Người thương binh và chuyện không có trong sách vở

ANTD.VN - Là thương binh hạng A (4/4), Thiếu tá Nguyễn Văn Thới (SN 1977), Đội trưởng Đội CSĐT tội phạm về ma túy, Công an huyện Sóc Sơn, Hà Nội vẫn ngày ngày sát sao công việc, trực tiếp chỉ đạo và tham gia vào những chuyên án lớn. Khi nhớ lại ký ức bị thương năm xưa, anh bảo, nhớ nhất không phải là vết thương làm tổn hại thân thể mình, mà lại là câu chuyện… “bỗng dưng thích đội mũ len”.

Người thương binh và chuyện không có trong sách vở ảnh 1Việc chuẩn bị trang bị, vũ khí trước giờ đánh án được thiếu tá Nguyễn Văn Thới và các đồng đội thực hiện rất cẩn trọng

Đội mũ len để giấu vợ vết thương

Tôi hẹn gặp Thiếu tá Nguyễn Văn Thới vào ngày cuối tuần. Anh Thới kể, khi mới bắt đầu làm công an, anh có 5 năm công tác tại trại giam, rồi 11 năm liền làm Cảnh sát Hình sự tại Công an huyện Sóc Sơn. Tháng 5-2015, anh được chuyển sang Đội CSĐT tội phạm về ma túy của Công an huyện và giờ anh đang giữ cương vị Đội trưởng. 

Khi nói về vụ việc từng khiến anh bị thương và trở thành thương binh, anh bảo, điều anh nhớ nhất không phải là cú bị ném gạch vào đầu gây thương tích ấy, mà là khi bị thương rơi vào thời điểm rất đặc biệt. “Khi ấy là đầu năm 2006, vợ tôi vừa sinh con đầu lòng, vẫn đang ở cữ. Tôi đang là Cảnh sát Hình sự, trong ca trực buổi tối, có tin báo từ người dân nói rằng bị cướp xe máy ở thôn Dược Thượng, xã Tiên Dược, huyện Sóc Sơn. Khi xác minh mới phát hiện ra rằng, người đó đi đánh bạc, do mâu thuẫn trong sới bạc mà bị giữ xe máy lại”, Thiếu tá Nguyễn Văn Thới nhớ lại vụ việc. Sau đó, sới bạc đã giải tán và các trinh sát xác định được chiếc xe của người tố cáo ở đó nên yêu cầu đưa xe về trụ sở cơ quan công an và mời những người liên quan lên để xác minh. 

Ban đầu, những đối tượng tại sới bạc chấp hành yêu cầu, nhưng sau đó, một số đối tượng cầm theo gậy gộc, gạch đá để tấn công tổ công tác. Trong lúc chống đỡ, một đối tượng manh động cầm đòn gánh xông thẳng vào các trinh sát. Anh Thới đã lập tức khống chế đối tượng này, bảo vệ đồng đội. Tuy nhiên, đúng lúc đó, anh bị ném một viên gạch lớn vào đầu, chảy rất nhiều máu.

Sau đó, anh Thới được đưa đi cấp cứu, với mức độ thương tật 23,5%, thương binh hạng A (4/4). Vì sợ vợ mình lo lắng, ảnh hưởng tới sức khỏe trong thời gian ở cữ, anh Thới đã cố tình đội mũ len kín mít, để che đi vết băng đầu.

“Nhưng chẳng giấu được lâu, vì vợ quá rõ tính tôi chẳng bao giờ đội mũ len, dù có lạnh tới đâu. Thế là cô ấy cứ gặng hỏi, cuối cùng tôi đành phải nói thật. Đó quả là ký ức khó quên trong đời lính”, anh Thới chia sẻ.

Cảm hóa đối tượng bằng “chất” nhân văn

Từng 11 năm làm cảnh sát hình sự, trước khi chuyển sang mảng điều tra tội phạm về ma túy, Thiếu tá Nguyễn Văn Thới có nhiều kỷ niệm.

Đầu năm 2017, Đội CSĐT tội phạm về ma túy - CAH Sóc Sơn đã bắt Nguyễn Đình Sáng (SN 1964, trú tại thôn Hương Linh, xã Hồng Kỳ, huyện Sóc Sơn), có 2 tiền án về ma túy.

Sau khi ra tù, Sáng sống hoàn toàn tách biệt với mọi người xung quanh. Trong khi đó, theo các nguồn tin cơ sở, đối tượng Sáng vẫn lén lút vận chuyển “hàng” từ Sơn La về tiêu thụ, trực tiếp đi qua địa bàn huyện.

Với quyết tâm bắt giữ đối tượng tinh vi này, Thiếu tá Thới cùng đồng đội đã phải  theo dõi nhiều ngày xung quanh nhà tên Sáng, để chờ thời cơ bắt quả tang.

Thời cơ xuất hiện khi đối tượng Sáng đặt xe đi Sơn La lấy hàng. Trong quá trình bám sát xe khách chở đối tượng Sáng, Thiếu tá Thới liên tục tính toán các khả năng có thể xảy ra, để đảm bảo việc bắt giữ thành công.

Đúng như dự đoán, việc bắt giữ tên Sáng được thực hiện rất mau lẹ, chuẩn xác. Tuy nhiên, khi khám hành lý, tư trang lực lượng công an đã không thể tìm ra ma túy. Trong khi đó, đối tượng này kiên quyết không khai nhận.

“Ngay sau khi khám xét, chúng tôi phải lấy dây chun buộc ống quần nghi phạm lại để tránh phi tang ma túy, rồi chở hắn đến thẳng Bệnh viện Đa khoa Sóc Sơn. Tại đây, sau khi chụp X-quang, các bác sĩ đã phát hiện dị vật ở trong hậu môn đối tượng, nhưng hắn vẫn không nhận. Cuối cùng, bằng vài thủ thuật chuyên môn, các bác sĩ đã lấy được dị vật khỏi cơ thể Sáng, trong đó là 2.300 viên ma túy tổng hợp!”, Thiếu tá Thới cho biết.

Thiếu tá Nguyễn Văn Thới chia sẻ: “Tội phạm cũng là con người. Tôi nghĩ yếu tố nhân văn vẫn rất cần thiết, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Có trường hợp, tôi đã hứa giúp đỡ tội phạm mà pháp luật cho phép, như chuyển lời căn dặn của bị can cho vợ con yên tâm, hay mua quà tặng họ khi ở trong điều kiện thiếu thốn… Những điều xuất phát từ cái tâm đó, đều được họ ghi nhận và chấp nhận hợp tác. Đó thực sự là những thứ không có trong sách vở nghiệp vụ”.

Chia tay Thiếu tá Nguyễn Văn Thới, tôi tin rằng, các anh em trong Đội CSĐT tội phạm về ma túy - CAH Sóc Sơn đã rất may mắn, khi có một người anh, một người chỉ huy tâm lý và bản lĩnh như vậy.