Nguồn cơn cuộc khủng hoảng chính trị ở Sri Lanka

ANTD.VN - Sri Lanka đang lâm vào tình trạng không có Chính phủ và hai chính trị gia nổi tiếng đều tự xưng là Thủ tướng. Các chuyên gia cho rằng, “cơ sự” này phản ánh sự cạnh tranh về mặt địa chính trị giữa Trung Quốc và Ấn Độ ở Nam Á.
 

Cùng lúc Sri Lanka có hai Thủ tướng và cuộc khủng hoảng chưa có dấu hiệu hạ nhiệt

Các cuộc hội đàm do Tổng thống Sri Lanka Maithripala Sirisena tổ chức hôm chủ nhật 18-11 với các nhà lãnh đạo quốc gia đã thất bại trong việc chấm dứt cuộc đấu tranh quyền lực đang diễn ra. Cuộc khủng hoảng hiến pháp đã làm tê liệt quốc gia Nam Á này kể từ khi Tổng thống Sirisena sa thải Thủ tướng Ranil Wickremesinghe và thay thế bằng cựu Tổng thống Mahinda Rajapaksa hôm 26-10-2018. Tuy nhiên, ông Wickremesinghe, với sự ủng hộ của Quốc hội, từ chối rời bỏ chức vụ của mình.

Tổng thống Sirisena đã cố gắng giải tán Quốc hội nhưng Tòa án tối cao của đất nước đã khôi phục lại cơ quan lập pháp, ra phán quyết điều trần toàn bộ hành động của Tổng thống. Liên tiếp trong các phiên họp Quốc hội cuối tuần trước, nghị trường của Sri Lanka đã diễn ra cảnh ẩu đả, hỗn loạn. Chủ tịch Quốc hội Karu Jayasuriya được cảnh sát hộ tống đến nơi an toàn trong khi các phe phái ủng hộ hai Thủ tướng la hét, một số thậm chí còn ném ghế vào các sĩ quan cảnh vệ và ném bột ớt vào các nghị sĩ chống đối.

Thế kẹt giữa hai nước lớn

Các chuyên gia cho rằng cuộc khủng hoảng chính trị leo thang ở Sri Lanka có nguồn gốc từ sự cạnh tranh về mặt địa chính trị giữa đồng minh truyền thống, Ấn Độ với một đất nước Trung Quốc đang gia tăng sức mạnh kinh tế trên toàn cầu.

Trung Quốc và Ấn Độ có lợi ích chiến lược ở Ấn Độ Dương, trong khi Sri Lanka là một điểm quan trọng cho các tuyến hàng hải toàn cầu. Thành phố lớn nhất của quốc gia này, Colombo, được thiết lập để trở thành một phần của dự án “Con đường tơ lụa mới” của Trung Quốc nhằm vận chuyển hàng hóa tới phương Tây.

“Cuộc khủng hoảng Sri Lanka không liên quan nhiều đến Tổng thống Sirisena hay ông Rajapaksa, mà nên được soi chiếu ở góc độ cuộc cạnh tranh giữa Trung Quốc và Ấn Độ trong khu vực”, ông Siegfried O. Wolf từ Diễn đàn Dân chủ Nam Á có trụ sở tại Brussels (SADF) nhận định.

Chính trị gia Rajapaksa có xu hướng thân cận với Trung Quốc trong nhiệm kỳ Tổng thống     2005-2015, trong khi đối thủ Wickremesinghe được coi là gần gũi hơn với Ấn Độ. Thực tế, Tổng thống Sirisena đã quyết định đưa người từng là đối thủ của ông, ông Rajapaksa trở lại nắm quyền cho thấy tầm quan trọng của vị cựu Tổng thống đối với Bắc Kinh như thế nào. “Cuộc đảo chính” của Sri Lanka xảy ra sau khi các lợi ích kinh tế của Trung Quốc bị thách thức nghiêm trọng bởi chính quyền của ông Wickremesinghe. Ông này đã cố gắng cải thiện quan hệ không chỉ với New Delhi mà còn với phương Tây”, chuyên gia Siegfried O. Wolf phân tích.

Một tuần trước khi bị Tổng thống cách chức, Thủ tướng Wickremesinghe đã thăm Ấn Độ 3 ngày nhằm tăng cường quan hệ với quốc gia láng giềng này. Chính quyền của Thủ tướng    Wickremesinghe cũng đã đình chỉ dự án xây dựng một cảng nước sâu tại Hambantota được Trung Quốc hậu thuẫn vào năm 2015.

Có dấu hiệu can thiệp?

Trong một dấu hiệu ủng hộ, Bắc Kinh là một trong số ít Chính phủ chúc mừng ông Rajapaksa sau khi ông được Tổng thống bổ nhiệm làm Thủ tướng hồi tháng trước với một đặc sứ từ Bắc Kinh đích thân gặp ông để truyền đạt mong muốn của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường.

Mối quan hệ của ông Rajapaksa với Trung Quốc bắt đầu từ những năm đầu của nhiệm kỳ Tổng thống. Năm 2007, ông Rajapaksa đã ký một thỏa thuận trị giá 1 tỷ USD với một tập đoàn Trung Quốc để xây dựng cảng Hambantota. Chính quyền của Rajapaksa sau đó đã cung cấp cho Trung Quốc một khu vực đầu tư độc quyền gần cảng chính của quốc gia này ở Colombo. 

Các chuyên gia nói rằng việc ông Rajapaksa trở lại nắm quyền Thủ tướng có thể khiến cho quan hệ giữa Sri Lanka với Ấn Độ và các nước khác trong khu vực gặp khó khăn. Ấn Độ vốn có quan hệ lâu dài về mặt chính trị, kinh tế, văn hóa và quân sự với Sri Lanka, thậm chí năm 1987 đã điều quân đội sang nước này trước sự lớn mạnh của lực lượng nổi dậy. Mặc dù vậy, trước cuộc khủng hoảng chính trị ở Sri Lanka hiện nay, Ấn Độ vẫn duy trì cách tiếp cận “chờ xem” vì quan điểm của họ là không can thiệp vào công việc nội bộ của các nước láng giềng.