Người thương binh viết cuộc đời bằng đôi chân

ANTĐ - Từ những đường kim mũi chỉ, đến việc nấu cơm, giặt quần áo… đều được bà làm thuần thục bằng đôi chân hết sức khéo léo. Bà được mọi người trong vùng đặt cho biệt danh, người đàn bà có “đôi chân kỳ diệu”. Đó là bà Phạm Thị Minh Thao người thương binh 1/4 hiện đang sống ở Trung tâm điều dưỡng thương binh huyện Duy Tiên - Hà Nam.

Người thương binh viết cuộc đời bằng đôi chân ảnh 1Quét nhà bằng chân là việc làm thường ngày của bà Thao

Dâng hiến tuổi xuân

Sinh ra trong một gia đình nông dân, lại đông anh em, từ nhỏ cô bé Phạm Thị Minh Thao đã chịu nhiều bất hạnh. Khi lên 3 tuổi cha cô mắc bệnh hiểm nghèo và đã qua đời. Mẹ cô thường xuyên đau ốm, nên Thao phải tự làm những công việc nặng nhọc để thay mẹ chăm sóc các em. Năm 17 tuổi cô thiếu nữ Phạm Thị Minh Thao tham gia giao liên, rồi làm nữ du kích đánh Pháp tại xã Thái Hồng (Thái Thụy, Thái Bình).

Người nữ thương binh tâm sự, quãng thời gian được tham gia làm nhiệm vụ đánh Pháp  là quãng thời gian đẹp nhất của mình. Bà thấy tự hào vì đã làm được một phần trong lời dạy của Bác Hồ đối với thế hệ trẻ lúc bấy giờ: “Các vua Hùng đã có công dựng nước. Bác cháu ta cùng nhau phải cùng nhau giữ lấy nước”. Với sức trẻ của tuổi thanh xuân cùng bản tính nhanh nhẹn, cô du kích Thao luôn hoàn thành nhiệm vụ quan trọng do cấp trên giao phó. Nhưng rồi trong một lần làm giao liên cho bộ đội ta, đoàn công tác không may bị địch phát hiện và càn quét dữ dội, nữ du kích Phạm Thị Minh Thao bị thương nặng. Bà Thao nhớ lại: “Khi đó hai cánh tay của tôi bị trúng đạn, vì ở sâu trong căn cứ nên 2 tháng sau đồng đội mới đưa tôi về vùng tự do để cấp cứu. Tuy nhiên vì vết thương bị nhiễm trùng nặng, đã hoại tử nên buộc phải cắt bỏ. Sau đó tôi được chuyển về trại thương binh trong Thanh Hoá rồi chuyển về trung tâm điều dưỡng thương binh Duy Tiên”. 

Thời gian đầu sống ở Trung tâm cũng là quãng thời gian thử thách lớn đối với bà. Bà Thao kể: “Với lứa tuổi thanh niên đang còn hừng hực sức xuân, bị mất đi hai cánh tay tưởng chừng như cuộc đời tôi đã hết, nhiều lúc tôi mặc cảm với thân phận mình, muốn xa lánh mọi người để quên đi những bất hạnh của cuộc đời mình”.

Câu chuyện của người thương binh bỗng gián đoạn khi trên gương mặt của bà hai dòng nước mắt lăn dài trên gò má, mái đầu bạc trắng rung lên vì xúc động. Bà nói: “Chỉ khi vào hoàn cảnh đó mới hiểu được nỗi khổ của người con gái, bất cứ việc gì cũng cần phải có người giúp đỡ, nên dần mình cũng phải tự tập làm chứ không thể nhờ mọi người mãi được…”. Kể từ đó, hàng đêm khi mọi người ở trung tâm chìm sâu vào giấc ngủ, một mình bà lại cặm cụi dùng đôi chân kẹp bút chì để tập viết. Bà kể: “Những ngày đầu, nét bút di chuyển còn nguệch ngoạc trên mặt giấy, nhiều khi cáu gắt muốn xé toạc cả tờ giấy đi. Nhưng rồi cây bút cũng dần nghe theo sự điều khiển của đôi chân của mình. Nét chữ dần được thuần thục lá thư đầu tiên tôi gửi bạn bè tuy còn xiên xẹo, cũng bắt đầu hình thành được đường nét, bạn bè nhận thư rồi hồi âm lại tôi vui lắm”. 

Viết được bằng chân, bà lại nhờ người buộc bút chì vào đầu cánh tay cụt để tập viết. Từ dạo đó trong đầu bà lại nảy ra một sáng kiến chế tạo một dụng cụ dùng để gắn vào tay, vừa để cài bút viết vừa để cài thìa ăn cơm. Bà đã đi bộ hơn chục cây số vào tận thị xã Phủ Lý để nhờ người làm đúng như ý muốn của mình. Mấy ngày sau khi dụng cụ đặc biệt ấy được hoàn thành, bà đem theo một cặp lồng cơm để thử. Bà kể lại: “Khi gắn thìa ăn cơm vào cái vòng này thì chiếc thìa hắt cơm vung vãi, cứ như không phải là cánh tay của tôi nữa, nhưng dần rồi cũng thành quen. Nhưng khó nhất vẫn là tập khâu vá, để có thể tự may vá cho mình những bộ quần áo, đêm đêm, tôi tập xỏ kim chỉ, đến nỗi bị kim đâm chảy cả máu chân. Cứ thế, với quyết tâm mình sẽ có thể khâu vá được nên chỉ sau 3 tháng tôi đã có thể tự mình cắt may, khâu vá, tự xỏ kim bằng chính đôi chân của mình, trước sự bất ngờ của mọi người xung quanh”.

Sinh con ra mà không một lần được ẵm

Vốn là cô gái khá xinh đẹp, nên dù đã mất đi đôi cánh tay nhưng trong trung tâm có rất nhiều người để ý theo đuổi người nữ thương binh này. Bà Thao bồi hồi nhớ lại: “Những ngày đầu khi có người đến tìm hiểu, tôi cũng muốn lắm nhưng rồi lại sợ họ chỉ thương hại mình. Vì thế tôi thường lảng tránh những ánh mắt, sự quan tâm đặc biệt của những người khác giới”. Tuy nhiên, trong một lần gặp anh Nguyễn Văn Lung quê ở Vĩnh Long đã làm cho trái tim người phụ nữ trẻ ấy phải thay đổi bởi sự chân thành của người thương binh vùng Nam bộ.

Được sự động viên của bạn bè và anh em thương binh, năm 1966 một đám cưới đơn sơ nhưng chan chứa tình yêu thương cũng đã được tổ chức ngay tại Trung tâm điều dưỡng Duy Tiên. Niềm vui đan xen với bao nỗi lo của mọi người, về cuộc sống phía trước của người đàn bà cụt cả hai tay làm vợ một anh thương binh hạng ¼ suốt ngày đau yếu. Tuy nhiên, nhờ sự chia sẻ của mọi người trong Trung tâm cuộc sống của đôi vợ chồng đặc biệt này cũng đỡ vất vả hơn. Bà Thao không chỉ tự mình dọn dẹp nhà cửa, giặt quần áo, nấu cơm cho chồng mà còn tăng gia sản xuất làm rau, nuôi gà, lợn để cải thiện cuộc sống cho gia đình. Mọi công việc bà đều làm bằng đôi chân khéo léo của mình để người chồng đau yếu đỡ đi phần lo lắng. 

Có lẽ ông trời cũng thấu hiểu được nỗi lòng của người đàn bà đó, khi ban tặng cho vợ chồng bà một món quà quý giá. Năm 1968 cậu con trai Nguyễn Vĩnh Thái được sinh ra trong niềm vui của cả trung tâm. Kể từ khi có cậu con trai, hàng ngày bà vẫn tự mình giặt giũ quần áo tã lót, cho con. Cũng vì thế mà chuyện sẩy chân khi làm việc diễn ra như cơm bữa, nhiều lần bà làm cả trung tâm hoảng hồn vì đang giặt thị bị… ngã nhào xuống cầu ao. Dù đã làm mẹ nhưng có một nỗi niềm luôn khiến bà Thao day dứt, đó là sinh con ra nhưng chưa một lần bà được bế bồng con.  Tuy trong nỗi đau về thể xác vì cứ mỗi khi trời trở gió đôi tay của bà lại tái phát, nhức nhối cả đêm nhưng bà có quyền tự hào về đứa con của mình. Có lẽ vì học được nghị lực của mẹ mà con trai của bà đã rất thành đạt. Giờ cậu con trai Vĩnh Thái đã trưởng thành, có gia đình riêng sinh sống tại CHLB Đức. Niềm vui ấy đã xua đi một phần nỗi đau trong lòng người mẹ.

Cách đây không lâu, người chồng yêu quý của bà đã đi xa. Hiện bà đang  một mình đi tiếp con đường phía trước nhưng lúc nào bà cũng thể hiện sự tự tin, lạc quan trong cuộc sống. Ông Nguyễn Khắc Dư, phó Giám đốc trung tâm điều dưỡng thương binh Duy Tiên, Hà Nam chia sẻ: “Bà Thao không chỉ là một thương binh có nhiều cố gắng để vượt lên số phận mà còn có nhiều đóng góp để xây dựng sự đoàn kết, góp ý để ban lãnh đạo Trung tâm rút kinh nghiệm, quan tâm đến đời sống anh em thương binh hơn nữa”.