Người yếu thế vẫn… thế

ANTĐ - Theo định nghĩa của Liên hợp quốc, nhóm người yếu thế trong xã hội bao gồm người nghèo, những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, chủ yếu là phụ nữ, trẻ em, người cao tuổi và người khuyết tật. Mới đây Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp với Tổ chức phúc lợi và an sinh xã hội của Liên hợp quốc tiến hành hội nghị khu vực về tăng cường dịch vụ và an sinh xã hội cho các nhóm yếu thế trong cộng đồng.

Theo đại diện Ban thư ký ASEAN, an sinh xã hội là mục tiêu chủ đạo của mọi xã hội, lấy con người là trung tâm. An sinh xã hội thúc đẩy việc hình thành và xây dựng một xã hội chăm sóc và chia sẻ, đảm bảo sự phát triển hài hòa cho tất cả mọi người, trong đó hạnh phúc, sinh kế và phúc lợi cho người dân là mục tiêu tối thượng.

Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, đến hết năm 2011, cả nước có gần 13 triệu lao động thuộc nhóm yếu thế, chiếm gần 24% lực lượng lao động. Trong số đó, 6,5 triệu lao động nghèo, 4,2 triệu lao động là người khuyết tật, 1 triệu lao động di cư và trên 500.000 người thất nghiệp dài hạn từ 1 năm trở lên. Đó là chưa kể hàng chục nghìn lao động nhiễm HIV, lao động nghiện ma túy.

Thống kê cho thấy, gần 80% lao động yếu thế chủ yếu tập trung ở khu vực nông thôn. Đa số có trình độ học vấn thấp, chưa qua đào tạo nghề. Đây là cả một gánh nặng rất lớn về an sinh xã hội, là áp lực ngày càng gia tăng về tạo việc làm, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần, giảm hộ nghèo, đảm bảo những người thiệt thòi, yếu thế có điều kiện vươn lên, hòa nhập cộng đồng. Chừng nào chưa giải quyết đến nơi đến chốn hàng loạt vấn đề nổi cộm trên, không chỉ an sinh xã hội bấp bênh mà an ninh, trật tự xã hội cũng trở nên bất an, bất ổn.

Mỗi quốc gia trong quá trình phát triển kinh tế đều phải dành sự quan tâm đặc biệt cho hệ thống chính sách an sinh xã hội. Đây chính là thước đo chuẩn mực của nền kinh tế phát triển bền vững. Một thứ trưởng Bộ Lao động nhấn mạnh, so với bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, tai nạn lao động là bảo hiểm ngắn hạn, thì bảo hiểm hưu trí là bảo hiểm dài hạn, được tích lũy trong suốt cuộc đời người lao động. Nước ta đang phấn đấu để bảo hiểm hưu trí là trụ cột an sinh xã hội.

Tuy vậy, hiện chỉ có khoảng 10,1 triệu người lao động đang tham gia bảo hiểm hưu trí trong tổng số 14-15 triệu người đang làm việc. Nếu số người lao động tham gia bảo hiểm thấp, có nghĩa là “gánh nặng” tuổi già không có nguồn sống sẽ chất lên vai gia đình, con cái họ. Dù sao đây cũng chỉ là chuyện lâu dài, còn trước mắt, ranh giới giữa nghèo và cận nghèo ở nước ta còn quá mỏng manh, trong khi chính sách hỗ trợ cho hai nhóm đối tượng này là quá khác biệt. Mặc dù trong 15 năm qua, nước ta đã có khoảng 15 triệu người thoát nghèo, tỷ lệ người nghèo từ 40% giảm xuống còn 10%.

Thách thức lớn nhất của nước ta hiện nay không phải chỉ là giảm nghèo mà là giảm nghèo bền vững. Thực tế, thu nhập của hộ cận nghèo không hơn hộ nghèo là bao, nhưng khi hộ nghèo “sa” chân vào diện cận nghèo thì chính sách hỗ trợ của nhà nước dành cho họ còn rất ít. Suy cho cùng, nhóm người yếu thế vẫn… thế, chưa thể vươn lên thoát khỏi thế yếu.