Người trồng cây ca cao đầu tiên ở Việt Nam

ANTĐ - Gia đình “ông Mười Cương ca cao” ở ấp Mỹ Ái, xã Mỹ Khánh, huyện Phong Điền, Cần Thơ là những người tiên phong trong việc trồng và chế biến ca cao đầu tiên ở Việt Nam. Cũng nhờ vườn ca cao, ông Mười Cương phát triển thêm loại hình du lịch sinh thái, kết hợp với lưu trú thu hút rất đông khách.  

Làm giàu từ ca cao

Ấn tượng đầu tiên khi bước chân vào vườn ông Mười Cương là màu xanh mướt tràn ngập không gian. Khu vườn không chỉ trồng nhiều loại cây trái đặc sản Nam bộ như sầu riêng, măng cụt, chôm chôm, bưởi, xoài… mà còn là vương quốc của cây ca cao. Lão nông Lâm Thế Cương (67 tuổi) cho biết, vào những năm 60 của thế kỷ trước, gia đình ông đã bắt đầu trồng ca cao và là những người trồng ca cao đầu tiên ở Việt Nam. Ca cao hợp thổ nhưỡng Phong Điền nên phát triển tốt, ra trái sum suê.

Tuy nhiên, vì không biết cách chế biến ca cao nên  nhiều gia đình trồng ca cao được vài năm cũng phải đốn bỏ chuyển sang các loại cây trồng khác. Chỉ riêng ông thấy không nỡ nên kiên trì mày mò tìm hiểu cách chế biến ca cao thành nhiều sản phẩm khác nhau. Dần dần, thương hiệu ca cao Mười Cương được hình thành và trở nên có tiếng. Đến nay, trong khu vườn rộng 1,2ha của ông Mười Cương có tới 2.000 cây ca cao, với khoảng 15 giống ca cao các loại. 

Trái ca cao chín có màu vàng, đỏ rất đẹp, to bằng bàn tay. Tách lớp vỏ bên ngoài sẽ thấy phần ruột trắng. Phần ruột này đem ủ khoảng 7 ngày rồi tiếp tục phơi nắng. Hạt ca cao khô lại có thể đem rang nóng, rồi chế biến thành bột ca cao, kẹo ca cao, bơ ca cao… Đặc biệt, phải kể đến rượu vang ca cao. Rượu được lên men trực tiếp từ mật ca cao, mùi vị giống như rượu mơ ở miền Bắc. Khi nếm thấy chua nhẹ, hơi ngòn ngọt, không quá nồng. Còn bơ ca cao, ngoài việc dùng để chế biến sô cô la trắng, còn có thể làm kem dưỡng da vì chứa nhiều collagen, vitamin E… 

Du khách đến thăm vườn ông Mười Cương

Vừa trồng ca cao, vừa làm hướng dẫn viên

Từ khi xã Mỹ Khánh đi theo mô hình nông thôn mới, được các dự án quốc tế hỗ trợ, bà con trong xã, trong đó có gia đình ông Mười Cương có thêm điều kiện để phát triển các loại hình du lịch, bên cạnh việc trồng cây ca cao. Riêng khu vườn ông Mười Cương có nhiều sản phẩm du lịch đa dạng hơn cả. Đến đây, du khách được tham gia trồng cây ca cao, tự tay rang hạt, tách vỏ ca cao, rồi tự làm kẹo, sô cô la từ ca cao…

Không những vậy, du khách đến đây còn được ngồi trò chuyện và thưởng thức món ăn đa dạng do chính gia đình ông Mười Cương chế biến như canh chua cá lóc, dưa rau muống đồng, bò nướng lá lốt, ốc nấu tiêu xanh…. Ở tuổi gần 70, nhưng “lão nông miền Tây” này có thể trực tiếp trò chuyện, hướng dẫn du khách bằng 2 thứ tiếng Anh, Pháp. “Từ nhỏ tôi học trong trường Pháp, xong dần dần học thêm tiếng Anh. Nói chuyện với khách Tây tôi quen dần, giờ khách đến tôi tự dẫn đi luôn” - ông Mười Cương chia sẻ.

Chính ông cũng từng vinh dự tiếp nhiều đoàn khách cao cấp từ nước ngoài đến thăm vườn như đoàn của Đại sứ quán Bỉ, đoàn Thượng nghị sỹ Pháp… Kể từ năm 2012, khi bắt tay vào làm mô hình du lịch cộng đồng, gia đình ông Mười Cương có thêm nguồn khách ổn định. Trung bình 1 năm có khoảng 600 du khách đến đây, vào đợt cao điểm lúc nào cũng có 4-5 đoàn khách đến tham quan.

Nhờ làm du lịch và kinh doanh các sản phẩm từ ca cao, trái cây, gia đình ông thu về từ 12.000 đến 15.000 USD/năm. Mong muốn lớn nhất của ông Mười Cương đó là có thể mở rộng sản xuất gắn với du lịch, giúp ca cao của Việt Nam nói chung và huyện Phong Điền nói riêng ngày càng được nhiều bạn bè quốc tế biết đến.