"Người Việt chuyển 3 tỷ USD sang Mỹ mua nhà" là thông tin không có cơ sở

ANTD.VN - Chất vấn Thống đốc NHNN Việt Nam, ĐB Phạm Đình Cúc (Bà Rịa - Vũng Tàu) đặt câu hỏi: Có thông tin người Việt Nam chi 3 tỷ USD mua nhà tại Mỹ, xin Thống đốc cho biết đây có phải là lượng ngoại tệ chuyển từ Việt Nam sang Mỹ để mua bất động sản hay không? 

NHNN đang có những biện pháp để ngăn chặn tình trạng gian lận khi giao dịch qua ATM

Sáng 17-11, Thống đốc NHNN Việt Nam Lê Minh Hưng được dành thêm gần 2 tiếng đồng hồ để tiếp tục đăng đàn trả lời chất vấn của các ĐBQH. Trả lời câu hỏi nêu trên của ĐB Phạm Đình Cúc, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết, về thông tin người Việt bỏ 3 tỷ USD để mua bất động sản tại Mỹ, không có cơ sở khẳng định đây là dòng ngoại tệ chuyển từ Việt Nam ra nước ngoài để mua bất động sản.

Kiểm soát việc rửa tiền, chuyển tiền bất hợp pháp 

Ông Lê Minh Hưng lý giải, hiện nay số liệu người Việt Nam mua bất động sản tại Mỹ là do hiệp hội quốc gia, các chuyên viên địa ốc của Mỹ công bố, được thực hiện qua phiếu điều tra. Số liệu có thể là người Việt Nam định cư ở Mỹ nhưng chưa có quốc tịch Mỹ thì họ cũng tính vào người nước ngoài. Công dân Việt Nam nhưng sinh sống ở các quốc gia khác và đến Mỹ mua nhà thì cũng được tính là người Việt Nam.

Cũng theo Thống đốc NHNN, về tình hình đầu tư ra nước ngoài, riêng lĩnh vực bất động sản hiện nay đã có 43 dự án với tổng số vốn đăng ký là 920 triệu USD, chiếm khoảng 4,3% tổng vốn đăng ký đầu tư ra nước ngoài. Trong đó có 17 dự án đầu tư vào Mỹ, với tổng số vốn đăng ký 270 triệu USD.

Đến nay, số vốn đầu tư thực tế chuyển qua Mỹ của các dự án đầu tư kinh doanh bất động sản chỉ khoảng 215 triệu USD… Ông Hưng khẳng định, hiện đã có cơ chế kiểm soát, quy định pháp luật để kiểm soát, kiểm tra giám sát và xử phạt khá đầy đủ nhằm chống hành vi “rửa tiền”, vi phạm về chính sách chuyển tiền ra nước ngoài.

 “Dù vậy, trên thực tế cũng có thể có một số trường hợp vẫn lợi dụng các quy định của pháp luật để chuyển tiền bất hợp pháp ra nước ngoài qua các trung gian chuyển tiền. Do đó, các cơ quan quản lý Nhà nước, cơ quan chức năng trong thời gian tới sẽ phải tiếp tục phối hợp chặt chẽ để kiểm tra phát hiện và xử lý các vi phạm, hạn chế các trường hợp chuyển tiền bất hợp pháp qua các trung gian” - Thống đốc Lê Minh Hưng nói.

ĐB Phạm Đình Cúc chất vấn về dòng tiền chuyển ra nước ngoài

Gian lận qua thanh toán thẻ ATM gia tăng

ĐB Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) đề cập đến tình trạng vừa qua có một số khách hàng gửi tiền đột ngột bị mất tiền trong tài khoản, dù số này không nhiều song gây ra lo lắng và thiếu yên tâm của người dân. “Đề nghị Thống đốc cho biết sắp tới sẽ có chỉ đạo như thế nào để mang lại niềm tin cho khách hàng”, ĐB Nguyễn Sỹ Cương hỏi. Trả lời, Thống đốc NHNN Việt Nam Lê Minh Hưng thừa nhận một số vụ việc như báo chí đã nêu về các vấn đề an toàn tiền gửi tiết kiệm. 

Theo ông Lê Minh Hưng, sau khi có thông tin liên quan đến vụ việc phát sinh tại các tổ chức tín dụng, như các vụ liên quan đến tiền gửi tiết kiệm và thanh toán thẻ, NHNN đã kịp thời chỉ đạo các NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra. Đồng thời, NHNN cũng yêu cầu các tổ chức tín dụng có liên quan phối hợp với cơ quan điều tra để điều tra làm rõ, xử lý nghiêm hành vi vi phạm theo quy định pháp luật, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người gửi tiền.

Ngoài ra, NHNN cũng đã yêu cầu các ngân hàng, tổ chức tín dụng tập trung rà soát triệt để các quy trình kiểm tra, kiểm soát nội bộ; quản lý rủi ro; tăng cường các biện pháp bảo vệ an ninh mạng, nhất là ở trụ sở các phòng giao dịch để phòng ngừa và ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm…

Về ý kiến của ĐB Bạch Thị Hương Thủy (Hòa Bình) liên quan đến một số gian lận trong các hoạt động thanh toán thẻ ATM, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết, gian lận trong thanh toán thẻ là vấn đề rất đáng lo ngại, kể cả các nước trên thế giới. Theo thống kê của các tổ chức phát hành thẻ quốc gia thì trong năm 2015 tổng số tiền thiệt hại từ các hành vi gian lận trong giao dịch thanh toán thẻ là trên 21 tỷ USD.

Tính bình quân cứ 100 USD giao dịch thẻ thì bị thiệt hại 7 cent, chiếm 0,07%. Ở Việt Nam, theo thống kê tỷ lệ thiệt hại từ các hành vi gian lận thẻ ở mức 1/3 mức bình quân của các nước trên thế giới nhưng gần đây gia tăng. Thẳng thắn chỉ ra các nguyên nhân chủ quan, khách quan dẫn đến tình trạng này, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết, NHNN cũng đã có hàng loạt giải pháp và đang kiên quyết thực hiện để kiểm soát, hạn chế hành vi vi phạm.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân: Thống đốc đã trả lời thẳng thắn

Phiên chất vấn Thống đốc NHNN diễn ra sôi nổi. Mặc dù lần đầu tham gia trả lời chất vấn nhưng Thống đốc NHNN nắm chắc được tình hình, thực trạng, trả lời thẳng thắn, làm rõ các vấn đề được đại biểu nêu và đưa ra các giải pháp rất căn cơ. Phần trả lời chất vấn của Thống đốc NHNN nhận được sự hài lòng của ĐBQH và cử tri đánh giá cao qua các phương tiện thông tin đại chúng… Qua chất vấn cho thấy, thời gian qua, dưới sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, NHNN cơ bản là phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, thị trường tiền tệ, giữ được sự ổn định thị trường, các chỉ tiêu tiền tệ, tín dụng phù hợp với mục tiêu nhiệm vụ đề ra.

Ý kiến cử tri: Người dân chưa yên tâm khi gửi tiền tại ngân hàng

Trong phiên họp sáng 17-11, trả lời chất vấn của ĐBQH về mức chi trả rủi ro 75 triệu đồng đối với người gửi tiền khi ngân hàng phá sản hiện gây nhiều băn khoăn cho người dân, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho rằng, trong bất cứ trường hợp nào thì các phương án xử lý các tổ chức tín dụng đều phải đảm bảo mục tiêu đầu tiên là an toàn hệ thống, củng cố lòng tin của người dân vào hệ thống ngân hàng, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng, không để xảy ra tình trạng đổ vỡ, mất kiểm soát…

Dù Thống đốc đã trả lời đi thẳng vào vấn đề, song vẫn chưa khiến người dân và ĐBQH thỏa mãn. Bởi, so với các nước trong khu vực Đông Nam Á, hạn mức chi trả bảo hiểm tiền gửi của Việt Nam là 75 triệu đồng đang thấp nhất về số tiền tuyệt đối, quá ít so với thu nhập bình quân đầu người ở nước ta hiện nay. Ngoài ra, việc quy định một mức cho tất cả các khách hàng có số tiền gửi khác nhau là vô lý, không công bằng.

Hơn nữa, tại sao người gửi phải chịu rủi ro của người kinh doanh khi lợi nhuận của người kinh doanh người gửi không thể kiểm soát được? Bởi vậy, câu trả lời của Thống đốc ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng mới chỉ nêu ra những giải pháp vĩ mô, chưa khiến người dân thực sự yên tâm khi gửi tiền tại các Ngân hàng.

Phan Hồng Hà (Đường Lạc Long Quân, quận Tây Hồ, Hà Nội)