Người Việt tiêu thụ đường sắp chạm giới hạn tối đa, giảm để tốt cho sức khỏe

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Trung bình một người Việt Nam hiện tiêu thụ khoảng 46,5g đường tự do/ngày, gần bằng mức giới hạn tối đa (50g/ngày) và cao gần gấp đôi so với mức khuyến cáo dưới 25g/ngày của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).
TS.BS Bùi Thị Mai Hương - Viện Dinh dưỡng Quốc gia thông tin tại hội thảo

TS.BS Bùi Thị Mai Hương - Viện Dinh dưỡng Quốc gia thông tin tại hội thảo

Tại hội thảo chuyên đề "Xu hướng sử dụng thực phẩm và đồ uống có đường trên thế giới và tại Việt Nam" vừa diễn ra, TS.BS Bùi Thị Mai Hương, Phó Giám đốc Trung tâm dịch vụ khoa học kỹ thuật dinh dưỡng thực phẩm - Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, người Việt đang ăn quá nhiều đường.

Các nghiên cứu cho thấy, lượng đường tiêu thụ của người Việt đã tăng gấp 7 lần trong 15 năm qua. Hiện nay, trung bình một người tiêu thụ khoảng 46,5g đường tự do/ngày, gần bằng mức giới hạn tối đa (50g/ngày) và cao gần gấp đôi so với mức khuyến cáo dưới 25g/ngày của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).

“Trước đây, nước mắm truyền thống thường chỉ có mắm, chanh và ớt. Nhưng hiện hầu hết công thức nước chấm như nước chấm ốc, chấm nem đều chứa đường. Có những loại nước chấm nêm 4 thìa đường trong 10 thìa nguyên liệu. Các loại sốt được sử dụng phổ biến để tăng hương vị cho món ăn cũng chứa hàm lượng đường cao…” - TS Hương dẫn ví dụ.

Theo WHO, việc tiêu thụ lượng đường tự do cao sẽ đe dọa chất lượng dinh dưỡng, dẫn đến tăng cân không lành mạnh và tăng nguy cơ béo phì cùng nhiều bệnh không lây nhiễm khác, chưa kể sâu răng. TS Hương phân tích, nếu ăn quá nhiều đường, gây dư thừa glucose sẽ ảnh hưởng xấu đến não, làm giảm trí nhớ và gây ra các khiếm khuyết về nhận thức, có thể gây nghiện đường...

Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng TH Nguyễn Quỳnh Vân chia sẻ tại hội thảo

Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng TH Nguyễn Quỳnh Vân chia sẻ tại hội thảo

Bà Nguyễn Quỳnh Vân - Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng TH cũng cho rằng, việc ăn nhiều đường có nguy cơ gây ra các bệnh mãn tính ở giới trẻ và có xu hướng ngày càng gia tăng như đái tháo đường type 2, béo phì, huyết áp cao...

Vì vậy, WHO đã khuyến nghị nên giảm lượng đường tự do hấp thụ xuống dưới 10% tổng lượng năng lượng hấp thụ, với mọi lứa tuổi.

“Tại Việt Nam, trong 10 lời khuyên dinh dưỡng hợp lý tới năm 2030 vừa ban hành, Bộ Y tế khuyến cáo người dân hạn chế thức ăn nhiều đường, đồ uống có đường” - bà Vân thông tin, đồng thời nhấn mạnh “ưu tiên đồ uống không đường hoặc giả đường sẽ giúp duy trì cơ thể khỏe mạnh”.

Theo các chuyên gia, thực tế từ sau đại dịch Covid-19, người tiêu dùng đang ngày càng quan tâm hơn đến sức khỏe, khi mua thực phẩm bước đầu đã có thói quen đọc nhãn sản phẩm để xem thành phần, công thức. Nhu cầu tiêu dùng đang hướng đến sử dụng các sản phẩm: Sữa tươi tiệt trùng ít đường, sữa chua không đường, sữa hạt không bổ sung đường tinh luyện mà thay bằng vị ngọt tự nhiên…

Trong xu hướng đó, nhiều nhà sản xuất đã giảm đường vào chế biến thực phẩm. Chẳng hạn, TH đã tiên phong áp dụng nhiều giải pháp, trong đó có sử dụng một số nguyên liệu có nguồn gốc từ tự nhiên như chà là để tạo vị ngọt tự nhiên cho sản phẩm, nhằm dung hòa khẩu vị theo xu thế giảm dần sử dụng đường tinh luyện của người tiêu dùng, giúp hình thành thói quen mới…

“Đường sử dụng trong các sản phẩm đồ uống công nghiệp hiện nay thường gây nghiện, tức đã uống thì sẽ có xu hướng sử dụng nhiều hơn trong các lần sau. Vì vậy, chúng ta cần thay đổi cách tiêu dùng, để bảo vệ sức khoẻ của chính mình và gia đình” - Viện Phó Viện Dinh dưỡng TH Nguyễn Quỳnh Vân khuyến cáo.