Nguy cơ bất ổn ở Afghanistan sau khi Mỹ kết thúc 20 năm tham chiến

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Chuyến bay cuối cùng của quân đội Mỹ đã rời khỏi Afghanistan đúng thời hạn trước ngày 31-8, khép lại 20 năm binh sĩ Mỹ hiện diện tại quốc gia Nam Á này. Nhưng dư luận không khỏi lo ngại bởi Afghanistan đang tiếp tục phải đối mặt với những nguy cơ bất ổn về an ninh, bạo lực xung đột, khủng bố, cùng tương lai khó đoán định.
Các nạn nhân bị thương đang điều trị tại bệnh viện sau vụ đánh bom ngoài sân bay Kabul hôm 26-8

Các nạn nhân bị thương đang điều trị tại bệnh viện sau vụ đánh bom ngoài sân bay Kabul hôm 26-8

Kết thúc cuộc chiến dài nhất lịch sử Mỹ

Tối 30-8, chuyến bay cuối cùng đã cất cánh khỏi Afghanistan, đưa những binh lính và công dân Mỹ cuối cùng rời khỏi nước này, khép lại cuộc chiến ở nước ngoài dài nhất trong lịch sử nước Mỹ. “Hiện tại, 20 năm hiện diện quân sự của chúng ta ở Afghanistan đã kết thúc”, Tổng thống Mỹ Joe Biden đưa ra thông cáo sáng 31-8. “17 ngày qua đã chứng kiến quân đội của chúng tôi thực hiện cuộc không vận lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ, sơ tán hơn 120.000 công dân Mỹ, người Afghanistan và công dân của các đồng minh khác”, hãng tin Guardian dẫn lời ông Biden nói.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cũng xác nhận Mỹ đã tạm chấm dứt hiện diện ngoại giao tại Afghanistan từ ngày 30-8 và chuyển các hoạt động sang Qatar. Tuy nhiên, “công việc của người Mỹ ở Afghanistan vẫn tiếp tục”, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken khẳng định. Ông Blinken nói rằng Mỹ sẽ tiếp tục gửi viện trợ cho Afghanistan thông qua các tổ chức độc lập; không phải chính quyền Taliban. Washington sẽ tiếp tục đưa tất cả những người Mỹ muốn rời đi, cũng như những người Afghanistan đủ điều kiện và cam kết này không có thời hạn. Ông Blinken nói, Mỹ sẽ “duy trì khả năng chống khủng bố mạnh mẽ trong khu vực”. Mỹ sẽ cùng Taliban thực hiện các nhiệm vụ chống khủng bố, nhưng không dựa vào họ.

Chỉ vài giờ sau khi những binh sĩ Mỹ cuối cùng rút quân khỏi sân bay Kabul của Afghanistan, Taliban đã triển khai các lực lượng đặc nhiệm Badri tới sân bay quốc tế Hamid Karzai. Phát biểu với báo giới tại đây, người phát ngôn Mujahid nhấn mạnh Taliban sẵn sàng đảm bảo an ninh cho sân bay và “mọi việc sẽ sớm trở lại bình thường”.

Trước đó, Taliban đã hoan nghênh việc Mỹ rút quân khỏi Afghanistan, tuyên bố quốc gia Tây Nam Á này đã “hoàn toàn tự do và độc lập”. Taliban có ý định xây dựng quan hệ kinh tế và thương mại với tất cả các nước trên thế giới, trong đó có Mỹ và mọi quốc gia đều có thể có quan hệ về chính trị và thương mại tốt đẹp với Afghanistan.

Các nhóm tranh giành quyền lực ở Afghanistan

Ngoài Taliban, tại Afghanistan hiện còn 3 nhóm khác đang tranh giành quyền kiểm soát, đó là nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng chi nhánh Afghanistan (còn gọi là IS-Khorosan hay gọi tắt là IS-K), phiến quân Hồi giáo al Qaeda và lực lượng dân quân chống Taliban Liên minh phương Bắc.

Đầu tiên phải kể đến Taliban, lực lượng thành lập năm 1994, bị lật đổ 20 năm trước rồi trở lại nắm quyền tại quốc gia Nam Á này. Thống kê đến tháng 2-2021, Taliban mới chỉ có khoảng 100.000 quân nhưng họ đã chống chọi, giành lại quyền kiểm soát Afghanisan, bất chấp chính phủ được Mỹ hỗ trợ đào tạo lực lượng vũ trang hơn 300.000 người trong 2 thập kỷ.

Theo CNN, thủ lĩnh điều hành Taliban hiện vẫn là một bí ẩn đối với hầu hết người Mỹ. Một hội đồng lãnh đạo gồm hơn 20 thành viên cấp cao của Taliban sẽ bầu ra các thủ lĩnh hàng đầu. Trong thỏa thuận hòa bình với Taliban năm 2020, Mỹ buộc chính phủ Afghanistan phải thả 5.000 chiến binh Taliban, nhiều người trong số họ nhanh chóng quay trở lại cuộc chiến với tư cách là quân tiếp viện cho lực lượng này. Đến nay mặc dù lực lượng Taliban hứa sẽ hòa nhập, cởi mở hơn và không khuyến khích các nhóm khủng bố cực đoan như al Qaeda nhưng cộng đồng tình báo hoài nghi về việc Taliban giữ lời hứa. Dù sao nhóm này vẫn chỉ quan tâm đến Afghanistan chứ không phải việc tấn công phương Tây theo cách của al Qaeda. Bên cạnh đó, nhiều người trong số 5.000 tù nhân được thả tự do có cảm tình với al Qaeda. “Rõ ràng, những người bị bắt giữ được Taliban thả tại Căn cứ Không quân Bagram bao gồm một số nhân vật của al Qaeda, những người mà tôi rất quen thuộc. Nhiều người trong số họ đã bị bắt trong các hoạt động quân sự chung hoặc do CIA buộc tội và kết án”, ông Douglas London, cựu quan chức giám sát các hoạt động tình báo ở Afghanistan với tư cách là Giám đốc CIA về chống khủng bố ở Nam và Tây Nam Á từ năm 2016 đến năm 2018 nhận định.

Trong khi đó, IS-K là tổ chức khủng bố đã nhận trách nhiệm về vụ đánh bom đẫm máu vào gần sân bay Kabul hôm 26-8. Một báo cáo của chính phủ Mỹ trong năm 2021 cho biết nhóm này đã khai thác sự bất ổn bằng cách tấn công các mục tiêu và cơ sở hạ tầng của giáo phái thiểu số để gieo rắc nỗi sợ hãi trong dân chúng. Mỹ đã xác định được 10 đến 15 lãnh đạo hàng đầu của IS-K ở Afghanistan và Pakistan. IS không “đội trời chung” với Taliban, làm cho tình hình Afghanistan càng khó đoán khi mà các lực lượng Mỹ đã rời đi.

Ở phía Bắc Afghanistan hiện giờ là đội quân Liên minh phương Bắc chống Taliban từ 20 năm trước. Nhân vật chủ chốt của nhóm này là Ahmad Massoud, con trai của vị thủ lĩnh có tiếng, đã bị Taliban ám sát ngay trước ngày 11-9-2001. Tuần trước, Massoud đề nghị phương Tây hỗ trợ chống Taliban. Tuy nhiên, Tướng David Petraeus, cựu Giám đốc CIA và chuyên gia chống phản loạn cũng chỉ ra những khó khăn khắc nghiệt mà Liên minh phương Bắc gặp phải. “Thung lũng Panjshir nơi họ đang lãnh đạo cuộc kháng chiến có lợi thế là địa hình phòng thủ tự nhiên, không thể tiếp cận nhưng thiếu sót đáng kể chính là sự kết nối.

Về nguy cơ khủng bố tại Afghanistan, ông David Petraeus nhận định: “Chúng ta phải giả định rằng chiến thắng của Taliban sẽ giúp Al Qaeda, IS và các nhóm cực đoan khác thiết lập các khu bảo tồn trên đất Afghanistan. Tôi biết rằng các cơ quan tình báo và quân đội Mỹ sẽ làm tất cả những gì có thể để xác định, phá vỡ, làm suy giảm và phá hủy bất kỳ khu bảo tồn nào như vậy (bao gồm cả các khu bảo tồn ảo trong không gian mạng) trước khi bọn họ có khả năng đe dọa an ninh Mỹ và đồng minh NATO”.

Các tay súng Taliban đã kiểm soát hoàn toàn sân bay Kabul sau khi người Mỹ rút đi

Các tay súng Taliban đã kiểm soát hoàn toàn sân bay Kabul sau khi người Mỹ rút đi

Nguy cơ khủng hoảng nhân đạo

Trước diễn biến mới nhất về tình hình Afghanistan, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã có cuộc họp khẩn. Tương tự, Bộ trưởng Nội vụ các nước Liên minh châu Âu ngày 31-8 cũng nhóm họp bất thường ở Brussels (Bỉ) để thảo luận về các diễn biến tại Afghanistan, trong đó có nguy cơ khủng bố và làn sóng di cư tới châu Âu. Trước đó, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cùng nhất trí rằng cộng đồng quốc tế cần phối hợp chặt chẽ trong hỗ trợ nhân đạo và viện trợ khẩn cấp cho người tị nạn tại Afghanistan cũng như các khu vực khác thông qua Liên hợp quốc.

Reuters cho biết, hệ thống chăm sóc sức khỏe của Afghanistan có nguy cơ sụp đổ do các nhà tài trợ nước ngoài ngừng cung cấp viện trợ sau khi Taliban tiếp quản Thủ đô Kabul vào ngày 15-8. Ông Filipe Ribeiro, đại diện Médecins Sans Frontières (MSF), một trong những cơ quan viện trợ y tế lớn nhất tại Afghanistan cho biết: “Một trong những rủi ro lớn đối với hệ thống y tế ở đây là dễ sụp đổ vì thiếu viện trợ. Hệ thống y tế tổng thể ở Afghanistan thiếu nhân lực, thiếu trang thiết bị và thiếu nguồn vốn trong nhiều năm. Và rủi ro lớn là tình trạng thiếu hụt này sẽ nghiêm trọng hơn trong thời gian tới”.

Các nhà tài trợ quốc tế bao gồm Ngân hàng Thế giới và Liên minh châu Âu đã đóng băng tài trợ cho Afghanistan ngay sau ngày 15-8. Theo ông Necephor Mghendi, người đứng đầu Liên đoàn Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế (IFRC) Afghanistan, các ngân hàng Afghanistan đóng cửa có nghĩa là hầu hết các cơ quan nhân đạo không thể tiếp cận nguồn vốn, khiến các nhà cung cấp và nhân viên không được trả lương. Thêm vào đó, nguồn cung cấp y tế sẽ cần được bổ sung sớm hơn dự kiến. MSF đã dự trữ các nguồn cung cấp y tế trước khi tiếp quản nhưng do các chuyến bay bị gián đoạn và biên giới đất liền hỗn loạn, không rõ khi nào các nguồn viện trợ sẽ được nối lại.

Tổ chức Y tế Thế giới hôm 30-8 cho biết, một máy bay chở 12,5 tấn thuốc men và vật tư y tế đã hạ cánh xuống Mazar-i-Sharif ở miền Bắc Afghanistan, chuyến hàng đầu tiên kể từ khi Taliban nắm quyền kiểm soát. Trong thời kỳ nắm quyền từ năm 1996-2001, phiến quân Hồi giáo Taliban có mối quan hệ không dễ dàng với các cơ quan viện trợ nước ngoài, thậm chí họ đã trục xuất nhiều người, bao gồm cả MSF, vào năm 1998. Lần này, lực lượng này cho biết họ hoan nghênh các nhà tài trợ nước ngoài và sẽ bảo vệ quyền lợi của nhân viên các tổ chức viện trợ là nước ngoài và địa phương. Ông Ribeiro cho biết, cho đến nay cam kết vẫn được giữ nguyên: “Họ thực sự yêu cầu chúng tôi ở lại và đề nghị tiếp tục điều hành các hoạt động của mình giống như trước đây”.

Cuộc chiến của Mỹ tại Afghanistan được phát động 20 năm trước, sau vụ khủng bố 11-9-2001, khiến nước Mỹ tổn thất hàng nghìn tỷ USD, cướp đi sinh mạng của gần 2.500 binh sĩ Mỹ cùng hàng chục nghìn quân nhân và dân thường Afghanistan. Mỹ hoàn tất việc rút quân, để lại một Afghanistan đối mặt rất nhiều thách thức: nguy cơ trỗi dậy của chủ nghĩa khủng bố, xung đột bạo lực từ tình trạng chia rẽ đất nước, nguy cơ khủng hoảng nhân đạo....