Nguồn lây virus cúm A/H7N9 vẫn bí ẩn

ANTĐ - Đây là thông tin được đưa ra tại buổi làm việc sáng 12-4, giữa Bộ Y tế với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Tổ chức Nông lương Thế giới (FAO) tại Việt Nam, về tình hình dịch cúm H7N9. Các tổ chức này đều thừa nhận, đến nay nguồn lây và đường lây cúm H7N9 vẫn là điều bí ẩn.

Nguồn lây virus cúm A/H7N9 vẫn bí ẩn ảnh 1
Cơ quan chức năng các cửa khẩu, cửa ngõ thành phố lớn cần nghiêm túc 
trong công tác kiểm tra, phòng dịch


Tại cuộc họp, đại diện WHO cho biết, dịch cúm A/H7N9 tại Trung Quốc tập trung chủ yếu tại 4 tỉnh gần nhau là Thượng Hải, An Huy, Giang Tô và Chiết Giang. Đến nay vẫn chưa xác định được nguồn lây nhiễm cúm từ gia cầm hay lây nhiễm từ người sang người. Phương thức lây truyền cũng chưa được xác định. Tuy nhiên, theo bác sĩ Nguyễn Thị Phúc, Văn phòng WHO tại Việt Nam thì kết quả phân tích gene cho thấy virus cúm H7N9 có gene gần với gene của cúm H9N2.

Chủng virus này đã tiến hóa từ virus cúm gia cầm và có dấu hiệu thích ứng nhanh với các loài động vật có vú. Hiện nay, chưa có trường hợp nào dương tính với cúm H7N9 sau khi tiếp xúc với bệnh nhân song WHO khuyến cáo mọi người, nhất là người tiếp xúc với bệnh nhân cúm nên tăng cường vệ sinh bàn tay, vệ sinh đường hô hấp để chủ động phòng bệnh. Mặt khác, người dân nên chế biến thực phẩm từ gia cầm bằng cách nấu chín kỹ, không mua bán, ăn thịt động vật ốm, chết. 

TS. Scott Newman, điều phối viên cao cấp của FAO nhận định, chủng cúm mới H7N9 đã được tìm thấy trên gà, chim bồ câu, chim cút. Chúng thực sự là một mối đe dọa đến sức khỏe con người cũng như tác động đến nền kinh tế và hệ sinh thái. Do đó, các quốc gia cần kiểm soát chặt việc xuất nhập khẩu gia cầm, quan tâm đến việc hỗ trợ giám sát, lấy mẫu bệnh phẩm khi có dịch trên gia súc. Hiện tại trên thị trường đã có vaccine cho chủng cúm H7 nói chung song theo đại diện FAO tại Việt Nam thì thời điểm này FAO không khuyến nghị tiêm vaccine nói trên vì cần có nghiên cứu sâu thêm về tác dụng của vaccine này với chủng virus cúm H7N9.  

Để công tác phòng chống dịch có hiệu quả hơn, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long kiến nghị WHO và FAO cần chia sẻ thông tin về dịch bệnh này và phương pháp xét nghiệm. Bộ Y tế Việt Nam cùng các tổ chức nói trên sẽ thành lập nhóm công tác hỗn hợp nhằm trao đổi thông tin về tình hình dịch bệnh này hàng ngày, ra thông báo chung và công khai về H7N9 để người dân nắm thông tin.

Cũng trong sáng 12-4, tại Hà Nội, Bộ Y tế đã tổ chức tập huấn công tác phòng chống dịch cúm A/H7N9 cho lãnh đạo Sở Y tế và BV các tỉnh, thành phía Bắc, tuần sau sẽ tập huấn cho các tỉnh, thành phía Nam. Dự kiến hôm nay, 13-4, lãnh đạo Bộ Y tế và Bộ NN&PTNT sẽ đồng chủ trì cuộc họp với 30 tỉnh, thành trọng điểm liên quan đến công tác phòng, chống dịch cúm H7N9.