Người thợ máy thầm lặng làm nên những chiến công

ANTĐ - Đại tá Bùi Văn Cơ (1943), nguyên Đại đội trưởng thợ máy, Trung đoàn không Quân 927 anh hùng. Không phải là phi công trực tiếp bắn hạ máy bay địch, làm nên chiến thắng vĩ đại trong chiến dịch Điện Biên Phủ trên không kéo dài 12 ngày đêm (18/12/1972- 29/12/1972), tuy nhiên, ông là một trong những người thầm lặng góp phần làm nên chiến thắng vĩ đại ấy.

Cống hiến không mệt mỏi

Sinh ra và lớn lên ở huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình, sớm chịu cảnh “nước mất nhà tan” năm 1963, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, ông Cơ lên đường nhập ngũ. Năm đầu, ông làm pháo thủ của Trung đoàn 78, Sư đoàn 325, Quân khu 4. Sau đó, ông được chọn đi học Trường Sỹ quan Lục quân khóa 16. Sau đó, ông cùng 120 học viên đi đào tạo phi công tại trường huấn luyện bay và kỹ thuật không quân Liên Xô. Tuy nhiên, học được nửa năm, do dầy gan bàn chân không lái được máy bay, ông xin trở lại đơn vị cũ, trực tiếp tham gia chiến đấu. Nhưng là một sỹ quan chỉ huy, lại có kiến thức về không quân, ông được điều sang học thợ máy.

Người thợ máy thầm lặng làm nên những chiến công ảnh 1

Đại tá Bùi Văn Cơ tìm lại những tài liệu về những người đồng đội đã hi sinh

Tháng 12-1967, cùng 300 học viên về nước, ông giữ chức trợ lý kế hoạch, cơ giới, tiểu đoàn thợ máy, đoàn Sao đỏ, đóng tại sân bay Nội Bài. Bắt đầu từ đây, ông làm nhiệm vụ xây dựng kế hoạch bay, chuẩn bị máy bay cho các phi công lên chiến đấu với máy bay Mỹ.

Ông Cơ nhớ lại: “Trong năm 1970, tôi và các đồng đội liên tục phải trông coi máy bay, dù bom đạn ác liệt. Hôm nay đi kiểm tra máy bay ở làng này, mai chúng tôi lại kiểm tra ở làng khác. Lúc nào cũng phải bảo đảm đủ số lượng máy bay cần thiết phục vụ chiến đấu. Là một đại đội trưởng, nhiều đêm tôi không ngủ, thức cùng anh em nếu máy bay trục trặc, đôi khi quên cả ăn”.

Trong 12 ngày đêm của chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không”, ông là Đại đội trưởng thợ máy, Trung đoàn không Quân 927. Ông lên kế hoạch cho các chuyến bay, kiểm tra chất lượng máy bay để đảm bảo an toàn cho các phi công, quan sát, theo dõi hạ cánh máy bay,..

Ở trên không, các phi công của ta trực tiếp lao vào chiến đấu, mặt đối mặt với kẻ thù. Phía dưới, ông Cơ cùng Đại đội thợ máy căng mình ra chuẩn bị cho cuộc chiến tốt nhất.

Nhớ về những năm tháng ác liệt nhất của cuộc chiến, đôi mắt của người Đại tá già như chứa đựng cả một quá khứ oanh liệt. Trán ông bỗng nhiên nhăn lại, tất cả hiện hữu trong trí nhớ của ông Cơ. Ông kể: “Tối 18-12, khi Mỹ đánh vẫn còn mấy máy bay ở sân bay. Trung đoàn trưởng Phạm Hồng Nghị lệnh cho tôi kéo hết vào trong sơ tán, chỉ để một vài máy bay trực ngoài. Ô tô kéo máy bay lại không được thắp đèn. Tôi phải trực tiếp đứng ở cánh cửa ô tô để nói cho lái xe biết sang trái, phải thế nào. Cử một anh ngồi trong máy bay để chuẩn bị phanh. Hai người nữa cầm đèn pin ngồi hai cánh máy bay. Cứ kéo lùi lũi đi đêm như thế. Khi đó máy bay tầm thấp của Mỹ vẫn vào, đánh phá liên tục. Cao xạ và các cỡ súng của ta vẫn bắn rào rào”. 

Chuyện tình giữa “rừng đạn”

Ông Cơ nhớ lại, năm 1967 trong một lần cùng với người đồng đội đến thăm chị gái là bà Phạm Thúy Liên (1946) khi ấy là kỹ sư thông tin thuộc bộ Tư lệnh thông tin, ông đã cảm mến người con gái Hà Nội thanh lịch, thông minh, sắc sảo. Hai người đã thư từ liên lạc suốt 5 năm trời. Những cánh thư là nguồn động lực lớn giúp họ làm tốt nhiệm vụ nặng nề được giao. Tuy nhiên, trong năm 1972, khi Mỹ bắn phá ác liệt, ông Cơ sợ mình chẳng thể nguyên vẹn trở về, lại làm khổ người con gái ông yêu thương nên đã chắp bút dặn người yêu tạm quên mình đi. Chờ ngày hòa bình lập lại hai người mới tính tiếp. 

Người thợ máy thầm lặng làm nên những chiến công ảnh 2

Đại tá Cơ (ngoài cùng bên trái) cùng đồng đội đến thăm gia đình liệt sỹ,
phi công Anh hùng Hoàng Tam Hùng (Ảnh từ video do nhân vật cung cấp)

Với bản chất của một người con đất cố đô anh hùng, người đại đội trưởng khi ấy đã bền gan quyết chí, lội qua “mưa bom, bão đạn” để cùng đồng đội làm nên chiến thắng lịch sử. Kết thúc 12 ngày đêm, lực lượng Phòng không - Không quân Việt Nam đã tiêu diệt thành công 81 máy bay của Mỹ, tiêu diệt 43 giặc lái và  bắt 44 tù binh. Trong đó, có sự đóng góp to lớn của những người “thầm lặng” như ông Cơ. Năm 1973, khi những ngày ác liệt nhất của cuộc chiến qua đi, biết mình còn sống, hòa bình sắp lập lại, ông Cơ và bà Liên đã nên duyên vợ chồng.

Với những cống hiến lớn cho cuộc chiến ông được Nhà nước trao tặng một Huân chương chiến công hạng 2, hai huân chương kháng chiến chống Mỹ, ba huân chương chiến sỹ vẻ vang, huy chương quân kỳ quyết thắng,...và nhận huy hiệu 40 năm tuổi Đảng. 

Ông Ngô Văn Cung, nguyên là Chính trị viên thuộc Đại đội thợ máy, cùng đơn vị với ông Cơ nói về người đại đội trưởng của mình: “ Sau mấy chục năm trời gặp lại, anh Cơ vẫn điềm đạm, tốt tính như ngày nào. Dù là đại đội trưởng nhưng không có công việc nào anh không đụng tay tới. Anh Cơ luôn động viên, làm công tác tư tưởng cho các phi công có được sự tập trung và tinh thần thoải mái nhất để chiến đấu”.

 

Hiện nay, ông Cơ làm việc ở nhiều ban liên lạc: Cựu chiến binh của Trung đoàn Sao đỏ 921; Cựu chiến binh của Trung đoàn 927; Thành viên của ban liên lạc Không quân; Đoàn học viên kỹ thuật gồm 300 đồng chí học tại Nga,...Tham gia vào nhiều Ban liên lạc tuy vất vả nhưng lại là cơ hội cho ông được tìm về với những đồng đội xưa, được sống lại những kỷ niệm một thời bom đạn ác liệt nhưng thấm đẫm tình đồng chí, đồng đội.