Người tiêu dùng cần hiểu rõ quyền và trách nhiệm của mình

(ANTĐ) - Trong quan hệ giao dịch, người tiêu dùng thường đứng ở thế yếu, nhiều khi bất bình nhưng chưa biết cách bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình.

Người tiêu dùng cần hiểu rõ quyền và trách nhiệm của mình

(ANTĐ) - Trong quan hệ giao dịch, người tiêu dùng thường đứng ở thế yếu, nhiều khi bất bình nhưng chưa biết cách bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình.

Theo ông Đỗ Gia Phan - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký , Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (VINASTAS) cho biết: “Trong những năm gần đây, người tiêu dùng (NTD) đến khiếu nại với văn phòng Hội nhiều hơn, khoảng 300-400 người/năm. Con số này là quá khiêm tốn nhưng cũng phản ánh phần nào sự tiến bộ trong nhận thức của người dân.

Thực phẩm là sản phẩm người tiêu dùng khó nhận biết nhất nếu có chất gây hại (Ảnh minh họa)
Thực phẩm là sản phẩm người tiêu dùng khó nhận biết nhất nếu có chất gây hại (Ảnh minh họa)

Tuy vậy, bản thân NTD vẫn chưa nhận thức đầy đủ quyền và trách nhiệm của mình, trong đó có quyền lựa chọn hàng hóa, dịch vụ, quyền được cung cấp các thông tin trung thực, được đảm bảo an toàn về tính mạng, sức khỏe và môi trường, quyền đòi bồi thường thiệt hại và quyền khởi kiện…và trách nhiệm tự bảo vệ mình, phát hiện, tố cáo các hành vi gian dối về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng nhãn hiệu hàng hóa, giá cả và các hành vi lừa dối khác…

Trong Điều 630-BLDS về: Bồi thường thiệt hại do vi phạm quyền lợi của người tiêu dùng đã ghi rõ: “Cá nhân, pháp nhân, chủ thể khác sản xuất, kinh doanh không đảm bảo chất lượng hàng hóa mà gây thiệt hại cho người tiêu dùng thì phải bồi thường”. Luật sư Nguyễn Thị Hằng Nga - Văn phòng Luật sư  Hằng Nga cho rằng: “NTD nên nhận thức rõ trách nhiệm và quyền lợi chính đáng của mình.

Trong trường hợp xảy ra thiệt hại NTD nên làm đơn đến cơ quan, Nhà nước có thẩm quyền để khiếu nại và các cơ quan chức năng cũng nên giải quyết dứt điểm nhanh chóng để đảm bảo quyền lợi cho NTD. Và có thể nâng cao các chế tài xử phạt để răn đe các nhà sản xuất bất chính, tạo sự tiến bộ và công bằng trong xã hội”.

Theo ông Phan thì: “NTD nên khiếu nại nếu có thiệt hại xảy ra. Tuy nhiên, chỉ đến khi có những vụ việc bức xúc hoặc động chạm trực tiếp đến quyền lợi cá nhân thì NTD mới nhờ đến cơ quan có chức năng. Ví dụ: khi mua phải một tivi giả, NTD đến khiếu nại ngay. Nhưng khi mua một hộp kem đánh răng giả họ lại dễ dàng bỏ qua. Xét về mặt thiệt hại, thì hộp kem đánh răng giả NTD sử dụng hàng ngày hơn nữa trong đó có chứa rất nhiều những thành phần gây hại ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe cho NTD. Như vậy tính thiệt hại và mức độ nghiêm trọng của nó cao hơn gấp nhiều lần với một tivi giả. Song, do ý thức xã hội chưa cao nên người dân không quan tâm đến vấn đề này…

NTD là tất cả mọi người, là số đông trong xã hội nhưng khi kiện tụng thì chủ yếu họ lại hành động đơn lẻ do họ chưa có ý thức và hiểu rõ sức mạnh của mình. Ví dụ: thấy giá sữa tăng, NTD có thể không mua. Khi không có cầu thì không có cung. Cầu giảm thì cung giảm theo. Như vậy bắt buộc nhà sản xuất phải giảm giá sữa nếu muốn NTD mua hàng. Tuy nhiên điều này chưa có tiền lệ ở Việt Nam.

Không xa đất nước chúng ta, ở Trung Quốc đã có thời điểm người dân Trung Quốc tẩy chay hàng Nhật. Điều này thể hiện sức mạnh NTD. Nếu NTD Việt Nam tập hợp thành những tổ chức để bảo vệ quyền lợi của mình thì các doanh nghiệp làm ăn kiểu “chụp giật” sẽ không có chỗ đứng trên thị trường.

Bên cạnh các doanh nghiệp làm ăn chân chính, tôn trọng khách hàng với những hoạt động thiết thực như chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến mẫu mã, hạ giá thành, coi trọng công tác hậu mãi, bảo hành sản phẩm…thì vẫn còn nhiều hiện tượng tiêu cực như làm hàng giả, quảng cáo gây nhầm lẫn, quảng cáo gian dối, từ chối bảo hành, thoái thác trách nhiệm đối với hàng hóa và dịch vụ của mình.

 8 quyền của người tiêu dùng được Chính phủ và LHQ công nhận

1- Quyền được thỏa mãn những nhu cầu cơ bản
2- Quyền được an toàn
3- Quyền được thông tin
4- Quyền được lựa chọn
5- Quyền được lắng nghe
6- Quyền được bồi thường
7- Quyền được giáo dục về tiêu dùng
8- Quyền được có môi trường lành mạnh và bền vững.

Những sản phẩm hàng hóa kém chất lượng có chất gây hại đe dọa tính mạng và sức khỏe của con người, gây tổn thất về mặt tinh thần kéo dài thì theo nguyên tắc của BLDS có kèm theo bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng đó là thiệt hại về mặt tinh thần. Tuy nhiên vấn đề này vẫn chưa được NTD quan tâm thậm chí bỏ qua quyền lợi hết sức quan trọng này.

Về phía mình, NTD nên có ý thức, hiểu biết, bản lĩnh tự bảo vệ mình và phải có kỹ năng tiêu dùng nhất định. Phải tự bảo vệ mình trước đừng để đến khi xảy ra hậu quả rồi mới khiếu nại.  NTD có thể làm đơn khiếu nại đến các cơ quan, tổ chức đứng ra bảo vệ quyền lợi của mình như : Ban bảo vệ NTD của Cục Quản lý cạnh tranh thuộc Bộ Thương mại hay Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ NTD Việt Nam. 

Khi đất nước ta đã trở thành thành viên của  WTO thì vấn đề bảo vệ quyền lợi NTD nên cần được coi trọng để ngăn chặn các hành vi bất hợp pháp gây ảnh hưởng xấu đến quyền lợi NTD. Trong tương lai Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng sẽ là hành lang pháp lý để NTD nhận thức rõ ràng hơn quyền lợi và trách nhiệm của mình.

Ngọc Hân