Người Việt đang phải uống sữa pha lại

ANTĐ - Nhu cầu tiêu dùng sữa của Việt Nam phát triển mạnh. Dù đã có hơn 50 năm  phát triển chăn nuôi bò sữa, nhưng 70-80% sản phẩm sữa hiện phải nhập khẩu, trong đó chủ yếu là sữa hoàn nguyên.

Sữa tươi trong nước mới đáp ứng dược 30% nhu cầu

Một trong 20 quốc gia nhập nhiều sữa nhất

Tỷ lệ tiêu thụ các sản phẩm sữa dạng nước trên đầu người của Việt Nam thấp hơn so với các nước, hiện là 15 lít/người/năm, trong khi Thái Lan là 35 lít/người/năm, tại Anh là 112 lít/người/năm. Mức tiêu thụ sữa bình quân của châu Á hiện cũng vào mức 35 lít/người/năm. Tuy nhiên, nhóm hàng sữa vẫn đóng góp 13% trong tổng doanh thu ngành hàng tiêu dùng. Đặc biệt, nhóm hàng này có tốc độ tăng trưởng về giá trị cao nhất, khoảng 20%, đạt 56.500 tỷ đồng trong năm 2013. Số lợi nhuận khổng lồ từ ngành sữa mang lại hiện đang phải chia thị phần cho các hãng sữa ngoại và các nhà cung cấp nguyên liệu nước ngoài.

Theo đánh giá, nhu cầu và thị trường sữa của Việt Nam còn rất cao, dự báo, doanh thu từ ngành hàng này sẽ đạt con số 100.000 tỷ đồng vào năm 2017. Ông Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT đánh giá, dù tốc độ tăng trưởng đàn bò sữa của Việt Nam đạt cao trong thời gian gần đây, hiện đang có 184.000 con bò sữa, cho ra 420.000 tấn sữa (năm 2013), nhưng vẫn là một trong 20 quốc gia nhập khẩu sữa nhiều nhất thế giới. 

Đáng nói, sản lượng sữa tươi trong nước chỉ đáp ứng được 30%, còn lại là nhập khẩu sữa hoàn nguyên (sữa pha lại - sữa bột hòa với nước và được xử lý tiệt trùng). “Trung bình mỗi năm, Việt Nam nhập khẩu 1,2 triệu tấn sữa, chủ yếu là sữa, kem cô đặc, trong đó 70% là sữa hoàn nguyên. Điều này lý giải nguyên nhân vì sao sữa hoàn nguyên tại Việt Nam đắt hơn cả sữa tươi sạch. Đây cũng là khúc mắc dẫn đến tình trạng không minh bạch trong giá sữa”, ông Vũ Văn Tám cho hay.

Mặc dù tốc độ phát triển đàn bò sữa vào loại cao, từ  10-15%/năm, song lại phát triển theo quy mô nông hộ nhỏ lẻ, chất lượng sữa thấp. Trong 184.000 con bò sữa thì có đến 120.000 con được nuôi rải rác tại 19.000 nông hộ, sản lượng sữa thấp, chất lượng sữa không đảm bảo. Ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết, Việt Nam mới đáp ứng được 6,3%  thức ăn cho 184.000 con bò sữa đang nuôi, còn lại là tận dụng từ sản xuất nông nghiệp và nhập khẩu khiến giá thành cao.

Thành lập Ủy ban sữa quốc gia 

Theo lãnh đạo Cục Chăn nuôi, tại các nước có truyền thống về ngành sữa, các nhà máy chế biến sữa thường được hình thành từ các hợp tác xã chăn nuôi bò sữa, do vậy có sự hiểu biết về cơ chế xác định giá sữa. Nhưng ở Việt Nam, các nhà máy chế biến sữa lại không phụ thuộc vào người nuôi bò sữa mà phụ thuộc vào sữa bột nhập khẩu. “Để có một cơ cấu giá khách quan giữa người chăn nuôi- nhà máy chế biến - người tiêu dùng, đề nghị thành lập Ủy ban sữa quốc gia”, ông Nguyễn Xuân Dương đề xuất. Ngoài ra, để đảm bảo công bằng về chất lượng sản phẩm giữa các nhà máy chế biến, liên Bộ Y tế, NN&PTNT cùng Bộ Công Thương, KHCN phải tăng cường kiểm tra chất lượng hàng hóa, đảm bảo ghi đúng tỷ lệ sữa tươi trên bao bì sản phẩm.

Cục Chăn nuôi, Bộ NN&PTNT cũng đề ra mục tiêu, phát triển đàn bò sữa đến năm 2020 đạt 500.000 con với sản lượng sữa trên 1 triệu tấn, nâng cao quy mô trang trại từ 5,3 con/hộ lên 10 con/ hộ. Theo Cục Chăn nuôi, bò sữa không phải là vật nuôi nhằm mục tiêu xóa đói giảm nghèo. Chăn nuôi bò sữa phải đảm bảo yếu tố kỹ thuật và có kinh phí đầu tư mới đáp ứng được về mặt chất lượng cũng như sản lượng sữa hàng ngày. Bởi vậy, với những trang trại lớn, quy mô từ 500 con trở lên, Cục Chăn nuôi đề nghị Nhà nước hỗ trợ 10 triệu đồng/con bò giống để tiếp sức cho người chăn nuôi phát triển, mở rộng quy mô, giảm lượng sữa nhập khẩu hàng năm. 

Phát triển, mở rộng ngành chăn nuôi bò sữa, nâng cao tỷ lệ tiêu thụ sản phẩm sữa của Việt Nam, cải thiện chiều cao, giảm tỷ lệ sữa hoàn nguyên nhập khẩu là hợp lý. Song không ít chuyên gia băn khoăn, với tỷ lệ chăn nuôi còn nhỏ lẻ như hiện nay, sẽ đếm trên đầu ngón tay số trang trại từ 500 con bò sữa trở lên, việc hỗ trợ đã sát thực tế? Liệu ngành sữa Việt Nam có chiếm lĩnh được thị trường này hay tiếp tục phải chia miếng lợi nhuận béo bở với các doanh nghiệp nước ngoài?