Nguy cơ cháy tại các chợ tạm

ANTĐ - Có một thực tế là mặc cho các vụ cháy chợ liên tiếp xảy ra, không ít các hộ kinh doanh và Ban quản lý (BQL) chợ  vẫn coi thường quy định về công tác phòng chống cháy nổ. Để giải thích, họ thường đưa ra lý do: Đó chỉ là chợ tạm.

Nguy cơ cháy tại các chợ tạm ảnh 1

Hỏa hoạn tại các chợ tạm gây thiệt hại lớn cho bà con tiểu thương


Nguy cơ hỏa hoạn hiện hữu


Đến tận bây giờ, vụ hỏa hoạn gây chết người và thiệt hại hàng tỷ đồng xảy ra tại chợ tạm Phùng Khoang (quận Nam Từ Liêm) hồi tháng 5 - 2015 vẫn còn ám ảnh nhiều bà con tiểu thương. Chỉ trong chốc lát, bao nhiêu mồ hôi nước mắt, tài sản gom góp cả đời của nhiều gia đình bỗng chốc thành tro bụi. Trước đó, cuối tháng 12-2014, liên tiếp 2 vụ cháy chợ khác là chợ Cầu Diễn (quận Bắc Từ Liêm) và chợ Nhật Tân (quận Tây Hồ) cũng gây thiệt hại lớn về tài sản.

Ngay sau khi xảy ra hỏa hoạn, cơ quan Cảnh sát PCCC TP Hà Nội đã yêu cầu các BQL chợ phải thực hiện nghiêm túc mọi biện pháp PCCC theo quy định thì mới được tiếp tục hoạt động. Đồng thời,  BQL chợ phải thường xuyên kiểm tra trang bị thiết bị PCCC cũng như tập huấn cho các tiểu thương để mỗi người kinh doanh phải biết tự cứu mình  khi xảy ra hỏa hoạn.

Quy định là vậy, nhưng còn thực tế thì sao? Trong các ngày 17, 18,  19 - 9, phóng viên Báo ANTĐ đã thực địa tại chính các chợ đã từng bị “bà Hỏa” viếng thăm nói trên và nhận thấy công tác đảm bảo an toàn PCCC như giao thông chữa cháy, mái che, mái vẩy, hệ thống điện và sử dụng lửa… vẫn rất tùy tiện. Trung úy Nguyễn Văn Việt, cán bộ kiểm tra hướng dẫn - Đội chữa cháy chuyên nghiệp thuộc Phòng Cảnh sát PCCC số 3 Cầu Giấy cho biết: “Đối với chợ tạm Phùng Khoang, chúng tôi đã đề nghị bà con tiểu thương và BQL một sốbiện pháp đề phòng để giảm thiểu thiệt hại.

Cụ thể là cần phải xóa bỏ mái che, mái vẩy, làm vách ngăn chống cháy lan giữa các gian hàng, kiốt, Tuy nhiên, để bà con chủ động thực hiện là rất khó và cần phải có sự vào cuộc của BQL cũng như các cơ quan chức năng. Thực tế hiện nay, nhiều tiểu thương vẫn nghĩ đơn giản hỏa hoạn xảy ra là do “đen đủi” chứ không phải do chủ quan và sự thiếu tuân thủ công tác PCCC của chính họ!

Phớt lờ quy định

Mặc dù bị thiệt hại hàng trăm triệu đồng do vụ hỏa hoạn vào cuối tháng 12-2014, nhưng chị Nguyễn Thị V- một chủ sạp tạp hóa tại chợ Nhật Tân vẫn “tưng tửng” khi được hỏi về nguy cơ cháy nổ: “Gớm chết, vừa mới cháy xong thì làm sao có thể cháy nữa được? Cháy suốt thế thì sạt nghiệp à? Mà cháy chợ thì lại chạy lo gì!”. Cách đó không xa, bà Trần Thanh H bán hàng ăn uống nói ráo hoảnh khi chúng tôi chỉ vào những chiếc bếp than đang rừng rực lửa: “Ngọn lửa còn cách xa, bén vào cái gì mà cháy được, chợ toàn sắt với bê tông có đốt cả ngày cũng chẳng sợ”.

Đại đa số các hộ kinh doanh khi được hỏi về nơi để bình chữa cháy xách tay và cách sử dụng đều trả lời: “Cháy thì gọi 114 chứ tiền đâu mà mua bình cứu hỏa”. Quyền lợi và sự an toàn của chính mình mà tiểu thương thì thờ ơ, BQL chợ phớt lờ, thực tế này đang diễn ra tại chợ Nhật Tân,Phùng Khoang, Cầu Diễn…

Ông Nguyễn Đức Cường, BQL chợ Nhật Tân bảo: “Ngay sau khi chợ bị cháy, chúng tôi đã yêu cầu bà con tạm dừng buôn bán để khắc phục công tác PCCC. Thế nhưng có lẽ do quá nóng ruột nên một số tiểu thương đã cắt khóa cổng để vào kinh doanh”. Nhưng theo thông tin chúng tôi thu thập được, chỉ một số hộ bị cháy hàng hóa mới nghỉ vài ngày, còn các hộ kinh doanh khác  vẫn hoạt động bình thường từ đó đến nay.

Đáng nói là công tác đảm bảo an toàn PCCC tại chợ Nhật Tân vẫn không hề thay đổi, dây điện vẫn đấu nối chằng chịt, ổ cắm điện bạ đâu lắp đấy, nguồn lửa và xe máy vẫn để sát nhau… Đại tá Nguyễn Hải Triều, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC Bắc Thăng Long nói: “Chúng tôi khuyến nghị chợ này khắc phục nhiều lần, nhưng họ vẫn lấy lý do kinh phí thiếu hoặc đây là chợ tạm để phớt lờ”. Lý giải về những tồn tại này, ông Nguyễn Đức Cường, BQL chợ Nhật Tân đổ tại do đang lình sình dự án xây mới nênchợ chỉ hoạt động cầm chừng.

Về vấn đề trên, Đại tá Nguyễn Văn Sơn, Phó Giám đốc Cảnh sát PCCC TP Hà Nội nhấn mạnh: “Các chợ tạm hiện nay tiềm ẩn nguy cơ hỏa hoạn cao do nhiều yếu tố. Thẩm duyệt về PCCC từ những năm trước đã không còn phù hợp. Những hạng mục về PCCC tại các chợ này đều kém hiệu quả, thậm chí không còn hoạt động. Trong khi đó, các BQL chợ, bà con tiểu thương chủ quan, không chú trọng đầu tư nâng cấp thiết bị an toàn phòng cháy và đặt ra những quy định nghiêm ngặt về công tác này. Nhiều chợ tập huấn cho lực lượng chữa cháy nhưng chỉ làm cho đủ chứ chưa quan tâm đúng mức. Do đó, khi xảy ra sự cố đã không phát hiện được kịp thời. Các cụ xưa có câu “nước xa không cứu được lửa gần”, chính vì vậy lực lượng chữa cháy cơ sở phải là người đầu tiên phát hiện, chữa cháy. Đây là bước quan trọng để giảm thiểu thiệt hại khi hỏa hoạn”.