Người tiêu dùng là... thứ yếu

ANTĐ - Xóa bỏ độc quyền điện là đòi hỏi chính đáng, bức xúc của mọi ngành sản xuất kinh doanh cũng như người dân. Vậy có gì phải mất tới 17 năm (2005-2022) mới đoạn tuyệt với độc quyền? Câu hỏi gay gắt này được các đại biểu Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương và cũng là câu hỏi được giới chuyên gia kinh tế, giới doanh nghiệp đặt ra từ lâu.

Bộ trưởng Công Thương thừa nhận trách nhiệm để độc quyền điện kéo dài quá lâu làm ảnh hưởng đến kinh tế, đặc biệt là quyền lợi người tiêu dùng. Ông cũng giải thích đã cố gắng rút ngắn “con đường” độc quyền. Cụ thể, từ tháng 7 tới bắt đầu có thị trường phát điện cạnh tranh, đến năm 2014 có thị trường buôn bán điện cạnh tranh. Nhưng phải tới năm 2022 mới có thị trường bán lẻ điện cạnh tranh. Vì sao phải mất nhiều thời gian như vậy, trong khi điện là một mặt hàng đặc biệt, càng để lâu càng bất lợi cho nền kinh tế, càng thiệt thòi cho người dân?

Ông Bộ trưởng “thanh minh”, rút ngắn lộ trình là không đơn giản, bởi phụ thuộc nhiều điều kiện. Mỗi lần “động” đến giá điện, lập tức dư luận lại phản ứng dữ dội. Giá điện chỉ là bề nổi của “tảng băng” độc quyền. Ngay trong báo cáo tổng kết việc thi hành Luật Điện lực cũng như quá trình sửa đổi luật này, chỉ thấy ý kiến của cơ quan Nhà nước, các doanh nghiệp trong ngành điện, không hề có đánh giá về ý kiến của những đối tượng sử dụng điện.

Rõ ràng sự độc quyền “tự nhiên” đến mức coi người tiêu dùng là thứ yếu, nếu không muốn nói là bị gạt ra ngoài lề. Bằng chứng hiển nhiên là, dự thảo sửa đổi, bổ sung 13 khoản trong 10 điều, song vẫn không hề có quy định các điều kiện cụ thể đảm bảo quyền bình đẳng và nghĩa vụ giữa người bán điện và người mua điện. Thử nhìn các hợp đồng mua bán điện là thấy ngay sự không công bằng. Một bên muốn làm gì thì làm, một bên giá bao nhiêu phải trải bấy nhiêu. Không thể tồn tại dai dẳng kiểu thị trường “xin-cho”, bên bán độc quyền, tùy tiện, không đảm bảo nguồn cung điện ổn định, gây thiệt hại kinh tế, tài chính cho doanh nghiệp và đời sống của người dân. 

Nói thay nỗi bức xúc của cử tri, một đại biểu Quốc hội Hà Nội thẳng thắn phát biểu, giá điện chỉ thấy tăng lên mà không bao giờ giảm. Nếu còn độc quyền sẽ chẳng biết đến khi nào mới có sự bình đẳng giữa người mua và người bán, càng không bao giờ có chuyện giảm giá. 

Thật khó có ngành nào “tự nguyện” xóa bỏ độc quyền, nếu Nhà nước không kiểm soát chặt chẽ giá cả, yếu tố đầu vào, nhất là không minh bạch các loại giá, các loại phí và chuyển phí thành giá. Độc quyền điện quá lâu, độ minh bạch còn chưa cao, thì giá điện chỉ có tăng mà không giảm, ngay cả khi giá đầu vào giảm.