Nguy cơ ẩn chứa trong hải sản gây hại đối với sức khỏe con người

ANTD.VN - Hải sản nói chung là các loại thực phẩm nguồn gốc từ động vật, rất giàu protein nhưng ẩn chứa một số nguy cơ đối với sức khỏe.
Nguy cơ ẩn chứa trong hải sản gây hại đối với sức khỏe con người ảnh 1

Biểu hiện phổ biến của dị ứng hải sản là nổi mề đay trên da, nóng da, chân tay sưng phù, mí mắt sụp. Một số người có thể gặp tình trạng sổ mũi, hắt xì liên tục, ngứa ngáy toàn cơ thể. Nặng hơn, hệ hô hấp có thể bị ảnh hưởng lâu dài, gây viêm mũi dị ứng, viêm phế quản dạng hen, phù nề thanh quản gây khó thở. 

Trong một số trường hợp, ngộ độc hải sản có thể gây triệu chứng tiêu hóa như nôn, đau bụng đi ngoài, tiêu ra máu. Đây cũng là dạng biểu hiện phổ biến của ngộ độc thực phẩm. Ngộ độc hải sản còn có thể chuyển biến rất nặng với một số đối tượng, gây sốc phản vệ, ngừng tim, ngừng thở và tử vong nhanh chóng. Để phòng tránh ngộ độc hải sản, bạn cần lưu ý:

Thận trọng khi ăn các loại hải sản lạ

Một số hải sản có hàm lượng độc tố rất cao. Vì vậy, với những hải sản lạ bạn nên chắc chắn rằng loại hải sản đó đã được cư dân địa phương ăn phổ biến nếu như bạn đang du lịch đến vùng đất mới. Không ăn đầu, trứng, gan cá sống ở vùng biển nước ấm vì chất độc ciguatera thường tập trung ở những bộ phận này. Histamin không bị tiêu diệt khi nấu. Cách tốt nhất để duy trì hàm lượng histamin trong cá thấp nhất là để nó trong tủ lạnh (dưới 5 độ C); khi cá bị ươn, hoặc để ngoài trời nóng quá lâu sau khi đánh bắt sẽ làm tăng hàm lượng histamin trong cá rất có hại cho sức khỏe.

Tránh các loại hải sản có thể chứa chất độc

Không được ăn các loại hải sản có độc như: cá nóc, bạch tuộc vòng xanh, sam biển, sao biển… Các loại độc tố này thường không bị phá hủy bởi nhiệt nóng khi đun nấu và các biện pháp chế biến thông thường. Lưu ý là độc tố trong hải sản ít khi được loại bỏ bằng cách nấu ăn hoặc làm đông lạnh. Không nên ăn các loại hải sản sống ở vùng nước bị nghi ô nhiễm.

Không ăn hải sản đã để lâu

Hải sản rất giàu chất đạm (protein). Khi bị chết hoặc bảo quản ở nhiệt độ thông thường, chúng rất nhanh chóng bị các vi khuẩn xâm nhập và phát triển nên dễ gây bệnh. Với một số loại hải sản như cá ngừ, cá thu, vi khuẩn thậm chí biến thịt của cá thành chất độc gây ngộ độc.

Không ăn hải sản chưa được nấu chín kỹ

Trong hải sản có chứa vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus, có khả năng chịu nhiệt cao, ít nhất phải hơn 80 độ C. Vì vậy, khi chế biến hải sản cần đun sôi nước khoảng 4-5 phút để khử trùng. Ngoài ra, không nên ăn hải sản tái, gỏi hải sản và các loại thức ăn sống khác để phòng tránh ngộ độc thực phẩm, bệnh tiêu chảy cấp. 

Nên ăn đồ tươi sống

Các loại hải sản chết có nguy cơ sản xuất độc tố đe dọa cho sức khỏe con người, khi ăn vào càng dễ bị ngộ độc. Vì vậy khi mua hải sản chế biến cần lựa chọn kỹ những con tươi sống. 

Không ăn trái cây sau khi ăn hải sản

Hải sản kết hợp với trái cây ảnh hưởng đến sự hấp thụ protein, canxi trong hải sản của cơ thể mà lượng tannin trong trái cây kết hợp với protein và canxi này tạo thành canxi không hòa tan kích thích đường tiêu hóa, và thậm chí sẽ gây ra các triệu chứng như đau bụng, buồn nôn, nôn mửa. Những thực phẩm giàu vitamin C thì càng nên tránh dùng cùng tôm. Khoa học đã chứng minh rằng, các loại động vật giáp xác như tôm khi ăn kết hợp với một lượng lớn vitamin C có thể dẫn đến tử vong vì nó chuyển hóa thành một loại chất độc hại với cơ thể người.

Không ăn hải sản và uống bia cùng lúc

Lượng purine trong hải sản, trong quá trình trao đổi chất của con người sẽ hình thành axit uric, axit uric dư thừa có thể gây ra bệnh gout và các bệnh khác. Ăn nhiều hải sản cùng một lúc, và sau đó uống bia, nó sẽ tăng tốc độ hình thành axit uric trong cơ thể người. Lượng axit uric dư thừa sẽ tích tụ tại các khớp xương hoặc các mô mềm từ đó dễ mắc chứng gout.

Cẩn trọng khi cho trẻ em ăn hải sản

Hệ miễn dịch của trẻ chưa hoàn chỉnh, vì thế nguy cơ ngộ độc cũng cao hơn bình thường. Tuyệt đối không cho bé thử những loại hải sản lạ. Ngay cả với những loại hải sản thông thường, bố mẹ cũng chỉ nên cho bé tập ăn thử một ít quen dần.

Xử trí khi bị ngộ độc hải sản

Có nhiều loại hải sản với nhiều loại nguyên nhân gây độc khác nhau nên biểu hiện ngộ độc cũng rất đa dạng từ đau bụng, nôn, tiêu chảy, sốt đến các biểu hiện thần kinh như tê môi lưỡi, co giật, liệt, mờ mắt, lẫn lộn, hôn mê, hay tim mạch như loạn nhịp tim, tụt huyết áp, hay hô hấp như khó thở, thậm chí tử vong.

Khi có biểu hiện bị dị ứng hải sản, cách tốt nhất là kích thích gây nôn để loại phần thức ăn gây dị ứng ra khỏi cơ thể. Những trường hợp nặng, cần nhanh chóng đưa tới bệnh viện thực hiện cấp cứu. Với các trường hợp ngộ độc nhẹ, bạn có thể  xử trí như sau:

Mật ong được sử dụng thông dụng nhất mỗi khi bị dị ứng hải sản. Nếu bị dị ứng sau khi ăn hải sản, bạn hãy uống một ly nước ấm kết hợp với muỗng canh mật ong. Trong mật ong chứa một số loại vitamin có thể giảm bớt ngứa.

Chanh là loại quả được sử dụng hữu ích trong hầu hết các trường hợp dị ứng, đặc biệt là dị ứng tôm. Khi có triệu chứng phát ban, nên uống ngay một cốc nước ấm với nước cốt chanh tươi. Ngoài ra, nên dùng một tách trà gừng nóng nếu bị dị ứng hải sản giúp giảm đỏ ngứa trên da.