Trẻ hóa cấp ủy: Không thể là “nhiệm vụ bất khả thi” (I)

Người trẻ vào cấp ủy, việc khó mấy cũng phải làm

ANTD.VN - Trẻ hóa cấp ủy là một yêu cầu luôn được nêu ra tại mỗi kỳ đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng. Tuy nhiên, chỉ tiêu nhiệm vụ này thường rất khó hoàn thành ở nhiều cấp ủy địa phương, đơn vị do những lý do khác nhau. Từ thực tế hoạt động ở các tổ chức, cơ sở đảng ở Hà Nội, chúng tôi đã đi tìm câu trả lời cho vấn đề hóc búa này.

Đảng bộ thành phố Hà Nội đặt mục tiêu tỷ lệ cấp ủy trẻ đạt từ 10% trở lên

Về cơ cấu cấp ủy trong kỳ đại hội đảng bộ các cấp lần này, tại Chỉ thị số 35-CT/TW về Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Bộ Chính trị đã nêu rõ yêu cầu, tỷ lệ cán bộ trẻ trong cấp ủy (dưới 40 tuổi đối với cấp tỉnh, huyện) phấn đấu đạt từ 10% trở lên. 

Là địa phương có số lượng đảng viên đông nhất cả nước, Đảng bộ thành phố Hà Nội cũng nêu rõ yêu cầu về nội dung này: “Phấn đấu đạt tỷ lệ cấp ủy viên nữ từ 15% trở lên và có cán bộ nữ trong ban thường vụ; Tỷ lệ cán bộ trẻ (dưới 40 tuổi đối với cấp tỉnh, cấp huyện, dưới 35 tuổi đối với cấp xã) từ 10% trở lên…”. Đây được xem là nhiệm vụ không đơn giản đối với các địa phương, trong đó có Đảng bộ thành phố Hà Nội.

Đã vào quy hoạch, nhưng khi bầu lại trượt

Là một huyện ngoại thành của Hà Nội, Chương Mỹ từng gặp nhiều khó khăn trong công tác trẻ hóa cán bộ cấp ủy. Thời gian trước, số cán bộ trẻ được bầu vào Ban Chấp hành Đảng bộ huyện thường đạt tỷ lệ rất khiêm tốn. Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Chương Mỹ Trịnh Tiến Tường cho biết, từng có thời kỳ, Chương Mỹ rất e ngại sử dụng cán bộ trẻ bởi trong việc bố trí, bổ nhiệm cán bộ, yếu tố kinh nghiệm luôn được đặt lên hàng đầu. 

Nhớ lại thời kỳ công tác ở huyện Sóc Sơn (Hà Nội), nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh chia sẻ, khó khăn trong công tác cán bộ ở một số nơi không chỉ dừng lại ở việc băn khoăn khi dùng cán bộ trẻ, ở nhiều nơi còn “vướng” bởi tính cục bộ, yếu tố dòng họ địa phương, đặc biệt ở cấp xã. Chỉ khi cấp ủy và trực tiếp là đồng chí lãnh đạo cấp ủy quan tâm, nhận thức đúng đắn về trẻ hóa đội ngũ cán bộ cấp dưới thì người trẻ mới có cơ hội và môi trường cống hiến, phát huy tính sáng tạo. 

“Cấp ủy nhiệm kỳ 2020-2025 phải đặc biệt coi trọng chất lượng, có số lượng và cơ cấu hợp lý; tiêu biểu về trí tuệ, phẩm chất, uy tín, thật sự trong sạch, vững mạnh, có năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu cao, đáp ứng yêu cầu lãnh đạo trong tình hình mới, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp và Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng;

Chú trọng phát hiện, giới thiệu tham gia cấp ủy những nhân tố mới có đạo đức, có tài, có uy tín, có triển vọng thông qua hoạt động thực tiễn, nhất là cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ là người dân tộc thiểu số; 

Phấn đấu đạt tỷ lệ cán bộ trẻ (dưới 40 tuổi đối với cấp tỉnh, cấp huyện) từ 10% trở lên…”.

Trích Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng

Nói về công tác chuẩn bị nhân sự ở huyện cho nhiệm kỳ tới, đồng chí Lỗ Xuân Hòa - Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Mê Linh chia sẻ: “Quy hoạch cán bộ thì huyện Mê Linh đã chuẩn bị, Thành ủy phê duyệt và không phải bổ sung gì thêm”. Đồng chí Lỗ Xuân Hòa cũng cho biết: “Trong quy hoạch nhiệm kỳ tới, tỷ lệ cán bộ trẻ đều đảm bảo số dư tương đối lớn, đảm bảo tỷ lệ mà Trung ương, Thành ủy quy định, ít nhất 10%, hướng đến 12-13%, khi chuẩn bị nhân sự dư 1-2 người trẻ”.

Dù vậy, đồng chí Lỗ Xuân Hòa- Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Mê Linh cũng tâm sự thật, cán bộ trẻ đều lấy từ nguồn của huyện.

“Khi làm quy hoạch cán bộ, về nguyên tắc, ít nhất phải đảm bảo tỷ lệ theo quy định. Dù vậy, chúng tôi đưa người trẻ vào thì cũng có nhiều ý kiến phân vân, đơn giản vì người trẻ thường được cho là ít kinh nghiệm, năng lực thực tiễn hạn chế. Huyện luôn quan tâm chuẩn bị lực lượng cán bộ trẻ để đưa vào cấp ủy. Những người này phải được cơ cấu vào các vị trí như phó phòng, phó ban, trưởng phòng, trưởng ban trở lên nhưng các đồng chí trẻ lại thường chỉ là chuyên viên hoặc viên chức nên khi đưa vào đào tạo, bồi dưỡng là cả vấn đề” - đồng chí Lỗ Xuân Hòa nói. 

Đưa cán bộ trẻ vào quy hoạch đã khó nhưng để trúng cử lại là câu chuyện khác. Nhiều địa phương, đơn vị rất tạo điều kiện, đào tạo, đưa cán bộ trẻ vào quy hoạch nhưng khi đưa ra đại hội lại không được bầu. Thừa nhận đây là khó khăn chung của nhiều địa phương, đồng chí Lỗ Xuân Hòa phân tích: “Khi đưa ra bầu, người ta sẽ so sánh một câu chuyên viên trẻ chỉ có bằng đại học, có thể đã có Giấy chứng nhận Trung cấp lý luận chính trị với một vị trưởng phòng nhiều uy tín, kinh nghiệm, năng lực đã được kiểm chứng, đã có Giấy chứng nhận cao cấp lý luận chính trị. Thế nên, dù nhiều người trẻ đảm bảo tiêu chuẩn, điều kiện đưa vào cấp ủy nhưng theo cách so sánh thuần túy như trên thì chưa chắc đã được bầu”.

Nếu không quyết tâm, rất khó trẻ hóa cấp ủy

“Chúng ta cứ nói phải quan tâm cán bộ trẻ, cán bộ nữ nhưng thực chất là không đạt” - Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội, đồng chí Vũ Đức Bảo đã thẳng thắn nêu ra thực tế này. 

Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội cho biết, từ trước đến nay, qua mỗi kỳ đại hội, trong công tác chuẩn bị nhân sự của Đảng, bao giờ cũng có chỉ đạo về việc đảm bảo tỷ lệ cơ cấu cán bộ trẻ tham gia cấp ủy. Mới đây nhất, liên quan đến công tác nhân sự nhiệm kỳ 2020-2025, một điểm mới được Trung ương, Thành ủy Hà Nội phổ biến là phải bảo đảm nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ mà trực tiếp là Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy; cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy các cấp. 

Cấp ủy nhiệm kỳ 2020-2025 phải đặc biệt coi trọng chất lượng, có số lượng và cơ cấu hợp lý. Trong đó, cần lưu ý, công tác chuẩn bị nhân sự cho nhiệm kỳ tới phải đảm bảo tính tổng thể, liên thông, dân chủ, khách quan, minh bạch, gắn chặt chẽ với công tác bố trí nhân sự; đặc biệt phải quan tâm đến cán bộ trẻ, cán bộ nữ. 

Phân tích kỹ hơn về công tác chuẩn bị nhân sự cán bộ cấp ủy các cấp nhiệm kỳ tới, đồng chí Vũ Đức Bảo cho biết, việc lựa chọn cán bộ vào cấp ủy các cấp của thành phố trong nhiệm kỳ tới phải đảm bảo tất cả tiêu chuẩn, từ độ tuổi, bằng cấp, trình độ… Riêng về cơ cấu cán bộ trẻ tham gia cấp ủy, đồng chí Vũ Đức Bảo cho biết, nhiệm kỳ 2020-2025 phải đạt từ 10% trở lên. Đây là nhiệm vụ rất khó khăn và thực tiễn thời gian qua ở nhiều địa phương của Hà Nội không đạt được con số này. Nhiều Ban Thường vụ Quận ủy, Huyện ủy không có nữ hoặc không đáp ứng được tỷ lệ cán bộ trẻ. 

“Để khắc phục tình trạng không đạt cơ cấu cán bộ trẻ, cán bộ nữ, chúng ta cần lưu ý rà soát kỹ ngay từ khâu chuẩn bị nhân sự cho đại hội” - Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội nêu quan điểm. Chỉ khi khâu chuẩn bị nhân sự được làm kỹ lưỡng, các tổ chức, cơ sở đảng mới tránh được tình trạng đã diễn ra tại một số nhiệm kỳ trước đây là số lượng cán bộ trẻ được giới thiệu nhiều, có số dư so với chỉ tiêu đặt ra nhưng khi ra đại hội bầu lại bị trượt…

(Còn tiếp)