Họa sĩ Trần Nguyên Đán:

Người thích "ở ẩn"

ANTĐ - Sau 13 năm “ở ẩn”, họa sĩ Trần Nguyên Đán - Giải thưởng Nhà nước 2007 tái xuất với triển lãm tranh tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam từ ngày 21-3 tới. Đã ngỡ ngàng khi tận mắt xem chừng trăm bức tranh và mộc bản của họa sĩ trong bộ sưu tập của bà Thu Hòa, nhưng khi đến thăm họa sĩ Trần Nguyên Đán, tôi lại càng ngạc nhiên hơn. 

Người thích "ở ẩn" ảnh 1

Bền bỉ như ong thợ

Tôi biết và quen họa sĩ Trần Nguyên Đán sau khi được nhà sưu tập Nguyễn Thị Thu Hòa - Giám đốc Bảo tàng Gốm sứ cho xem bộ tranh và mộc bản mà bà sưu tập được. Đó là những tác phẩm về Hội An, Hà Nội, Bắc Ninh quê hương ông… Nhắc đến họa sĩ Trần Nguyên Đán, giới mỹ thuật không ai không biết. Ông sinh năm 1941, quê ở Bắc Ninh, là hội viên ngành đồ họa Hội Mỹ thuật Việt Nam từ 1974.

Sau khi ra trường, ông công tác tại Vụ Bảo tồn Bảo tàng, Bộ Văn hóa (1971 - 1980); cán bộ Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam rồi làm Phó Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật. Sự nghiệp của ông cũng khá đa dạng, với tranh khắc trên gỗ, thạch cao, bìa rồi trên vải, lụa… Tuy vậy, ông để lại nhiều dấu ấn rõ nét nhất trên mảng tranh khắc gỗ mang đậm hồn cốt Việt Nam.

Tác phẩm của họa sĩ Trần Nguyên Đán đã được tặng nhiều giải thưởng mỹ thuật, đặc biệt, năm 2007, ông được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật đợt II cho 5 tác phẩm tranh khắc: “Nghệ nhân Hàng Trống”, “Chăm học chăm làm”, “Trở lại Tam Bạc”, “Hội đền Hùng” và “Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội”.

Dù ngành học được đào tạo là nghệ thuật hoành tráng, nhưng họa sĩ Trần Nguyên Đán lại thành công với tranh khắc. Ông thú nhận, vì mê mà cứ “học mót” nghề của các họa sĩ bậc thầy rồi mày mò tìm tòi, tạo ra cách riêng của mình vì: “Trong nghệ thuật phải biết giấu dốt và cũng phải biết giấu cả sự khôn ngoan”.

Ông làm nhiều, bền bỉ như con ong thợ. Nhưng đến nay, những tác phẩm của ông nằm rải trong các bảo tàng, các bộ sưu tập. Họa sĩ Trần Nguyên Đán sống giản dị, ông cũng nghĩ giản dị về nghề của mình chứ không tự đánh bóng hay huyễn hoặc. “Làm nghề tranh khắc này rất cực nhọc chứ không bay bổng. Tôi thấy ở mình cái chất nghệ sĩ ít hơn cái chất của một người thợ”, ông tâm sự.

Người thích "ở ẩn" ảnh 2

 Những tác phẩm được trưng bày tại triển lãm 

Từng bào đi nhiều ván khắc

Cả cuộc đời và sự nghiệp sáng tác nghệ thuật của ông dành trọn cho nghệ thuật đồ họa, tranh khắc Việt Nam. Hơn nửa thế kỷ, ông đã thử nghiệm đồ họa trên các chất liệu và đề tài. Đặc biệt, trong hơn chục năm qua kể từ lúc nghỉ hưu (2003)  đến nay, ông luôn dành thời gian và trí tuệ để cho ra đời những tác phẩm tranh khắc có giá trị. 

Thêm một chút ngỡ ngàng khác về họa sĩ Trần Nguyên Đán, ấy là ông không thích giữ lại những tác phẩm của mình. Hỏi ông số lượng tác phẩm trong sự nghiệp của mình, ông lắc đầu bảo không thể nhớ chính xác. Ông đưa ra một con số ước chừng: 400 tác phẩm. Giới mỹ thuật có người bảo, ông vẽ hàng nghìn bức chứ không chỉ có 400. Nhưng với Trần Nguyên Đán, số lượng không nói lên điều gì.

Cái quan trọng là tranh vẽ ra có được duyệt trưng bày triển lãm không, có bán được không. Người ta cứ tranh luận về kỹ thuật khắc phải thế này mới đúng, thế kia mới chuẩn. Còn Trần Nguyên Đán thì có cách làm của riêng mình. Ông luôn tìm tòi, phá cách. Ông sáng tạo theo ý thích của mình, chiều theo cái cảm xúc của mình, chứ không lệ thuộc vào những quy định hay quy chuẩn.

Với ông, bức tranh đẹp là bức tranh có nhiều người thích, có nhiều người muốn sở hữu. Vẽ ra mà không có ai mua, không có ai thích thì coi như thất bại. Nếu không bán được tranh thì khó lòng tử vì đạo được. Đó là những quan niệm của ông, dù quan niệm đó có thể không có nhiều điểm chung với nhiều người.

Cũng chính bởi quan niệm ấy mà trong ngôi nhà ông ở, cái gì cũng cũ kỹ và đơn sơ này, họa sĩ Trần Nguyên Đán không giữ nhiều tác phẩm của mình. Ông chỉ còn giữ lại một số bức tranh, một số bản khắc. Còn lại, gia tài hội họa của ông đã nằm trong tay các nhà sưu tập. Theo ông, đó cũng là cách để gìn giữ những bức tranh, những mộc bản được tốt hơn, chuyên nghiệp hơn. Chứ còn nếu mình tự giữ lấy, điều kiện vật chất của ông và khí hậu Việt Nam sẽ khiến cho những tác phẩm ấy suy giảm tuổi thọ.

Như thế cũng là một thiệt thòi. Họa sĩ Trần Nguyên Đán kể, nhiều bản khắc cũng không còn nữa. “Ngày xưa nghèo, khắc xong in xong thì lại mang ra bào cho nhẵn để lấy gỗ khắc tiếp. Thậm chí khắc cả 2 mặt, có khi trên một mặt có bức tranh to còn 3, 4 bức tranh nhỏ. Tiết kiệm từng centimet gỗ một. Rồi có năm, nhà bị cháy cũng mất đi một số mộc bản và tranh”, họa sĩ kể.

Người thích "ở ẩn" ảnh 3

Tái xuất sau 13 năm

Rót mời tôi một chén trà vào cái cốc trong bộ ấm chén cọc cạch, họa sĩ Trần Nguyên Đán bảo, hơn 100 bức tranh và bản khắc của ông được trưng bày trong triển lãm cá nhân tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (diễn ra từ ngày 21 đến 27-3 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, số 66 Nguyễn Thái Học, Hà Nội).

Triển lãm, với ông, không có gì lạ nữa. Bởi ngay từ năm 1981, khi mới vào Hội Mỹ thuật Việt Nam được 7 năm, ông đã được Hội tổ chức cho triển lãm cá nhân. Hồi đó, để được bày triển lãm, mà triển lãm cá nhân càng không dễ, không phải ai muốn cũng được tổ chức. Tranh của ông cũng xuất hiện trong một vài triển lãm chung ở nước ngoài. Nhưng kể từ ngày nghỉ hưu đến nay, ông thực sự muốn ở ẩn.  

Thế nên, sau 13 năm kể từ cuộc triển lãm “Hội An trong mắt tôi” vào năm 2003 trước khi nghỉ hưu, Trần Nguyên Đán mới lại xuất hiện. Chỉ có điều, lần này ông không phải lo tổ chức gì cả. Tất cả đều do nhà sưu tập Thu Hòa lo liệu. Ông là nhân vật chính, đến giờ là xuất hiện mà thôi.

Nói về cuộc triển lãm khá bất ngờ, mang tên Triển lãm “Nét khắc từ truyền thống đến hiện đại” (Sưu tập tranh khắc gỗ và mộc bản Trần Nguyên Đán 1970-2015), ông chỉ bảo, ban đầu khi được đề nghị triển lãm, ông rất ngại. Vì thực sự, ông muốn ở ẩn, muốn lặng lẽ làm việc như con ong cái kiến. Nhưng sau rồi người này người kia thuyết phục, ông cũng xuôi. Thôi thì coi đây như một cơ hội để tỏ bày, ở cái chặng 75 mùa xuân trong cõi đời. 

Họa sĩ Trần Nguyên Đán có 2 người con trai nhưng không ai nối nghiệp cha. Giờ chỉ mình ông lụi cụi vẽ, khắc quanh năm suốt tháng. Ông bảo, vì thế cũng không muốn giữ lại nhiều tranh và bản khắc làm gì.

Người khác giữ lại để sau này có ý làm bảo tàng cá nhân. Ông thì không muốn. Tranh ông đã được Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam mua gần 30 bức, Bảo tàng Đà Nẵng: 4 bức, Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM cũng gần 40 bức… Rồi tranh ông nằm trong tay các nhà sưu tập. Như thế cũng là “yên tâm lắm rồi”.

Sau triển lãm, ông muốn lại tiếp tục được rong ruổi trên những nẻo đường vùng cao, đặc biệt là vùng đất Sa Pa, nơi đó, với ông luôn có sức quyến rũ đến lạ kỳ.