Người thừa kế tài sản của người phạm tội phải bồi thường dân sự

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Bạn đọc hỏi: Gia đình tôi là bị hại trong vụ án giết người nhưng quá trình điều tra, hung thủ chết nên vụ án bị đình chỉ. Xin hỏi, gia đình tôi có được bồi thường thiệt hại không và phải làm thế nào để được bồi thường thiệt hại? Hoàng Mạnh Trung (Hà Nội)
Xâm hại sức khỏe, tính mạng của người khác sẽ bị xử lý hình sự và bồi thường thiệt hại đối với nạn nhân (Ảnh minh họa)

Xâm hại sức khỏe, tính mạng của người khác sẽ bị xử lý hình sự và bồi thường thiệt hại đối với nạn nhân

(Ảnh minh họa)

Luật sư Giang Hồng Thanh trả lời:

Theo quy định của pháp luật, trong vụ án hình sự xâm hại đến sức khỏe, tính mạng người khác thì người phạm tội ngoài việc bị xử lý về mặt hình sự (nghĩa là phải chịu hình phạt tương xứng), còn phải có nghĩa vụ bồi thường về mặt dân sự về toàn bộ thiệt hại đã xảy ra đối với nạn nhân. Nếu nạn nhân chết thì người đại diện hợp pháp; người thân là cha, mẹ, vợ, chồng, con (hàng thừa kế thứ nhất) của họ được nhận khoản bồi thường đó.

Khoản bồi thường do hành vi xâm phạm đến sức khỏe của người khác gồm có các khoản như: Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị giảm sút của người bị thiệt hại; thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại; chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần phải có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu (tối đa không quá 50 lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định).

Khoản bồi thường do hành vi xâm phạm đến tính mạng của người khác ngoài các khoản trên còn có các khoản khác như: Chi phí hợp lý cho việc mai táng; tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại tính mạng có nghĩa vụ cấp dưỡng và một khoản tiền để bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại (tối đa không quá 100 lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định).

Luật sư Giang Hồng Thanh (Văn phòng luật sư Giang Thanh, Địa chỉ: Số 197 phố Đặng Tiến Đông, Trung Liệt, Đống Đa, Hà Nội)

Luật sư Giang Hồng Thanh (Văn phòng luật sư Giang Thanh, Địa chỉ: Số 197 phố Đặng Tiến Đông, Trung Liệt, Đống Đa, Hà Nội)

Đối với vụ việc của gia đình bạn, đây thuộc trường hợp người phạm tội có nghĩa vụ phải bồi thường nhưng chưa kịp bồi thường thì đã chết. Về vấn đề này, Điều 615 - Bộ luật Dân sự đã quy định: Những người hưởng thừa kế có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài sản trong phạm vi di sản do người chết để lại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Trường hợp di sản chưa được chia thì nghĩa vụ tài sản do người chết để lại được người quản lý di sản thực hiện theo thỏa thuận của những người thừa kế trong phạm vi di sản do người chết để lại. Trường hợp di sản đã được chia thì mỗi người thừa kế thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại tương ứng nhưng không vượt quá phần tài sản mà mình đã nhận, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Và trường hợp người thừa kế không phải là cá nhân hưởng di sản theo di chúc thì cũng phải thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại như người thừa kế là cá nhân.

Theo quy định nêu trên thì những người thừa kế di sản của người đã gây ra cái chết cho người thân của bạn có nghĩa vụ phải bồi thường thiệt hại cho gia đình bạn. Tuy nhiên, do người phạm tội cũng đã chết nên để có thể lấy được tiền bồi thường, trước hết bạn cần liên hệ với người thừa kế tài sản của người phạm tội, như bố, mẹ, vợ (hoặc chồng), con của người phạm tội... để yêu cầu họ bồi thường. Nếu họ không tự nguyện bồi thường, bạn phải thực hiện việc khởi kiện những người thừa kế đó tại Tòa án nhân dân quận, huyện nơi họ cư trú để đề nghị Tòa án buộc họ phải bồi thường.