Nguồn gốc và ý nghĩa đặc biệt của ngày Vía Thần Tài

ANTD.VN - Mọi người thường đi mua sắm vàng vào ngày vía Thần Tài vào mùng 10 tháng Giêng hàng năm. Thế nhưng không phải ai cũng biết nguồn gốc và ý nghĩa của ngày này.

 Nguồn gốc, ý nghĩa của ngày vía Thần Tài

Nguồn gốc và ý nghĩa đặc biệt của ngày Vía Thần Tài ảnh 1

VTV cho hay, tục thờ Thần Tài có xuất xứ từ Trung Quốc. Thần Tài là vị thần cai quản tiền bạc và của cải. Có rất nhiều sự tích kể về Thần Tài nhưng biết đến nhiều nhất là câu chuyện kể về Triệu Công Minh, người đã giúp Khương Tử Nha đánh Trụ Vương. 

Sau khi tử trận, Triệu Công Minh được phong làm Chính Nhất Long Hồ Huyền chân quân, thống lĩnh bốn vị thần trên trời là Chiêu Bảo - Nạp Trân - Chiêu Tài - Lợi Thị, vì thế, ông được cho giữ chức vụ cai quản tiền bạc, của cải. Cũng với lý do đó mà trong dân gian, mọi người thường thờ cúng Thần Tài để cầu mong tài lộc, may mắn sẽ đến với họ.

Ngoài ra, theo Vietnamnet, còn một câu chuyện khác về ngày thần tài đó là Thần Tài là vị thần sống trên trời, trong một lần xuống dưới hạ giới do uống rượu say, đầu va vào đá nên không nhớ mình là ai. Trong quá trình lưu lạc dưới nhân gian, quần áo Thần Tài mặc trên người bị người dân đem đi bán.

May thay, khi Thần Tài đi lang thang ăn xin thì được một cửa hàng bán gà, vịt mời Thần Tài ăn, từ đó cửa hàng này đông nghịt khách hàng.

Một thời gian sau, cửa hàng đó làm ăn sa sút, vắng khách do chủ nhà thấy Thần Tài không làm gì, ăn bốc nên không cho ở nữa. Thấy vậy, nhiều người kinh doanh khác đến mời Thần Tài về, đưa đi mua quần áo mới để mặc. Cũng may, Thần Tài tìm đến đúng cửa hàng đã mua lại quần áo lúc trước rồi mặc lại quần áo của mình, đội mũ bay về trời vào ngày mùng 10 tháng Giêng âm lịch. 

Để tưởng nhớ Thần Tài, mọi người chọn ngày này là ngày vía Thần Tài. Từ đó, vào ngày này hàng năm người dân lại sắm sửa lễ vật cúng Thần Tài và mua vàng để cầu tài lộc may mắn, sung túc cho cả năm.

Theo ĐS&PL thì cũng có sách viết rằng có một người lái buôn Trung Hoa tên là Âu Minh khi đi qua hồ Thanh Thảo tình cờ gặp Thủy Thần, được Thủy Thần cho một người gia nhân tên là Như Nguyện. Âu Minh đem Như Nguyện về nuôi ở trong nhà, từ đó công việc làm ăn của Âu Minh mỗi ngày một phát đạt.

Trong một ngày Tết, vì một lý do nào đó, Âu Minh đánh Như Nguyện. Như Nguyện quá sợ hãi bèn chui vào đống rác và biến mất. Từ đó, Âu Minh làm ăn thua lỗ, chẳng mấy chốc nghèo xác nghèo xơ. Dân gian coi Như Nguyện là Thần Tài và lập bàn thờ Như Nguyện, cũng chính vì thế mà bàn thờ Thần Tài thường nằm ở một góc khuất trong nhà. Theo điển tích này, trong 3 ngày Tết có tục kiêng quét nhà, hốt rác vì sợ làm mất thần Tài ẩn trong đống rác.

Một điển tích khác lại cho rằng Thần Tài nguyên là Bố Đại La Hán, còn gọi là Nhân Yết Đà Tôn Giả ở Ấn Độ (là một trong thập bát La Hán). Ông là người chuyên bắt rắn, ông mang túi vải to trên lưng vào rừng bắt rắn độc, nhổ bỏ răng độc rồi thả rắn đi. Người Trung Quốc cho là Bố Đại đầu thai tại nước Lương tên là Phó Đại Sĩ, tính tình vui vẻ, ăn mặc xộc xệch, vai mang cái túi vải to, ai cho gì cũng dồn vào túi rồi đem phân phát cho trẻ em. Do đó có tượng Thần Tài đứng có mang túi to, hai tay đưa thẳng lên trời cười thoải mái, tượng trưng cho sự may mắn, thành công.