Người tiêu dùng cần được bảo vệ trước tin đồn

ANTĐ - Nhờ sự phát triển của Công nghệ thông tin, việc chia sẻ thông tin cũng trở nên dễ dàng và nhanh chóng, nhưng nếu người dùng không khéo léo và tỉnh táo lựa chọn thông tin thì có thể dẫn đến việc “vô tình tiếp tay” cho những thông tin thất thiệt bùng phát, kéo theo hậu quả là chính người tiêu dùng cũng trở thành nạn nhân của những tin đồn này. Câu hỏi đặt ra là bản thân mỗi chúng ta, với tư cách là người tiêu dùng, đã biết tìm cho mình nguồn tin xác thực chưa? 

Hiện nay, mỗi ngày chúng ta có thể tiếp cận nhiều thông tin từ các nguồn khác nhau, từ báo đài chính thống cho đến các trang mạng, diễn đàn, chia sẻ mạng xã hội... Đáng tiếc là, không phải tất cả thông tin đều đúng và chính xác, có những tin tức chưa được kiểm chứng và xác thực từ cơ quan chức năng và còn có cả những tin đồn truyền miệng, xuất phát từ ý kiến đơn lẻ của cá nhân nào đó dẫn đến sự rối loạn về thông tin.

 

Gần đây nhất, tin đồn thất thiệt có đỉa trong sữa hoặc sinh vật lạ trong mì tôm nhãn hiệu “3 Miền” ở thôn Đông Đoài, xã Thạch Hạ, TP. Hà Tĩnh khiến dư luận lo ngại. Dù Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã khẳng định thông tin này là vô căn cứ và không thể xảy ra nhưng tin đồn thất thiệt về mì tôm thì hầu như năm nào cũng có. Ngay khi có tin đồn, Chi cục An toàn thực phẩm tỉnh Hà Tĩnh phối hợp với Chi cục Quản lý thị trường lấy mẫu mì gửi đến Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia xác minh thông tin. Kết quả khẳng định sản phẩm mì “3 Miền” không thể có sinh vật lạ, đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm theo quy định của Bộ Y tế. Chi cục An toàn thực phẩm Hà Tĩnh cũng xác nhận “sinh vật lạ” được phát hiện trên nền nhà là sán dây xuất phát từ chó mèo… nuôi trong gia đình, đã xâm nhập từ môi trường bên ngoài do sự bất cẩn trong quá trình gia đình sử dụng. 

Dù rằng vấn đề nhanh chóng có sự kiểm nghiệm và xác minh của cơ quan chức năng, tuy nhiên, việc các thông tin thất thiệt lan truyền nhanh chóng trong cộng đồng mạng đã khiến cho hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng. Một đồn mười, mười đồn trăm, một trăm lời đồn là một trăm lẻ một câu chuyện “cải biên” đến chóng mặt... làm đảo lộn đời sống xã hội. Đây là sự tác động dây chuyền mà đôi lúc chính bản thân người trong cuộc cũng không thể nhận thức được mình đang ở ngoài hay trong vòng thông tin lan tỏa đó, khiến cho bản thân và người xung quanh hoang mang, tỏ ra lo lắng, bất an, không dám sử dụng sản phẩm. 

Theo bà Lê Thị Hồng Hảo - Phó viện trưởng Viện Kiểm nghiệm VSATTP quốc gia cho biết: “Để đưa ra một sản phẩm đạt chất lượng, doanh nghiệp phải sản xuất theo quy trình được kiểm soát, đánh giá và cho phép của cơ quan chức năng. Do vậy, để đảm bảo sức khỏe chúng tôi vẫn hay khuyến cáo người tiêu dùng cần tăng cường các biện pháp vệ sinh môi trường; không ăn đồ tái hoặc sống, chưa nấu chín; thực hiện ăn chín, uống chín; nên bảo quản để bát, đũa và thực phẩm chín không bị hư, rách hoặc sinh vật lạ tấn công; ăn uống nơi khô thoáng và sạch sẽ, ngồi ăn uống trên bàn cao cách xa nền nhà”. 

Ngoài ra, để tránh bị thiệt thòi, bất an trước tin đồn, trên hết người tiêu dùng cần xác minh nguồn gốc xác thực của thông tin khi tiếp xúc và phải kiên nhẫn chờ đợi sự xác nhận từ cơ quan chức năng có thẩm quyền trước khi có phản ứng và hành động. Như thế, một mặt vừa giúp bản thân chúng ta luôn sống trong sự tĩnh tâm, cũng tránh được việc lầm tin người khác hoặc bị lợi dụng tiếp tay lan truyền thông tin thất thiệt mà tự đánh mất đi cơ hội được tin tưởng và lựa chọn những hàng hóa của các thương hiệu uy tín và an toàn. Hành động này cũng là một bước đi cẩn trọng để hạn chế sự âu lo cho bản thân, gia đình, cộng đồng và còn góp phần giúp cơ quan chức năng quản lý hoạt động bình ổn thị trường và kinh tế xã hội tốt hơn.