Người tiêm vaccine Covid-19 cần lưu ý gì?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, nhiều người đang chờ đợi đến lượt được tiêm vaccine ngừa Covid-19. Vậy chúng ta nên làm gì nếu quyết định đi tiêm chủng ngừa căn bệnh này?

Lưu ý trước khi tiêm

Cũng như tất cả các vaccine khác, vaccine phòng Covid-19 khi đưa vào cơ thể cũng có thể xảy ra phản ứng nghiêm trọng như phản ứng sốc (trong vòng 30 phút sau tiêm hoặc phản ứng quá mẫn muộn trong 1 đến 2 ngày đầu sau tiêm). Vì thế, ngoài các quy định bảo đảm an toàn tiêm chủng, đối tượng tiêm sẽ được khám sàng lọc cẩn thận trước khi tiêm.

Ðể bảo đảm an toàn tiêm chủng, người tham gia tiêm chủng cần có sự chuẩn bị trước khi đi tiêm như tự đánh giá nguy cơ bản thân, nếu có nguy cơ mắc Covid-19 cần xét nghiệm để bảo đảm không bị nhiễm virus. Nếu có bất cứ triệu chứng nào như sốt hoặc triệu chứng nhiễm trùng, cần thông báo cho nhân viên y tế và không đến điểm tiêm chủng. Ngoài ra, nếu là người mắc các bệnh lý nền nặng hoặc tiến triển, cần điều trị ổn định trước khi đi tiêm chủng bởi rất dễ xảy ra trùng hợp ngẫu nhiên và có thể cho rằng nguyên nhân là do tiêm chủng. Tại thời điểm đi tiêm, người tham gia tiêm chủng cần thông báo đầy đủ cho y, bác sĩ về tình trạng sức khỏe của bản thân bao gồm tiền sử bệnh tật, tiền sử dị ứng với bất cứ tác nhân nào.

Những người có biểu hiện sau sẽ thuộc nhóm trì hoãn tiêm chủng: Đang mắc bệnh cấp tính; Phụ nữ đang mang thai và nuôi con bằng sữa mẹ; Người bị suy giảm miễn dịch, ung thư giai đoạn cuối; Trong 14 ngày trước có điều trị corticoid liều cao hoặc điều trị hóa trị, xạ trị; Tiêm vaccine khác trong 14 ngày trước; Đã mắc Covid-19 trong vòng 6 tháng; Người trên 65 tuổi; Giảm tiểu cầu và rối loạn đông máu.

Bệnh lý phải cẩn trọng khi tiêm chủng vaccine Covid-19: Người có tiền sử dị ứng; Người có bệnh nền nặng, bệnh mãn tính chưa được điều trị ổn định; Người mất tri giác, mất năng lực hành vi; Người mắc bệnh mãn tính có dấu hiệu bất thường dấu hiệu sống (mạch, huyết áp, nhịp thở...).

Lưu ý trong khi tiêm

Trong buổi tiêm, cần tuân thủ các quy định theo hướng dẫn của cán bộ y tế, đeo khẩu trang, tránh chạm vào các vị trí công cộng; phối hợp cùng cán bộ tiêm chủng kiểm tra nhãn lọ nếu được yêu cầu… Cung cấp đầy đủ thông tin khi được yêu cầu và kiểm tra lại phiếu xác nhận tiêm chủng khi được trao lại.

Tuân thủ các khuyến cáo về an toàn phòng dịch tại cơ sở tiêm chủng, như giãn cách xã hội và đeo khẩu trang trong lúc chờ đợi. Thông báo cho nhân viên y tế biết về tình trạng sức khỏe, các vấn đề như mang thai hay hệ miễn dịch kém. Bạn sẽ được nhận một tấm phiếu tiêm chủng trong đó ghi rõ bạn được tiêm loại vaccine nào, tiêm khi nào, và tiêm ở đâu.

Lưu ý sau khi tiêm

Sau khi tiêm xong, cần ở lại điểm tiêm chủng để được cán bộ y tế tư vấn và theo dõi ít nhất 30 phút. Thông báo ngay cho cán bộ y tế nếu thấy có bất thường xảy ra với cơ thể. Lưu ý các dấu hiệu khó chịu, buồn nôn, phát ban, sưng tại chỗ tiêm có thể là các biểu hiện của phản ứng dị ứng. Sau khi về nhà, người được tiêm chủng cần theo dõi sức khỏe bản thân ít nhất hai ngày. Những điểm cần lưu ý bao gồm các dấu hiệu tại chỗ như sưng, nóng, đỏ tại nơi tiêm.

Theo dõi thân nhiệt, cặp nhiệt độ khi sốt, sử dụng thuốc hạ sốt đúng liều lượng và theo dõi đáp ứng với thuốc hạ sốt. Nếu phát hiện bất thường về sức khỏe, phải báo ngay cho nhân viên y tế để được tư vấn và xử lý kịp thời. Các dấu hiệu nguy cơ bao gồm: sốt cao trên 39 độ C, khó hạ nhiệt độ, hoặc sốt kéo dài hơn 24 giờ; co giật; phát ban; tinh thần khó chịu, kích thích vật vã, lừ đừ...; khó thở hoặc khi có biểu hiện bất thường khác về sức khỏe, cần đến ngay cơ sở y tế.

Phiếu xác nhận tiêm chủng cần được lưu giữ cẩn thận và mang đến điểm tiêm khi đi tiêm mũi tiếp theo. Mặc dù những phản ứng có thể xảy ra khi tiêm vaccine phòng Covid-19 không phổ biến, nhưng với đối tượng được tiêm lại là người có bệnh lý nền thì việc cẩn trọng trong giám sát sức khỏe là hết sức cần thiết, để tránh những rủi ro. Mọi thông tin về sức khỏe sau tiêm cần cung cấp cho cán bộ y tế.