Người Trung Quốc ở Ghana: "Vỡ mộng vàng"

ANTĐ - Hàng nghìn người Trung Quốc đổ về Ghana mỗi năm để theo đuổi giấc mộng vàng, bất chấp vô vàn nguy cơ họ phải đối mặt. Tất cả chấm dứt khi một thiếu niên 16 tuổi bị bắn chết trong một đợt truy quét “vàng tặc” quy mô lớn ở nước này.

Một bãi khai thác vàng của người Trung Quốc ở Ghana

Cái chết luôn rình rập

Khoảng 11h ngày 11-10, Trần Long, một công nhân đãi vàng mới 16 tuổi bị bắn chết ở Manso, nơi cách Kumasi, thành phố lớn thứ 2 của Ghana chừng 60km. 

Đợt truy quét “vàng tặc” được cảnh sát địa phương triển khai trước đó 1 ngày. Trần Long cùng các công nhân đồng hương trốn trong một cánh rừng phía trước bãi vàng. Các nhân chứng kể lại, 4 người đàn ông Ghana đã đi vào rừng, một trong số đó mặc bộ quần áo rằn ri và mang theo súng. Người mặc đồ rằn ri tiến đến gần đám công nhân đãi vàng, sau đó bắn chỉ thiên khiến bọn họ chạy tứ tán. Một tiếng súng nữa vang lên và cậu bé Trần Long đổ sụp xuống. Bố cậu bé, Trần Ngọc Phượng nghe tin chạy đến nơi, thấy con trai mình đang hấp hối trong vũng máu.

Một tờ báo sau đó đưa tin về vụ án, nói Trần Long đã dùng súng chống lại lực lượng bắt giữ. Tuy nhiên, một cổ đông của bãi vàng, Thân Á Bình khẳng định cậu bé không hề có súng. Khi chết, Trần Long vẫn đang cầm chiếc máy tính bảng Ipad mới mua.

Đợt truy quét đó kéo dài 2 ngày, 101 “vàng tặc” người Trung Quốc, trong đó có ông Trần Ngọc Phượng bị bắt. Đến tối 17-10, được sự can thiệp của đại sứ quán Trung Quốc, những người này mới được trả tự do. Ngày 31-10, 3 cảnh sát và 2 sỹ quan quân đội Ghana tìm đến hiện trường nơi Trần Long bị bắn chết để điều tra, song đến nay vẫn chưa có kết luận gì. 

Trần Long không phải là công nhân đãi vàng Trung Quốc duy nhất bị giết ở Ghana. 2 năm qua, tỷ lệ thuận với số người Trung Quốc đổ tới quốc gia châu Phi này để thực hiện “giấc mộng vàng”, số vụ bạo lực cũng gia tăng đáng kể. Lam Ngọc Vũ, một chủ thầu khai thác vàng ở Kumasi cho biết, riêng trong tháng 8-2012, bãi vàng của ông ta đã bị cướp đến 2 lần. Trong 1 vụ cướp, một cổ đông của bãi vàng đã bị giết trên xe khi đi giao dịch, trên cổ vẫn còn nguyên vết siết bằng dây thừng, vàng giấu trong người và xe đều biến mất. Thậm chí hồi tháng 10-2011, tại một bãi vàng ở Kumasi còn xảy ra vụ cướp ngày trắng trợn, làm 1 người Ghana và 1 người Trung Quốc thiệt mạng. Những kẻ lạ mặt mặc đồ rằn ri, mang theo AK47 đã xông vào khu trại của những người đãi vàng, cướp tất cả những thứ gì lấy được. Khi những người công nhân gần đó lao tới ứng cứu, một vụ đấu súng quyết liệt đã nổ ra.

“Hầu hết chúng tôi phải tự xử trong những vụ cướp ấy, vì báo cảnh sát gần như vô dụng”, Hoàng Vân Tài, một chủ bãi vàng cho biết, “Họ nói nếu gặp phỉ, chúng tôi có thể trực tiếp bắn chết. Cảnh sát không lo những việc đó”.

“Giấc mộng vàng”phải trả giá bằng chính sinh mạng họ

Viễn cảnh đổi đời

Tháng 6-2006, tốp đào vàng đầu tiên ở Thượng Lâm, Quảng Tây, Trung Quốc đến Ghana, đầu tư 850.000 NDT để tổ chức một bãi khai thác vàng. Đến năm 2009, số điểm khai thác vàng của người Trung Quốc ở Ghana đã lên tới gần 10 bãi. Các thiết bị khai thác cũng ngày càng chuyên nghiệp hơn, vốn đầu tư lớn hơn. Thời điểm đó, một cổ đông nhỏ nếu góp vốn 200.000NDT, 3 tháng sau đã có thể thu hồi lại vốn. Trung bình một ngày, người ta có thể kiếm được 200-300gram vàng tại một bãi khai thác bất kỳ, ngày nào nhiều còn lên tới 600gram. Năm 2010, tốp tìm vàng đầu tiên đến Ghana quay về Thượng Lâm, mang theo từng bọc tiền lớn và cả những câu chuyện ly kỳ, như “dùng 100gram vàng làm quà tặng chơi”, hay “1 ngày đào được nửa kilogram vàng”… 

Viễn cảnh giàu lên nhanh chóng đó đã khiến cả vùng Thượng Lâm như sôi sục, nhà nhà sắm sửa hành trang cho chồng, con, em mình lên đường đến Ghana. Cả thị trấn Minh Lượng ở huyện Thượng Lâm có hơn 3 vạn nhân khẩu, thì trong năm 2011 đã có tới 3.000-4.000 người đến Ghana. Người nghèo thì đi làm công nhân, người có chút tài sản thì vay mượn thêm, bán nhà bán đất để góp vốn làm cổ đông của các bãi vàng. Thậm chí, viên chức nhà nước cũng bỏ việc để đi. Tính từ năm 2009-2012, có khoảng 10.000 người Thượng Lâm đã đến “đất vàng” tìm cơ hội đổi đời. 

Tuy nhiên, nạn cướp bóc diễn ra quá thường xuyên đến mức hiện giờ các bãi vàng đều được trang bị súng, từ súng lục đến AK. Nguy hiểm nhất là những lúc đưa vàng từ bãi khai thác về “đại bản doanh”, luôn luôn phải có công nhân trang bị súng đi “áp tải”. Người ta đã quá quen với tiếng súng vang lên giữa đêm khuya tại các bãi vàng. Ông Dương Ích Lộc, chủ một bãi vàng cho biết, lương công nhân ở đây thông thường cao gấp đôi so với các bãi vàng trong nước, khoảng 3.000-5.000NDT/tháng, cộng thêm 2% giá trị số vàng đãi được mỗi ngày. “Song so với những gì mà họ phải đối mặt, thì cái giá phải trả quá đắt”, ông Lộc nói thêm.