Người thầy không giáo án ở Trại tạm giam số 2

ANTD.VN - “Phạm nhân cũng là con người, lúc ốm đau cũng cần được thăm nom, chăm sóc. Bởi vậy chúng tôi cần phải nắm bắt được tâm tư, tình cảm thì mới có thể giáo dục lại họ được” - Trung tá Lê Thị Như Tươi, Đội phó Đội Phân trại quản lý phạm nhân, Trại tạm giam số 2 (CATP Hà Nội) chia sẻ với chúng tôi khi nhắc đến công việc của mình…

Trung tá Lê Thị Như Tươi tưới vườn hoa cùng phạm nhân

Giáo trình là sự tận tâm

Bước qua cổng Trại tạm giam số 2, ấn tượng với chúng tôi là vườn hoa thược dược rực rỡ khoe sắc. Chen giữa những luống hoa là vài phạm nhân nữ và các cán bộ quản giáo. Tiếng cười nói của họ hòa lẫn tiếng nước róc rách tưới hoa. Trung tá Lê Thị Như Tươi cho biết, đây là vườn hoa do Hội Phụ nữ của đơn vị thực hiện.

Với mong muốn xây dựng môi trường làm việc xanh - sạch - đẹp, đồng thời tạo không khí giúp phạm nhân vơi bớt nỗi nhớ nhà, có thêm nghị lực để yên tâm lao động, cải tạo, Trung tá Lê Thị Như Tươi cũng là Chủ tịch Hội Phụ nữ tại đơn vị đã  đề xuất Ban Giám thị cho trồng vườn hoa. “Mỗi lần được Ban Giám thị phân công cho ra chăm vườn hoa chúng tôi lại cảm thấy rất vui, tinh thần như được vực dậy trong những ngày cải tạo. Những bông hoa tỏa hương giữa nơi này giúp chúng tôi biết trân trọng cuộc sống, yêu đời hơn, cố cải tạo tốt để sớm trở về với gia đình”, phạm nhân Nguyễn Thị Đào chia sẻ.

Khi được hỏi về ý tưởng trồng hoa, Trung tá Lê Thị Như Tươi bảo, nếu quá trình “giáo dục đi” có những gian nan, vất vả riêng của những người làm nghề sư phạm thì quá trình “giáo dục lại” của người cán bộ quản giáo còn gian khó gấp nhiều lần. Xét cho cùng, cán bộ quản giáo cũng là những người dạy học, chỉ có điều những bài giảng của họ chẳng bao giờ có giáo án.

Phạm nhân cũng là những người có tâm tư, có xúc cảm, chỉ khi “đánh” đúng vào tâm lý họ, thấu hiểu họ thì mới rèn giũa được họ. 20 năm gắn bó với công tác quản lý phạm nhân, ngoài công việc làm thủ tục tiếp nhận hồ sơ đến chấp hành án, thủ tục trả tự do cho người mãn hạn tù, Trung tá Lê Thị Như Tươi vẫn thường xuyên phối hợp với bộ phận giáo dục tuyên truyền cho phạm nhân về chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, giúp họ nhận rõ sai lầm, thành khẩn hối cải, tích cực khắc phục hậu quả gây ra và yên tâm cải tạo. 

20 năm gắn bó trong lực lượng công an, dù điều kiện làm việc còn thiếu thốn, môi trường công tác còn khó khăn, song Trung tá Lê Thị Như Tươi luôn cảm thấy hạnh phúc, nhất là khi chứng kiến phạm nhân do mình cải tạo trở thành người có ích cho cộng đồng, xã hội. Mỗi một phạm nhân được hưởng chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước, được đặc xá, tha tù trở về với gia đình, tái hòa nhập cộng đồng là niềm vui, là động lực lớn để chị tiếp tục chăm tưới cho mầm thiện sinh sôi.

Trung tá Lê Thị Như Tươi hiểu rằng, với các phạm nhân nữ, khoảng thời gian chấp hành án tù luôn là giai đoạn khó khăn nhất trong cuộc đời họ. Chị bảo, chính vì vậy  họ luôn cảm thấy bất an, hoảng loạn, nhạy cảm đến mức ngay cả những điều bình thường nhất cũng khiến họ sợ hãi, lúc khóc, lúc cười… Do vậy, mỗi ngày chị đều xuống buồng giam, trò chuyện, an ủi, động viên họ ăn uống và chăm sóc họ khi ốm đau.

Có những trường hợp người bị bắt đã ở tuổi trung niên, nhưng khi đứng trước song sắt thì vẫn như một đứa trẻ. Lúc đó người cán bộ lại phải như một người bạn, người chị để động viên, khích lệ. Chị phải dạy họ từ cách gấp chăn, mắc màn đến cách nói năng, đi đứng, thậm chí dạy cả cách để họ đối diện với cô đơn, cách làm một con người lương thiện. Tất cả những “giáo trình” đó đều được thực hiện một cách tận tâm, tận tụy và xuất phát từ trái tim.

Thực tế, việc quản lý, cải tạo phạm nhân cũng gặp không ít khó khăn bởi giáo dục một người bình thường đã khó, giáo dục những con người đã lạc lối trong nhận thức, lầm đường trong hành động còn khó khăn gấp bội.

Trung tá Lê Thị Như Tươi làm việc cùng đồng đội tại Trại Tạm giam số 2, CATP Hà Nội

Đó là chưa nói tới tội phạm ngày càng trẻ hóa và tính chất mức độ phạm tội ngày càng tinh vi, liều lĩnh và manh động hơn. Song, với tất cả tâm huyết, trách nhiệm, Trung tá Lê Thị Như Tươi và đồng đội thường xuyên theo dõi, kịp thời nắm bắt tình hình, diễn biến tư tưởng của phạm nhân, từ đó có biện pháp giáo dục, giúp đỡ thích hợ̣p. Ngoài tìm hiểu tâm tư, hoàn cảnh phạm tội của phạm nhân, chị đồng thời kết hợp cùng gia đình, người thân động viên, tháo gỡ những khúc mắc để tạo tình cảm gần gũi, thân thiện với họ. 

Cảm hóa bởi tình thương và lòng nhân ái

Năm 2000, sau khi tốt nghiệp trường Trung cấp Cảnh sát nhân dân, được rèn luyện ở môi trường công tác là trại giam của Bộ Công an, năm 2007 Trung tá Lê Thị Như Tươi nhận quyết định về công tác ở Trại tạm giam số 2 CATP Hà Nội. Từ đó đến nay, chị gắn bó với công việc này và luôn thấy yêu nghề. Không bảng đen, phấn trắng, không có giáo án nào cố định, cũng chẳng có bài học nào giống bài học nào.

Mỗi số phận phạm nhân là một trang giáo án khác biệt. Khi vào trại, có những phạm nhân yêu sách, chống đối quyết liệt bằng cách gào thét, đập phá, thi gan cùng cán bộ, hay tuyệt thực hàng tuần trời... mọi sự giáo dục tưởng chừng bất lực. Nhưng có khi vài viên thuốc cảm lúc trở trời, vài viên kẹo ngậm ho lúc trái gió, một chiếc chăn mỏng khi co ro trong đêm mưa lạnh... lại khiến họ trải lòng, chia sẻ. Con người chỉ thực sự bị cảm hóa bởi tình thương và lòng nhân ái. 

Không chỉ làm tốt công tác chuyên môn, hàng năm, với vai trò là Chủ tịch Hội phụ nữ của đơn vị, Trung tá Lê Thị Như Tươi còn chủ động tích cực trong các hoạt động thiện nguyện, đồng thời tham mưu lãnh đạo đơn vị xây dựng công trình, phần việc do phụ nữ quản lý như “Căng tin trại tạm giam”, “Bếp ăn tập thể”...

Thượng tá Nguyễn Xuân Nam - Phó Giám thị Trại tạm giam số 2 cho biết: “Trung tá Lê Thị Như Tươi có rất nhiều nỗ lực, cố gắng trong công tác. Mỗi khi đơn vị có việc đột xuất hay phạm nhân đau ốm, đồng chí không nề hà đêm khuya, sớm tối, đều nhanh chóng có mặt và hoàn thành nhiệm vụ lãnh đạo giao. Từ năm 2013 đến 2019, Trung tá Tươi được Giám đốc Công an thành phố tặng danh hiệu Chiến sỹ thi đua cơ sở và nhiều Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Công an. Đó chính là sự ghi nhận xứng đáng cho những nỗ lực cá nhân của đồng chí”. 

20 năm gắn bó trong lực lượng công an, dù điều kiện làm việc còn thiếu thốn, môi trường công tác còn khó khăn, song chị luôn cảm thấy hạnh phúc, nhất là khi chứng kiến phạm nhân do mình cải tạo trở thành người có ích cho cộng đồng, xã hội. Mỗi một phạm nhân được hưởng chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước, được đặc xá, tha tù trở về với gia đình, tái hòa nhập cộng đồng là niềm vui, là động lực lớn để Trung tá Lê Thị Như Tươi tiếp tục chăm tưới cho mầm thiện sinh sôi.