- Cái kết buồn của sàn giao dịch thương mại điện tử
- Lộ diện những thỏa thuận ngầm
- BigC khẳng định không thuộc sở hữu của ông chủ Trung Quốc
Mặc dù chưa ra mắt chính thức nhưng Miniso đang là thương hiệu được nhắc đến khá nhiều trên thị trường bán lẻ, khi công bố bước vào Việt Nam thông qua việc nhượng quyền thương hiệu với tập đoàn Lê Bảo Minh. Công ty Miniso do một người Nhật thành lập song tập đoàn Trung Quốc đứng sau quản lý cả thương hiệu và kinh doanh.
Trước đó, hồi tháng 4-2016, tập đoàn thương mại điện tử Alibaba lớn nhất Trung Quốc đã chi ra 1 tỷ USD để kiểm soát trang bán hàng điện tử Lazada Đông Nam Á, bao gồm cả Việt Nam. Bỏ ra một số tiền lớn như vậy chứng tỏ Alibaba quyết tâm lấn chiếm và mở rộng kinh doanh. Nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực thương mại điện tử cảnh báo, với thế mạnh nguồn tài chính hùng mạnh từ Alibaba, Lazada tại Việt Nam sẽ giành được nhiều khách hàng hơn nhờ việc quảng cáo mạnh hơn, đồng nghĩa với việc lượng hàng khổng lồ từ Trung Quốc, nhất là các sản phẩm điện tử gia dụng, hàng thời trang sẽ “đổ bộ” thị trường Việt Nam.
Theo công bố của Ủy ban Chứng khoán Mỹ, Alibaba đã vượt mặt Walmart để trở thành nhà bán lẻ lớn nhất thế giới. Rõ ràng làn sóng các tập đoàn bán lẻ nước ngoài đã đến ngay trước cửa, trong khi hệ thống cửa hàng mini mang thương hiệu Việt đang bị dồn sát chân tường, buộc phải đóng cửa hay bán lại cho các “đại gia” ngoại. Số còn lại trụ được trên thương trường chỉ còn dăm thương hiệu, hoặc một số công ty thương mại điện tử dù đã có từ hơn 10 năm trước mà vẫn bị Lazada vượt mặt.
Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội nhấn mạnh rằng, người tiêu dùng Việt Nam không bài xích hàng ngoại mà chỉ sợ hàng nhái, hàng kém chất lượng theo chân các hệ thống bán lẻ, bán hàng qua mạng tràn vào thị trường nội địa. Người tiêu dùng Việt đang bị bủa vây bởi hàng loạt thương hiệu từ nước ngoài, trong khi các doanh nghiệp trong nước chuyển mình khá chậm, vô hình trung “bỏ rơi” người tiêu dùng, “bỏ quên” thị trường.
Chắc chắn tỷ lệ hàng Trung Quốc sẽ gia tăng cùng với sự xuất hiện ồ ạt của các tập đoàn bán lẻ nước này. Tới đây, các doanh nghiệp Việt sẽ phải cạnh tranh khốc liệt với nhiều hàng hóa Trung Quốc tại các cửa hàng sang trọng ngay ở các thành phố lớn, chưa kể thị trường nông thôn còn khá mênh mông. Nếu thế, cũng không thể mãi hô hào suông: “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt”. Điều sống còn là doanh nghiệp trong nước phải tìm ra hướng khác biệt về mẫu mã, dịch vụ, đặc biệt phải cung cấp cho người dân sản phẩm có chất lượng tương xứng với đồng tiền mà họ bỏ ra. Lấy được niềm tin của người tiêu dùng thì không lo họ quay lưng, ngoảnh mặt với hàng “Made in Vietnam”.