Nguồn vốn ODA - không phải của cho không

ANTĐ - Với một nước đang phát triển như Việt Nam, việc vay vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) để phát triển cơ sở hạ tầng là cần thiết. Vẫn biết các nước có những mục tiêu kinh tế chính trị khác nhau khi cấp ODA, nhưng xét đến cùng chúng ta cũng là người đi vay không chỉ phải chịu ơn những người cho vay mà còn sẽ phải trả họ những khoản đó. 

Vậy nên những con số mà Bộ Kế hoạch & Đầu tư công bố mới đây khiến không ít người phải lo lắng: có tới gần 21 tỷ USD vốn ODA chưa được giải ngân, trong đó có khoảng 8 tỷ USD là vốn phải giải ngân cho các chương trình, dự án dự kiến hoàn thành năm 2014. Cùng với đó là những vụ bê bối lãng phí, tham nhũng làm thất thoát không nhỏ vốn ODA làm ảnh hưởng tới môi trường đầu tư.

Nhiều địa phương hiện đua nhau trình dự án để xin được cấp vốn ODA mà không quan tâm mấy đến điều có thật sự cần thiết, rồi năng lực thực hiện, hiệu quả dự án đến đâu, khi nào thì thanh quyết toán trả nợ được... Giữ tư duy nhiệm kỳ, tranh thủ huy động dự án ODA kiếm lời rồi không ai chịu trách nhiệm, họ cứ coi ODA như là vốn cho không vậy, vay được càng nhiều càng tốt. Nguồn vốn vay ODA mặc dù có rất nhiều ưu đãi về lãi suất nhưng đi kèm theo đó là những điều kiện nhất định từ phía nhà tài trợ. Bên cho vay bao giờ cũng xác định mục tiêu hàng đầu của việc đầu tư là tìm kiếm lợi nhuận. Đối với từng dự án, vốn vay chỉ đáp ứng từ 85-90% nguồn vốn cần thiết, người thụ hưởng trực tiếp dự án phải trả 10-15%. Phải khẳng định, nếu không có lãi, có lợi họ không bao giờ cho vay. Chính vì vậy họ có cả chiến lược để tính toán kể cả việc bỏ tiền hối lộ để thắng thầu như đã thấy.

Trước mắt, có thể nhìn thấy có những công trình nọ, công trình kia được xây dựng nhưng điều quan trọng nhất là đã vay thì phải trả, và thực tế chúng ta cũng đã phải thanh toán cả vốn lẫn lãi của một số khoản vay ODA trước đây. Vì vậy, nếu không sử dụng hiệu quả, gây thất thoát, lãng phí, nguồn vốn vay này sẽ không còn là ưu đãi mà là gánh nặng nợ nần không nhỏ cho nền kinh tế.

Đồng hồ nợ công toàn cầu (Global Debt Clock) trên trang The Economist.com vừa nhích tới con số trên 80,070 tỷ USD đối với Việt Nam. Như vậy nợ công của Việt Nam đã tăng 11,2% so với năm 2013 (tăng thêm 2,634 tỷ USD); bình quân nợ công theo đầu người là 886,36 USD (tăng thêm 27,31 USD/người); nợ công chiếm 48,0% GDP. Trên thế giới nước nào cũng nợ và tính theo GDP có nước còn nợ cao hơn ta nhưng tiềm lực kinh tế của họ rất lớn, hơn nữa họ sử dung tiền vay rất hiệu quả nên khoản nợ không đáng lo ngại. Còn nợ công tính theo GDP của Việt Nam không phải thuộc hàng cao nhất, nhưng với tiềm lực kinh tế nhỏ bé, trong khi đồng tiền vay về làm ăn ít hiệu quả, lại còn bị tham nhũng, lãng phí nên rất đang lo ngại. 

Hiện nay, chúng ta đang đi sâu vào hội nhập thế giới, việc vay mượn hoặc tiếp nhận những khoản giúp đỡ của bạn bè để xây dựng đất nước là điều cần thiết, nhưng những người có trách nhiệm từ đó mới có sự đổi mới, tính toán hiệu quả chứ không phải bằng mọi giá phải huy động nguồn vốn đó được. Thế nên, làm thế nào để sử dụng nguồn vốn ODA hiệu quả đang là vấn đề lớn mà Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương cần phải giải quyết. Phải có sự tính toán, kiểm soát làm sao hiệu quả nếu không nó sẽ trở thành gánh nặng. Và cái mất còn lớn hơn gấp nhiều lần cái mà chúng ta được, cả trước mắt lẫn lâu dài.