Rau xanh, thực phẩm cuối năm:

Nguồn cung hẹp lo giá tăng cao

ANTĐ - Được nhận định là năm có nguồn cung không mấy dồi dào về thực phẩm tươi sống phục vụ dịp cuối năm, nhiều người lo ngại, giá các mặt hàng thịt, rau xanh trong dịp tết sẽ tăng mạnh.

Nguồn cung thịt lợn giảm so với năm ngoái (Ảnh minh họa)

Rau xanh, thịt đều giảm lượng

Cục Trồng trọt cho biết, do thời tiết gieo trồng cây vụ Đông không thuận lợi, nên tính đến nay, toàn miền Bắc mới gieo trồng được hơn 320.000ha cây vụ Đông, bằng 76% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân theo ông Nguyễn Trí Ngọc, Cục trưởng Cục Trồng trọt do các tỉnh miền Bắc thu hoạch vụ Hè Thu muộn, nên thời vụ gieo trồng rau màu vụ Đông bị chậm so với kế hoạch. Ngoài ra, các tỉnh miền Bắc thời gian qua hứng chịu một số trận mưa lớn, khiến việc xuống giống bị ảnh hưởng.

Còn trên địa bàn Hà Nội, ông Nguyễn Duy Hồng, Trưởng phòng Trồng trọt, Sở NN&PTNT cho biết, đến thời điểm hiện tại, toàn TP gieo trồng được 11.200ha cây rau vụ Đông, tăng so với cùng kỳ năm trước. Ông Hồng nhận định, tình hình cung ứng rau xanh trên địa bàn TP sẽ có xu hướng ổn định từ nay tới cuối năm, do diện tích sản xuất tăng, chủng loại đa dạng. Hơn nữa, từ nay tới cuối năm, thời tiết cũng thuận hơn, tạo điều kiện cho cây rau sinh trưởng, phát triển. Ngoài ra, năm nay, toàn TP trồng hơn 1.300ha khoai tây, gấp hơn 3 lần so với năm ngoái, đây sẽ là nguồn cung rau củ quả lớn cho thị trường trong thời gian tới.

Trong khi đó, chăn nuôi năm nay do ảnh hưởng của dịch bệnh cùng hồi đầu năm, giá thực phẩm xuống thấp đã khiến người chăn nuôi bỏ chuồng, lượng thịt hơi cung cấp cho thị trường giảm. Cục Chăn nuôi cho biết, cả đàn trâu và đàn bò trên cả nước đều giảm từ 9-10% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân do thời điểm giá thịt lợn “sốt”, lượng bò đưa ra giết thịt lớn, đến nay chưa khôi phục kịp. Ngay đàn lợn hiện cũng chỉ đạt hơn 27 triệu con, giảm hơn 300.000 con so với cùng kỳ năm trước. Trước nguồn cung thiếu hụt so với năm trước, nhiều người lo ngại, trong những tháng tết và đặc biệt là dịp Tết Nguyên đán, giá thực phẩm tươi sống sẽ tăng cao.  Bằng chứng, từ tháng 11, giá thực phẩm như thịt lợn đã bắt đầu rục rịch tăng. Giá lợn hơi xuất chuồng đã tăng đến hơn 10% so với 1 tháng trước đó.

Kiểm soát chặt vệ sinh thực phẩm nhập khẩu

Về vấn đề này, ông Đoàn Xuân Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối cho biết, để đảm bảo giá cả không bị đội trong dịp tết, Bộ NN&PTNT cùng với Bộ Công Thương và một số Bộ, ngành liên quan đã có những biện pháp nhằm khống chế, điều tiết hàng hóa, giá cả. Sản lượng thịt lợn, bò trong chăn nuôi có hao hụt so với năm ngoái, song, nếu từ nay đến cuối năm, chúng ta khống chế tốt dịch bệnh, thì lượng thiếu cũng không nhiều. Trong khi đó, thị trường mở, việc xuất khẩu hay nhập khẩu trong thời điểm thiếu cũng là bình thường. Vấn đề, chúng ta phải kiểm soát chặt chẽ vệ sinh ATTP, đảm bảo nhập khẩu đúng chủng loại và theo yêu cầu, quy định.

Lo ngại về thực phẩm “bẩn” trôi nổi và tình hình giết mổ nhỏ lẻ, thủ công mất vệ sinh ATTP, ông Phạm Văn Đông, Phó Cục trưởng Cục Thú y cho rằng, điều này là khó tránh khỏi, bởi hiện chăn nuôi trong nước vẫn nhỏ lẻ, kèm theo đó là thực trạng giết mổ thủ công. “Tình trạng giết mổ thủ công tồn tại khắp nơi, trong hộ gia đình, vỉa hè đến chợ cóc, chợ tạm. Trong khi đó, ý thức của người giết mổ, kinh doanh và thậm chí là người tiêu dùng còn hạn chế”, ông Đông nói. Do đó, để đảm bảo vệ sinh ATTP những tháng cuối năm, ông Đông cho rằng, trách nhiệm lớn thuộc về Chi cục Thú y các tỉnh, thành, phải kiểm soát toàn bộ sản phẩm có nguồn gốc động vật lưu thông trên thị trường, từ sản phẩm trong nước tới nhập khẩu. “Trong thời gian tới, Cục Thú y sẽ chỉ đạo các Chi cục địa phương thống kê, đánh giá, phân loại và xử lý các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm,  đặc biệt, các cơ sở không đảm bảo vệ sinh thú y thì đình chỉ”, ông Đông cho biết. 

Ngoài ra, thực hiện truy xuất nguồn gốc đối với sản phẩm thực vật nhập khẩu đến nay, phía Việt Nam đã tiếp nhận hồ sơ yêu cầu của 8 nước xuất khẩu gồm Hoa Kỳ, Pháp, Australia, New Zealand, Chile, Canada, Thái Lan và Hàn Quốc. Ông Hào cho biết, hiện còn 3 nước vào danh sách tạm chấp nhận là Trung Quốc, Lào và Campuchia. Theo đó, với sản phẩm nhập khẩu từ các nước này, nếu phát hiện lô hàng nào có vấn đề, phía Việt Nam có quyền thành lập đoàn kiểm tra tận cơ sở sản xuất.