình trạng của cụ P chuyển biến chậm và được chuyển đến Khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng toan chuyển hóa nghi do ngộ độc Phenformin/Đái tháo đường tuýp 2, tăng huyết áp.

Tại đây các bác sỹ đã lọc máu liên tục, bù dịch, truyền bicarbionat, vận mạch, thở máy theo phác đồ và điều trị kháng sinh liều cao. Mặc dù đã được các bác sĩ áp dụng tất cả các biện pháp điều trị tích cực tối đa, nhưng tình trạng toan máu, suy tuần hoàn, suy thận của cụ P ngày càng xấu và đã đến ngày 30-10 thì tử vong.

Kết quả xét nghiệm các viên thuốc “tTểu đường hoàn” mà 2 trong số 3 bệnh nhân đã sử dụng đều dương tính với phenformin

Một tình huống khác vừa xảy ra mới đây cũng có các dấu hiệu giống như 2 bệnh nhân trên là cụ V. Nhập viện trong tình trạng đau bụng, đau ngực, suy đa tạng, axit lactic trong máu tăng, giống như cơn nhồi máu cơ tim cấp, hôn mê và phải thở máy… cụ V đã được lọc máu khẩn cấp. May mắn là sau thời gian hồi sức, điều trị tích cực thì cụ V. đã qua cơn nguy kịch, rút ống nội khí quản và sắp được xuất viện.

Trao đổi về những trường hợp này, Bác sỹ Phạm Thế Thạch - Khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện Bạch Mai cho biết: “Bệnh cảnh của các bệnh nhân nói trên khi nhập viện đều giống nhau. Đó là: đau bụng kèm theo đau ngực giống như 1 cơn nhồi máu cơ tim cấp, sốc, suy đa tạng rất nhanh, xét nghiệm axit lactic trong máu cao. Cả 3 bệnh nhân đều có tiền sử đái tháo đường nhiều năm nhưng không điều trị bằng thuốc Tây y mà tự điều trị bằng viên “Tiểu đường hoàn” bán trên mạng và không rõ nguồn gốc, không có nhãn mác.

Cả 3 bệnh nhân đều có chung chẩn đoán: Toan chuyển hóa do ngộ độc phenformin/Đái tháo đường tuýp 2. Phenformin là một hoạt chất giúp hạ đường huyết, nhưng gây nhiều tác dụng phụ và những biến chứng khôn lường nên đã bị cấm sử dụng trên toàn thế giới từ năm 1978. Lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người bệnh, có thể người bán đã trà trộn, mạo danh thuốc Đông y để bán ra thị trường rồi dẫn đến những biến chứng nguy hiểm, đáng tiếc”.

Nguy cơ chữa bệnh online

Trước khi Bệnh viện Bạch Mai khuyến cáo về những nguy cơ chết người khi người bệnh tự ý mua thuốc Đông y trên mạng về uống và xảy ra những tai biến đáng tiếc thì Báo ANTĐ cũng đã từng có nhiều bài viết cảnh báo về vấn đề này.

Anh Huỳnh nhập viện vì uống thuốc dạ dày mua trện mạng

Anh Phan Văn Huỳnh ở số 8, ngõ 160 đường Bến Oánh, phường Túc Duyên (thành phố Thái Nguyên) vốn bị đau dạ dày đã lâu. Sau khi chữa nhiều nơi không khỏi, bỗng một ngày anh được một người bạn quê ở Hà Giang, sinh hoạt cùng nhóm cộng đồng trên Facebook tự giới thiệu là có thể chữa khỏi bệnh cho anh bởi nhà cô ta có nghề Đông y gia truyền.

Tin lời bạn, anh Huỳnh đã mua của cô gái này một bịch thuốc kèm theo hướng dẫn sử dụng với giá 600 nghìn đồng. Thế nhưng, kể từ ngày uống thuốc thì anh Huỳnh càng ngày càng thấy mệt. Sau 20 ngày điều trị, anh trở nên kém ăn, sốt cao li bì liên tục và dần dần thấy khó thở khiến gia đình phải tức tốc đưa anh xuống Bệnh viện Bạch Mai.

Các loại thuốc bán online không rõ nguồn gốc xuất xứ

Tại bệnh viện, các bác sỹ kinh ngạc khi thấy men gan của anh tăng đến mức trên 1.000Ul/l. Đây là chỉ số cực kỳ nguy hiểm nên bệnh viện đã hỏi gia đình xem chế độ ăn uống của anh thế nào. Chỉ tới khi anh đưa số thuốc mua của người bạn ra thì mọi chuyện mới vỡ lẽ...

Bất cứ bệnh gì cũng có thể dễ dàng tìm được thuốc trên Internet

Cũng mua thuốc của cô gái quê Hà Giang kia là chị Trần Thúy Hà ở số 1, ngõ 35 đường Lê Đức Thọ, phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm (Hà Nội). Chị Hà đang mang thai và nghe theo tư vấn của cô gái bán thuốc uống 1 liệu trình Đông y dưỡng thai với hy vọng đứa con trong bụng sẽ được khỏe mạnh. Ai ngờ, sau một thời gian uống thuốc, chị Hà bị ra máu liên tục phải đi cấp cứu tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội. Tuy nhiên, mặc dù đã được các bác sỹ can thiệp tích cực nhưng cháu bé trong bụng chị Hà vẫn không thể giữ lại được.

Chị Lê Thị Hồng Thanh ở số 8/6/285 Ngọc Thụy, Long Biên (Hà Nội) cũng là một bệnh nhân đã uống thuốc mua qua mạng giống như 2 trường hợp trên cho biết: “Tôi cũng đã mua 3 thang thuốc chữa viêm xoang của cô bạn quê Hà Giang kia với giá 1,8 triệu đồng. Nhưng khi uống vào mới được 1 tháng thì thấy rất mệt mỏi và cơ thể bị phù, tăng tới 5 kg. Thấy thế tôi sợ hãi và phải vứt bỏ. Có một điều rất lạ là những người bán thuốc rất tự tin khi tuyên bố bệnh gì cũng chữa được như thể họ là thần y vậy”.

Bác sỹ Hoàng Anh Đức - Trung tâm hô hấp Bệnh viện Bạch Mai - người trực tiếp điều trị cho anh Phan Văn Huỳnh cho biết: “Hiện nay trên mạng có bán đủ loại thuốc Đông y được quảng cáo là gia truyền, có nguồn gốc thảo dược và không gây tác dụng phụ nên rất nhiều người quan tâm và mua để tự điều trị. Tuy nhiên, việc này nguy hiểm ở chỗ, phần lớn người bán không có chuyên môn và chỉ chạy theo lợi nhuận”.

Trong khi đó,nếu chọn cho mình cách tự điều trị bằng việc mua thuốc trên mạng, người bệnh sẽ gánh chịu khá nhiều rủi ro khi không được thăm khám trực tiếp để có chẩn đoán chính xác và rất dễ dẫn đến tình trạng bệnh một đằng, chữa một nẻo. Đó là chưa kể đến việc thuốc là hàng trôi nổi, nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, quá đát và còn có thể bị trộn biệt dược nguy hiểm, ngâm tẩm các hóa chất độc hại để chống mốc khi hàng tồn kho lâu ngày. Vì vậy, người bệnh uống vào rất dễ dẫn đến những biến chứng nguy hiểm đến tính mạng.