Người tiêu dùng sẽ phải chi trả phí dán tem bia?

ANTD.VN - Theo nội dung Đề án “Nâng cao năng lực quản lý Nhà nước đối với hoạt động sản xuất kinh doanh bia” của Bộ Công Thương có quy định dán tem đối với mặt hàng bia.

Giá bia có tăng sau dán tem bia?

Bộ Công Thương cho biết, hiện nay trên phạm vi cả nước có 119 cơ sở sản xuất bia với sản lượng trung bình từ 20-25 triệu lít/năm/cơ sở. Sản lượng năm 2016 đạt 3,78 tỷ lít bia.

Tổng nộp ngân sách nhà nước đạt khoảng 30.000 tỷ đồng; tăng trưởng bình quân trong giai đoạn từ 2008 đến năm 2015 là 9%/năm. Theo quy hoạch ngành Bia, dự kiến đến năm 2020 đạt 4,1 tỷ lít bia/năm, năm 2025 sẽ đạt 4,6 tỷ lít bia/năm.

Tuy nhiên, thị trường bia Việt Nam đang tồn tại nhiều vấn đề ảnh hưởng đến công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động sản xuất và kinh doanh bia như: thiếu thông tin chính xác về tình hình sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp;

Tình trạng nhập lậu bia, sản xuất bia giả, đặc biệt là hiện tượng gian lận thương mại, khai báo không chính xác lượng sản xuất và tiêu thụ của nhiều doanh nghiệp sản xuất bia, dẫn đến thất thu thuế, tạo môi trường cạnh tranh không bình đẳng giữa các nhà sản xuất kinh doanh hợp pháp với các nhà sản xuất kinh doanh bất hợp pháp.

Theo tính toán của các chuyên gia, chênh lệch giữa sản lượng bia khai báo nộp thuế với sản lượng thực tế từ 7-10%.

Nếu tạm tính theo tổng thu ngân sách nhà nước năm 2016 từ sản phẩm bia (30.000 tỷ đồng), số tiền thất thu ngân sách nhà nước là từ 2.100 tỷ đồng đến 3.000 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, việc quản lý hiện nay, chưa kiểm soát được các vấn đề về an toàn thực phẩm đối với các sản phẩm bia tiêu thụ trên thị trường, cũng như khả năng kiểm soát kịp thời lô hàng không đảm bảo điều kiện về an toàn thực phẩm.

Để khắc phục những tồn tại trên, Bộ Công Thương xây dựng Đề án “Nâng cao năng lực quản lý Nhà nước đối với hoạt động sản xuất kinh doanh bia”. Theo đó, sẽ thực hiện dán tem đối với sản phẩm bia.

Dự kiến, giá thành một sản phẩm nhãn bia giấy là 179 đồng/chiếc, dành cho sản phẩm là bia chai, bia thùng, bia keg, bia nhập khẩu.

Giá thành một sản phẩm nhãn bia in phun trực tiếp là 145,44 đồng/chiếc, dành cho sản phẩm bia lon sản xuất trong nước.

Bộ Công Thương cho biết, việc dán tem này sẽ gây ra các tác động rất nhỏ mà không ảnh hưởng đến dây chuyền sản xuất của nhà sản xuất và tạo ra một sân chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp hợp pháp, bởi chi phí này được tính là chí phí sản xuất hợp lý, được tính trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp và được loại trừ khỏi cơ sở xác định giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt.

Mặt khác, do bia không phải là mặt hàng hạn chế về sản xuất và kinh doanh. Tuy nhiên, đây là sản phẩm được đánh thuế tiêu thụ đặc biệt. Đồng thời, về bản chất, chi phí này sẽ là do người tiêu dùng chi trả, nên doanh nghiệp sản xuất hoặc nhập khâu chỉ là đơn vị thu hộ.

Trong khi đó, việc triển khai Đề án cũng sẽ giúp cho tăng thu Ngân sách nhà nước hàng năm đối với các sản phẩm bia nhập lậu hoặc sản xuất gia công lậu từ 7- 10% (khoảng hơn 2.000 tỷ đồng).