Kỳ họp thứ 3, HĐND TP Khóa XV:

Nguy cơ cháy nổ làm "nóng" nghị trường

ANTD.VN -Sáng nay 7/12, Kỳ họp thứ 3, HĐND TP Hà Nội Khóa XV bước vào phiên chất vấn. Trong nửa đầu buổi sáng, vấn đề PCCC tiếp tục làm "nóng" nghị trường với hàng loạt câu hỏi liên quan đến trách nhiệm cũng như giải pháp để giảm thiểu tình trạng cháy nổ trên địa bàn thành phố sau vụ cháy quán karaoke ở phố Trần  Thái Tông, Cầu  Giấy vừa qua. 

Mở đầu phiên tái chất vấn sáng nay, Đại biểu Nguyễn Hoài Nam (Tổ Thạch Thất) đặt vấn đề, kinh doanh karaoke là loại hình kinh doanh có nhiều điều kiện về PCCC, về ANTT... Qua việc xảy ra vụ cháy nghiêm trọng tại quán karaoke Trần Thái Tông, Cầu Giấy, ngoài chủ kinh doanh phải chịu trách nhiệm hình sự trước pháp luật về những sai phạm của mình thì các đơn vị liên quan như PCCC, Văn hóa- Thể Thao... đã xử lý như thế nào?. Đại biểu Nguyễn Hoài Nam cho rằng, công tác quản lý hoạt động kinh doanh karaoke đang có vấn đề. 

Cùng mối quan tâm đến vấn đề này, Đại biểu Phạm Thị Thanh Mai, (Tổ Đông Anh) cho rằng, công tác PCCC chưa có tiến triển, người dân chưa yên tâm với thực trạng PCCC vừa qua. "Tôi lo ngại việc tác nghiệp của các cơ quan chuyên môn còn hạn chế trong PCCC, trách nhiệm này đến đâu?", ĐB Phạm Thị Thanh Mai đặt vấn đề.

Vấn đề PCCC tiếp tục làm "nóng" phiên chất vấn tại nghị trường sáng nay

Bên cạnh đó, vấn đề PCCC tại các khu chung cư, nhà cao tầng cũng được các đại biểu quan tâm, chất vấn trong sáng nay. Đại biểu Nguyễn Nguyên Quân (Tổ Bắc Từ Liêm) cho rằng, vi phạm về PCCC tại các khu chung cư, nhà cao tầng vẫn chưa được khắc phục. Năm 2017 thành phố có biện pháp gì để xử lý tình trạng này, bởi nếu xảy ra cháy ở các khu chung cư sẽ là một thảm họa. 

Trả lời về vấn đề quan tâm của các đại biểu, Thiếu tướng Đoàn Duy Khương, Giám đốc CATP Hà Nội cho biết, hiện nay, trên toàn TP có 1.317 cơ sở kinh doanh karaoke, trong đó đã được cấp phép đủ điều kiện về an ninh trật tự 1.234 cơ sở. Năm 2016, thu hồi 50 giấy phép kinh doanh có điều kiện, phạt 367 triệu đồng. Cơ sở karaoke 68 ở Trần Thái Tông, Cầu Giấy đang trong quá trình xin cấp phép chứ cơ quan chức năng chưa nhận được hồ sơ xin cấp. Thực tế, cơ quan chức năng đã kiểm tra và nhắc nhở không được hoạt động nhưng quán karaoke vẫn lén lút hoạt động.

Thiếu tướng Đoàn Duy Khương, Giám đốc CATP Hà Nội trả lời chất vấn của đại biểu sáng nay

"Chúng tôi đã kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm từng cá nhân. Công an quận Cầu Giấy đã ba lần kiểm tra, lập biên bản, đình chỉ hoạt động, yêu cầu cơ sở này không được hoạt động khi chưa đủ điều kiện, nhưng chủ đầu tư vẫn cố tình. Tuy vậy, chúng tôi cũng nhận thức được đầy đủ về trách nhiệm và nghĩa vụ của mình", Thiếu tướng Đoàn Duy Khương nêu rõ.

Cũng theo Giám đốc CATP Hà Nội, trong năm 2016, CATP đã cấp 2.441 giấy chứng nhân về ANTT với các cơ sở kinh doanh có điều kiện, kiểm tra 1.702 lượt cơ sở, phát hiện hơn 1.000 cơ sở có vi phạm, xử phạt 6,4 tỷ đồng và thu hồi 31 giấy phép vi phạm về ANTT đã cấp.

Còn Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Tô Văn Động thông tin, sau vụ việc hỏa hoạn tại quán Karaoke 68 Trần Thái Tông, Sở đã họp kiểm điểm của Phòng quản lý văn hóa và lực lượng Thanh tra Sở, đã tiến hành nghiêm túc theo đúng quy định, chỉ ra trách nhiệm của Đảng ủy, Giám đốc Sở, Phó Giám đốc Sở đến các Phòng liên quan, đặc biệt kiểm điểm trách nhiệm của các cá nhân phụ trách địa bàn.

"Chúng tôi nhận thức đây là thiếu sót của ngành, điều quan trọng hơn, sau kiểm điểm này chúng tôi rút ra  bài học rất quan trọng trong công tác quản lý 1 lĩnh vực nhạy cảm, liên quan đến nhiều cấp, ngành", ông Tô Văn Động cho hay.

Theo Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao, một số chủ  đầu tư cố tình vi phạm, lách luật, nên việc kiểm tra rất khó khăn. Chủ doanh nghiệp luôn muốn đầu tư ít nhưng lợi nhuận nhiều, trong khi đó, đầu đó còn có cán bộ nhà nước tiếp tay nên lách cơ quan kiểm tra rất khéo léo. Chưa kể, các lần thanh tra đều bị các chủ cơ sở biết trước thông tin nên khi kiểm tra đều rất tốt, sạch sẽ. Hơn nữa, mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực này rất thấp, không có tính răn đe, chủ cơ sở sẵn sàng chịu phạt.

Tới đây, ĐB Nguyễn Hoài Nam tái chất vấn: Trách nhiệm xử lý của Sở Văn hóa -Thể thao như thế nào, vì hầu hết các quán karaoke đều vi phạm về biển hiệu quảng cáo, trách nhiệm của ngành như thế nào?". 

Trả lời vấn đề này, ông Tô Văn Động cho biết, Sở đã có báo cáo Thành ủy và UBND TP về việc xử lý tập thể, cá nhân có liên quan. Báo cáo này sẽ được gửi đến đại biểu. 

Liên quan đến trách nhiệm chính trong công tác PCCC, Thiếu tướng Hoàng Quốc Định, Giám đốc PCCC khẳng định: " Sau vụ cháy quán karaoke 68 Trần Thái Tông, chúng tôi đã nghiêm túc kiểm điểm trách nhiệm, kiểm điểm khiển trách đối với đồng chí trưởng phòng CS PCCC số 3 và đồng chí Đội phó phụ trách kiểm tra hướng dẫn, đồng chí phụ trách địa bàn cơ sở, tính đến phương án luân chuyển địa bàn để đảm bảo khách quan và trách nhiệm cao nhất. Năm 2016 PCCC có nhiều cố gắng, nhưng chúng tôi cũng tự rút các danh hiệu thi đua cuối năm từ  Bằng khen, Giấy khen của tập thể, cá nhân".

Thiếu tướng Hoàng Quốc Định, Giám đốc PCCC Hà Nội trả lời chất vấn của đại biểu liên quan đến công tác PCCC trên địa bàn Hà Nội

Về công tác PCCC về nhà cao tầng, trung tâm thương mại, chợ cũng như vấn đề về xử lý sau kết luận của kỳ họp thứ hai HĐND TP, theo Thiếu tướng Hoàng Quốc Định, lực lượng PCC đã thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn, phát hiện, xử lý vi phạm về PCCC, kiến nghị, báo cáo kịp thời với chủ đầu tư và cơ quan chủ quản có trách nhiệm.  Năm 2016, chúng tôi đã tăng cường công tác kiểm tra với 3.744 lượt đối với 15.035 cơ sở quản lý, xử phạt 3.900 trường hợp, với số tiền hơn 8 tỷ đồng, tăng hơn 2 tỷ đồng so với năm 2015.

Về trách nhiệm năng lực chuyên môn, lực lượng CS PCCC Hà Nội ra đời và hoạt động được 5 năm với nhiều khó khăn và thách thức dù được sự quan tâm của Bộ Công an, cấp ủy Đảng, chính quyền, HĐND, lực lượng đã được quan tâm, đầu tư cơ sở vật chất và lực lượng. Nhưng do xuất phát điểm còn thấp nên đa số các đơn vị đều ở nhà tạm, nhà thuê, còn chưa có xây dựng quy mô, cơ bản, điều kiện tập luyện phụ thuộc vào đi thuê, mượn.

Bên cạnh đó, lực lượng có tiến bộ nhưng chất lượng còn hạn chế, phương châm xây dựng lực lượng trong năm tới luôn đặt ra là xây dựng theo hướng chính quy, chuyên nghiệp, từng bước hiện đại, chứ chưa dám vươn đến tiêu chí tinh nhuệ.

"Chúng tôi rất cần sự quan tâm, ủng hộ, chỉ đạo sát sao của các cấp ủy đảng, chính quyền, nhân dân để lực lượng không ngừng trưởng thành, đáp ứng yêu cầu tình hình, nhiệm vụ. Có những vụ cháy xảy ra có thể ngăn chặn kịp thời nhưng cũng có những vụ cháy rất khó khăn. Ngay cả ở Mỹ, xảy ra cháy kho dẫn đến chết hơn 40 người, mặc dù lực lượng chuyên nghiệp nhưng lực lượng cũng không thể kiểm soát, tiếp cận. Đối với lực lượng của chúng ta còn rất khó khăn", Giám đốc PCCC Hoàng Quốc Định bày tỏ.

Cũng về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Sửu cho hay, Hà Nội đang chịu sức ép rất lớn về vấn đề PCCC.

Hiện nay toàn thành phố có 1.075 công trình chung cư, nhà cao tầng trong đó khoảng 12% các công trình vi phạm về PCCC. Và thành phố đã cho các cơ quan liên ngành vào kiểm tra, kiểm sát và chủ đầu tư đã có cam kết, lộ trình và thời gian thực hiện.

Tới đây, UBND TP Hà Nội chỉ đạo các phòng ban liên quan có biện pháp cương quyết yêu cầu chủ đầu tư thực hiện tồn tại và khắc phục vi phạm, tiếp tục tăng cường tuyên truyền về PCCC, nhất là các kỹ năng thoát hiểm, thoát nạn khi cháy xảy ra, các thiết bị trong ngành cũng tiếp tục được tuyên truyền, vận hành sử dụng, nâng cao ý thức của người dân bảo vệ thiết bị PCCC. Đôn đốc, kiểm tra các cam kết của chủ đầu tư, trong quá trình cũng có những chủ đầu tư chây ỳ và trong thời gian tới, chúng tôi sẽ có những biện pháp mạnh mẽ hơn để xử lý.