Người thực hiện triển lãm "Mây pha lê" khẳng định không tác động tiêu cực tới di sản

ANTD.VN -Khai mạc vào ngày 19-5, triển lãm sắp đặt nghệ thuật “Mây pha lê – La Pán Tẩn 2018” đã làm dấy lên những luồng ý kiến trong dư luận. Nhiều người chê vì cho rằng phong cảnh Yên Bái tự nhiên tươi đẹp, không cần bất cứ công trình nhân tạo nào can thiệp và lo ngại triển lãm sẽ làm hỏng di tích quốc gia ruộng bậc thang Mù Cang Chải. Nhưng cũng không ít người khen vì triển lãm độc đáo mới mẻ và "không nên ích kỷ trên di sản". PV Báo An ninh Thủ đô đã liên hệ với những người thực hiện dự án để trao đổi xung quanh sự việc.

Người thực hiện triển lãm "Mây pha lê" khẳng định không tác động tiêu cực tới di sản ảnh 1

Triển lãm sắp đặt nghệ thuật “Mây pha lê – La Pán Tẩn 2018”  vừa khai mạc và dự kiến kéo dài đến 5-10-2018 tại "đồi mâm xôi" hiện đang vấp phải nhiều luồng ý kiến từ dư luận (ảnh: Nam Trần)

Tránh tác động tiêu cực lên “đồi mâm xôi”

Chia sẻ với PV Báo An ninh Thủ đô, kiến trúc sư Lê Việt Hà - người tham gia tổ chức triển lãm sắp đặt nghệ thuật “Mây pha lê – La Pán Tẩn 2018” cho biết, triển lãm được thực hiện dựa trên ý tưởng thực hiện một tác phẩm nghệ thuật cảnh quan hướng đến cộng đồng. Do vậy, triển lãm sẽ không thể hình thành nếu không được bà con La Pán Tẩn hưởng ứng, các nghệ sĩ cảnh quan đã kết hợp với bà con tại địa phương để làm nên tác phẩm này.

Kiến trúc sư Lê Việt Hà khẳng định, việc thuyết phục công chúng, du khách nơi khác mở lòng với triển lãm đã khó nhưng đi thuyết phục bà con địa phương đón nhận triển lãm còn khó hơn. Người dân đóng một vai trò quan trọng, nếu không có họ thì triển lãm không thể làm được và không còn ý nghĩa.

Người dân La Pán Tẩn tham gia làm những đám mây pha lê

Theo đó, những người thực hiện “Mây pha lê – La Pán Tẩn 2018” đã chia sẻ với bà con ý tưởng, hướng dẫn họ cùng làm dự án, họ thân thuộc địa hình nên đã hỗ trợ những người thực hiện dự án đưa nguyên vật liệu đến “đồi mâm xôi”.

Ban tổ chức kỳ vọng triển lãm “Mây pha lê – La Pán Tẩn 2018” sẽ làm mới hình ảnh “đồi mâm xôi” trong thời gian ngắn sau đó tháo dỡ. Đồng thời, triển lãm có thể đưa người xem bước vào khu rừng tinh thể lung linh, bay bổng; hứa hẹn là một sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn du khách trong mùa du lịch 2018 của Yên Bái.

Người dân tại La Pán Tẩn canh tác ruộng bậc thang từ tháng 5 đến tháng 10 hằng năm. Trong thời gian từ tháng 10 đến tháng 5 năm sau, người nông dân thiếu việc làm, vì vậy, Ban tổ chức triển lãm “Mây pha lê – La Pán Tẩn 2018” mong muốn có thể hướng dẫn người dân làm gì đó sáng tạo để trong những lúc họ không làm ruộng thì có thể thực hiện trên mảnh đất của họ nhằm gia tăng thu nhập.

Trả lời câu hỏi triển lãm có xâm phạm di tích quốc gia ruộng bậc thang Mù Cang Chải hay không, kiến trúc sư Lê Việt Hà cho biết, Ban tổ chức hiểu được nỗi lo lắng của những người yêu di sản, song triển lãm “Mây pha lê” không xâm phạm vào “đồi mâm xôi” theo nghĩa tiêu cực.

Cụ thể, các đơn vị tỉnh Yên Bái và huyện Mù Cang Chải đều đã họp và thống nhất tổ chức triển lãm, tham khảo ý kiến của những chuyên gia. Theo kiến trúc sư Nguyễn Trần Bắc, nhóm nghệ sĩ sử dụng các cột sắt thép cắm xuống ruộng chứ hông đổ bê tông làm móng, đội làm đã bàn bạc rất kỹ với các kỹ sư từ Mỹ để bảo đảm sau đó hoàn trả 100% nguyên trạng, thậm chí đường đi cũng hoàn toàn bằng gỗ, một chút đinh hay sắt rơi ra cũng được nhặt cẩn thận. Đặc biệt, trong quá trình làm cũng tính toán lót ván và lót các tấm bạt để những sợi thép gắn trên pha lê không bị rơi ra và mời các chủ ruộng tham gia cùng để bảo vệ đồi mâm xôi.

Khách tham quan cũng đi theo đường trải gỗ bám sát bờ đê ruộng để không làm hỏng ruộng. Ban tổ chức cũng bố trí người hướng dẫn khách tham quan phải đi trên đó và có gắn camera, nếu du khách bước xuống ruộng thì sẽ có cách xử phạt, yêu cầu đền bù. Trường hợp lượng khách quá tải, Ban tổ chức sẽ điều tiết, giới hạn số lượng vé trong cùng thời điểm để tránh xô đẩy, chen lấn.

Cùng với đó, triển lãm không ảnh hưởng đến hoạt động của người dân, dưới những đám mây pha lê người dân vẫn cày cấy, thu hoạch lúa như hằng năm. Ông Hảng Xáy Chông – Chủ tịch UBND xã La Pán Tẩn cho biết, giá vé tham quan “Mây pha lê” là 30.000 đồng/người lớn và 15.000/trẻ em (dưới 15 tuổi). Số tiền bán vé thu được sẽ dùng để xây dựng các công trình công ích tại xã, một phần nhỏ dùng để hỗ trợ người dân có ruộng tham gia triển lãm có thêm thu nhập.

Người thực hiện triển lãm "Mây pha lê" khẳng định không tác động tiêu cực tới di sản ảnh 3

Những đám mây pha lê do cặp nghệ sĩ cảnh quan Andy Cao và Xavier Perrot cùng các cộng sự thực hiện (ảnh: Lê Bích)

Mong nhận được sự đón nhận của công chúng

Trước và sau khai mạc, triển lãm “Mây pha lê – La Pán Tẩn 2018 đều khiến dư luận xôn xao tranh cãi, có người ví "mây pha lê" như búi rửa bát, những cây sắt vô hồn mọc lên thay cho hình ảnh đồng bào địa phương cặm cụi lao động giữa thiên nhiên hùng vĩ. Những đàn trâu nhởn nhơ bên thửa ruộng bị thay bằng những đám mây xám xịt đầy khiên cưỡng.

Tuy nhiên, cũng không ít những bình luận khích lệ triển lãm này. Nhiếp ảnh gia Maika Elan chia sẻ trên Facebook cá nhân, với một tác phẩm nghệ thuật thì có người thấy xấu, thấy đẹp, không việc gì phải tranh cãi. Nhiếp ảnh gia Maika Elan thấy triển lãm đẹp, không gây ảnh hưởng đến chất liệu, không gian hay gây hại cho bất kỳ ai.

Ông Nguyễn Anh Tuấn - Giám đốc nghệ thuật Heritage Space nhận định, việc đưa nghệ thuật thể thức mới ra không gian công cộng chưa bao giờ dễ dàng. Ở triển lãm “Mây pha lê”, ông Nguyễn Anh Tuấn thấy trước mắt có vấn đề ở phần cung cấp thông tin cho công chúng.

Với một triển lãm như vậy, sẽ là thách thức lớn với người xem khi thông tin được cung cấp chỉ có hình ảnh tác phẩm và một vài dòng mô tả ngắn gọn về ý đồ thực hiện, thiếu diễn giải chi tiết và dẫn dắt từ nhận thức trực quan tới ý niệm bên trong.

Ông Nguyễn Anh Tuấn gợi ý, triển lãm cần có một phương án truyền thông rõ hơn, giúp người xem bình thường có khả năng tiếp cận đầy đủ hơn. Không chỉ giải thích ý nghĩa tác phẩm, lý do lựa chọn địa điểm, sự tương tác ẩn, hiện giữa các yếu tổ khách quan và chủ quan, mà còn là tầm nhìn lâu dài của dự án.

Do đó, theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Ban tổ chức cần nhìn ở cả hai chiều khi đám đông tới check-in và buông lời tùy tiện như một phản xạ, bởi họ bị thiếu thông tin được cung cấp và cũng chưa tự trang bị thông tin khi đến với trải nghiệm này.

“Mây Pha Lê” - La Pán Tẩn 2018 tại Mù Cang Chải (Yên Bái) được làm thủ công từ lưới dây mạ kẽm và gắn trang trí hơn 58.000 hạt pha lê Swarovski (ảnh: Lê Bích)

Bà Ngụy Hương Hà – Giám đốc công ty We Create Content, người từng tham gia cố vấn cho dự án bích họa trên phố Phùng Hưng chia sẻ, ruộng bậc thang La Pán Tẩn trước nay là một trong những địa điểm chụp ảnh đẹp nhất ở Yên Bái mỗi tháng 5 và tháng 10 khi vào mùa nước đổ và lúa chín. Các nhiếp ảnh gia, các phượt thủ đến chụp 1-2 ngày vào mùa này, mang theo những bức ảnh, rồi đi. Nay nghệ sĩ Andy Cao cùng các cộng sự đã tạo ra một tác phẩm nghệ thuật độc nhất vô nhị tại Việt Nam, mong muốn mang đến vẻ đẹp mới cho ruộng bậc thang, và tạo điều kiện cho người dân phát triển du lịch.

Bà Ngụy Hương Hà đặt câu hỏi, khi thực hiện tác phẩm, nghệ sĩ đã được sự đồng ý của chính chủ “đồi mâm xôi”, tôn trọng cảnh quan, phát triển theo hướng hoàn toàn bền vững, vậy tại sao công chúng không mở lòng đón nhận và cổ vũ cho những người tiên phong mang nghệ thuật, tạo thêm sinh kế đến cho người dân mà lại cứ chửi rủa, “ném đá”?

Đại diện Ban tổ chức triển lãm “Mây pha lê” bày tỏ hy vọng, công chúng sẽ ghi nhận đóng góp của giới nghệ sĩ cho “đồi mâm xôi” và cho du lịch tỉnh Yên Bái.