Người truyền lửa ca trù

ANTĐ - Ông Nguyễn Văn Khuê (52 tuổi)  là người chơi đàn đáy suốt 40 năm trong câu lạc bộ ca trù Thái Hà ở số 27 Thụy Khê, Tây Hồ, Hà Nội.

Bảy đời giữ lửa ca trù

Gia đình ông Nguyễn Văn Khuê đã có bảy đời gắn bó với nghiệp hát ca trù. Theo ông Khuê, người đầu tiên mang ca trù về cho dòng họ là cụ Nguyễn Đức Ý (SN 1820). Cụ đỗ thủ khoa năm 1852 và làm quan tại huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương. Không chỉ là người tài cao cụ Ý còn là người tinh thông về âm luật và ngôn ngữ ca trù. Cụ có khả năng cảm thụ âm nhạc rất  tinh tế. Tên tuổi của cụ được ghi trong sách “ Những triều đại quan lại Việt Nam”.

Đời thứ ba của gia đình theo nghiệp hát là cụ bà Nguyễn Thị Tuyết. Cụ hát hay vào bậc nhất trong cung  nên được vua vô cùng trọng dụng. Lúc bấy giờ, cụ Tuyết đảm nhiệm trọng trách quản lí tất cả những vấn đề liên quan đến lĩnh vực âm nhạc, đặc biệt là ca trù trong cung đình. Cụ được vua ban cho đất tại Thái Hà để xây đình Ca Công. Đình này được xem như nhà hát riêng của dòng họ. Từ đó đến nay, giáo phường ca trù Thái Hà vẫn được nhận định là một trong những giáo phường ca trù nổi tiếng nhất của đất kinh kỳ.

Đời thứ tư là ông nội của ông Khuê, cụ Nguyễn Văn  Xuân. Cụ Xuân là người đã từng giành chức vô địch đàn đáy Bắc Hà. Cụ Nguyễn Văn Mùi, bố của ông Khuê  là đời thứ năm và hiện là người cầm chầu trong ca trù Thái Hà. Cả hai cha con ông đều được thừa hưởng những bí quyết riêng về văn nghệ ca trù của dòng tộc và thật sự thành công trong nghiệp hát.

Ông Khuê cho biết: “Đời của tôi, đời thứ sáu có số lượng đông đảo, có 3 người: tôi, Nguyễn Mạnh Tiến (anh) chơi đàn đáy, Nguyễn Thúy Hòa (em) là ca nương. Chúng tôi đều nguyện gắn bó với nghề cho đến cuối đời và truyền dạy cho con cháu nữa !”

Đến bây giờ, Nguyễn Thu Thảo và Nguyễn Kiều Anh (19 tuổi) đều say mê và yêu thích ca trù. Thu Thảo hiện là sinh viên Đại học Văn hóa chuyên ngành Quản lí, Kiều Anh theo học Nhạc viện Hà Nội. Em từng tham gia  Vietnam’s Got Talent 2012. Kiều Anh đã mang đến cho sân khấu hiện đại của Vietnam‘s Talent một không gian âm nhạc đậm chất truyền thống và em đã thực sự tỏa sáng khi giành ngôi vị Á quân của cuộc thi này. Cả Kiều Anh và Thu Thu Thảo đều có khả năng hát ca trù rất hay và muốn theo nghiệp ông cha để giữ gìn truyền thống gia đình cũng như nét đẹp của văn hóa dân tộc

Một người có tâm với Ca trù

Ông Nguyễn Văn Khuê tốt nghiệp loại giỏi  Học Viện âm nhạc Quốc gia (năm 1987). Sau đó, ông về công tác ở Đoàn văn công Bộ đội Biên phòng. Ông Khuê bắt đầu học hát ca trù từ năm 12 tuổi. Ông cũng là một tay chơi đàn đáy có tiếng của câu lạc bộ ca trù Thái Hà.

Ông được trao danh hiệu NSƯT năm 2007, đã từng lưu diễn ở nhiều nước trên thế giới như Mỹ, Pháp, Đức, Trung Quốc… 

Lòng yêu ca trù đã thấm vào tâm hồn ông Khuê từ thuở nằm nôi khi cha mẹ hát ru những làn điệu ca trù cho ông ngủ. Ông được đích thân nghệ nhân Phó Đình Kỳ truyền nghề theo đúng khuôn phép dòng tộc. Sau đó, ông vào học tại Nhạc Viện Hà Nội, khoa Dân tộc nhằm mục đích mở rộng kiến thức về âm nhạc dân tộc. Ông muốn hiểu sâu sắc hơn những giá trị âm nhạc truyền thống của đất nước. Với ông, chỉ khi hiểu thật đúng, thật sâu thì sức cảm thụ mới mạnh mẽ và có như vậy hát mới hay đàn mới ngọt.

Câu lạc bộ ca trù Thái Hà (ông Nguyễn Văn Khuê thứ 4 từ phải sang)
 (Ảnh do nhân vật cung cấp)


Ngoài việc học trực tiếp với các nghệ nhân, ông  Khuê còn nghe rất nhiều băng đĩa từ năm 1930 với những giọng hát và tiếng đàn nổi tiếng: tiếng đàn của ông Tư Mã, ông Trưởng Xuân, ông Nhàn. Giọng hát của bà Châu Doanh, Chu Thị Bốn, Đàm Mộng Hoàn với rất nhiều làn điệu ca trù của gia đình mà bây giờ đã bị thất truyền.

Hiện nay, ngoài công tác ở Đoàn văn công Bộ đội Biên phòng, có cơ hội được mời dạy ông đều nhận lời. Mong muốn tha thiết nhất của ông Khuê là ca trù được hồi sinh mạnh mẽ. Với kinh nghiệm  của bản thân, ông đã lặn lội đến nhiều vùng miền và đã truyền dạy 5 làn điệu cho gần 20 câu lạc bộ trong cả nước. Ông Nguyễn Văn Khuê luôn có một niềm tin tưởng rất lớn vào sự phát triển của ca trù Việt Nam:  “Ca trù sẽ không bao giờ mai một và sẽ tiếp tục  lưu giữ qua các thế hệ. Bởi lẽ hiện nay chúng ta đã nhận thức được giá trị to lớn của nghệ thuật ca trù và nó sẽ được tạo điều kiện để phát triển”.

Theo ông Khuê, người học ca trù phải bắt được cái thần của nó. Cộng với lòng kiên trì khổ luyện mới có thể thành tài. Cùng một thầy dạy đàn nhưng tiếng đàn của mỗi học sinh đánh lên mỗi người một vẻ. Nói như cách ví von của ông : “Mỗi người một mùa xuân”. 

Câu lạc bộ ca trù Thái Hà hiện nay còn giữ gìn được hơn 30 làn điệu ca trù, phục hưng thêm ba loại hình: Dựng huỳnh, Nói huỳnh, Phú xích bích. Câu lạc bộ lưu giữ một kho băng đĩa ca trù của các nghệ nhân trong và ngoài dòng họ với nhiều làn điệu từ năm 1927-1935 của các nghệ nhân lão luyện.

Là một người có tâm với Ca Trù, ngọn lửa đam mê không khi nào thôi cháy trong ông Nguyễn Văn Khuê. Ông tâm niệm, mình  sẽ tiếp tục đi, tiếp tục truyền lửa cho thế hệ trẻ để ca trù được nhiều người biết đến hơn và tồn tại lâu bền hơn nữa.