Người thầy giáo “gàn” và hành trình hơn 40 năm sưu tầm sách, kỷ vật chiến tranh

ANTĐ - “Tôi sẽ dành tất cả thời gian và công sức để có được một bảo tàng mini ở nông thôn, làm sao cho nó khoa học, bài bản để các cựu chiến binh, các cháu học sinh, các nhà lãnh đạo, các bác nông dân… có thể đến tham quan”. Đó là tâm sự của ông Phạm Chí Thiện (60 tuổi ở xã Tráng Liệt, huyện Bình Giang, Hải Dương) - người cựu giáo viên đã bỏ ra tới hơn 40 năm lặn lội khắp nơi sưu tầm sách và các hiện vật chiến tranh. Hành trình không nản đó, ông đã tích cóp được gia sản lớn nhất của đời mình, đó là gần 3 vạn cuốn sách và khoảng 1.300 kỷ vật chiến tranh của cả 2 bên chiến tuyến. 
Người thầy giáo “gàn” và hành trình hơn 40 năm sưu tầm sách, kỷ vật chiến tranh ảnh 1

Những cuốn sách không quy được ra tiền

Căn nhà ông Thiện đơn sơ, chỉ đáp ứng những nhu cầu tối thiểu của gia đình với bàn, ghế, quạt, ti vi, xe đạp… cái gì cũng đơn giản, cũ kỹ. Gia sản lớn nhất đối với gia đình ông, chính là những cuốn sách, những kỷ vật thời chiến, giá kệ và bàn ghế được ông sắp xếp gọn gàng, ngăn nắp để khách đến tham quan và đọc sách. Nhưng sách nhiều quá, thành ra chỗ nào trong nhà ông cũng được tận dụng làm giá sách, từ bàn, ghế, cửa sổ đến cả giường ngủ của ông.

Ông Thiện cho biết, niềm đam mê với sách vở của ông bắt đầu từ nhỏ, thấy ai có sách hay gì là ông lại lân la mượn để đọc ngấu nghiến. Thiếu vắng sự dạy bảo của cha, nên với ông, sách như một “người thầy” bù đắp khoảng trống đó. Nhưng phải đến khi đỗ Đại học Tổng hợp thì ông mới có điều kiện tiếp xúc với nhiều sách vở và hành trình sưu tầm sách của ông cũng bắt đầu từ đó. Hồi đó, ông thường lui tới các hiệu sách ở Bờ Hồ, ô Chợ Dừa, Cầu Giấy, những sạp sách cũ... để tìm sách. Có lần gặp được cuốn sách hay, ông mê quá ngồi đọc ngấu nghiến, rồi để có được cuốn sách đó, ông đã phải tháo chiếc đồng hồ Eska và chiếc đài cassette Nhật để đổi.

Năm 1979, sau khi tốt nghiệp khoa văn Đại học Tổng hợp, ông Phạm Chí Thiện trở về quê làm giáo viên dạy văn nhưng vẫn không từ bỏ đam mê sưu tầm sách. Cứ ở đâu nghe tin có người bán sách cũ là ông lại tìm đến, có lần ông lang thang vào tận trong thành phố Hồ Chí Minh, Huế, Vũng Tàu cả tháng trời để mang về hàng nghìn cuốn sách.

Ông Thiện cho biết hiện tủ sách của ông lên tới gần ba vạn cuốn, với người thường thì đó chỉ là những con số, nhưng với ông nó gắn với những chuyến đi tiêu tốn thời gian gần cả cuộc đời, mà nếu kể ra thì rất dài. Với những người đam mê sách thì tủ sách của ông có những cuốn vô cùng giá trị. Ông Thiện cho biết, như bộ Bách khoa Thư ý, ông đã bỏ ra 2 triệu đồng và nhiều đồ dùng cá nhân khác mới đổi được 70 tập. Hay như bộ từ điển “Vĩnh lạc đại điển” - bộ từ điển bằng tiếng Hán rất nổi tiếng của Trung Quốc mà ông đã phải vét hết tiền trong nhà, rồi bán cả đồng hồ đeo tay, cả quần áo đang mặc để có được 6 triệu mua cuốn này (những năm 1980, 6 triệu là gia tài của cả một nhà giàu). Nhiều cuốn từ điển quý giá khác cũng có trong tủ sách của ông như Từ điển Khang Hy, Từ điển từ nguyên Trung Quốc, rồi cuốn Kinh thánh đầu tiên có mặt tại Việt Nam, bộ Kinh thi, luận ngữ bản gốc, bộ từ điển tiếng Tây Ban Nha nặng gần 50 kg... Các cuốn sách thuộc lĩnh vực về văn hóa, lịch sử Việt Nam được ông rất trân trọng như bộ Đại Việt sử ký toàn thư được in năm 1697, Việt Nam văn học sử yếu, Lịch đại sách lược... Nhiều tác phẩm sách báo cổ ông cũng lưu giữ lại như tác phẩm Đoạn trường tân thanh của đại thi hào Nguyễn Du được in bằng bản giấy hay trọn bộ các báo, tạp chí cũ như Nam phong tạp chí, Đăng cổ tùng báo, Đông Dương tạp chí, Phụ nữ tân văn… 

Và những kỷ vật biết “kể chuyện”

Còn với những kỷ vật thời chiến, dù có tới khoảng 1.300 đồ vật nhưng ông nhớ rõ từng thứ và có thể kể không chán về những câu chuyện gắn với chúng. Như chiếc đèn dầu của anh hùng Bông Văn Dĩa - người “anh cả” của Đoàn tàu không số trên con đường huyền thoại Hồ Chí Minh trên biển. Trên chân đế của đèn vẫn còn rõ dòng chữ được viết bằng sơn ta: Bông-V-Dĩa, K15-Đồ Sơn-Hải Phòng-Phương Đông 1… Hay chiếc bi đông của một cựu chiến binh ở huyện Bình Giang mà người cựu binh và đồng đội đã từng chia nhau từng giọt nước trong thời điểm mong manh giữa sự sống và cái chết.   Hay chiếc bình hoa bằng đồng được làm từ vỏ đạn pháo là quà mừng chiến công của phụ nữ tỉnh Phú Yên kết nghĩa tặng các nữ dân quân xóm Lai Vu (Hải Dương) vào mùa xuân năm 1968. Cây bút máy hiệu Pi-lốt của vị tướng tình báo Vũ Ngọc Nhạ đã theo suốt vị tướng trong hành trình công tác, mà ông đã nhiều lần thuyết phục và được gia đình vị tướng tặng lại năm 2004. Chiếc la bàn của anh hùng liệt sĩ Nguyễn Viết Xuân hay chiếc hòm kỷ vật của 10 nữ thanh niên xung phong ở miền Tây Quảng Trị… đều là những kỷ vật mà ông cất công sưu tầm và nâng niu giữ cho đời sau. Bên cạnh đó là những kỷ vật tinh thần như lá thư về cho gia đình, sổ công tác, những bức tranh làm từ vỏ đạn…

Có những thứ ông cất công tìm và thuyết phục chủ nhân bán hoặc tặng lại cho mình nhưng cũng có những thứ đã gắn bó với ông từ thuở nhỏ. Đó là chiếc áo trấn thủ của cha ông, cụ Phạm Thế Lương - liệt sĩ của Quân khu Tả ngạn, hy sinh từ tháng 10 năm 1952 tại Hải Phòng khi ông mới vài tháng tuổi. Chiếc áo ấy mẹ đã đắp cho ông những ngày đông lạnh giá từ khi lọt lòng, rồi khi vào đại học ông cũng mang theo để gối đầu. Một thứ nữa là chiếc huy hiệu Bác Hồ tặng cho người phụ nữ công giáo đầu tiên, đó chính là mẹ đẻ của ông, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Tráng Liệt, huyện ủy viên huyện Bình Giang… Ông Thiện tâm sự lý do bỏ công bỏ sức sưu tầm những hiện vật chiến tranh, dù ông chưa từng tham gia chiến đấu, rằng: “Xuất phát điểm là tôi nghĩ đến những người thân của mình, là cha và chú tôi đã góp xương máu cho cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc… Cha tôi mất khi tôi mới được 2 - 3 tháng tuổi, để lại một kỷ vật là cái áo trấn thủ mà mẹ con tôi vẫn trân trọng lưu giữ đến giờ. Tôi làm việc này, cũng là để tri ân tới cha mình và mở rộng hơn nữa là những liệt sĩ đồng chí của cha mình. Hơn nữa, trước đây làm giáo viên, những lần đứng trên bục giảng cho các em về lịch sử nhất là về cuộc cách mạng của quân đội nhân dân Việt Nam chống lại đế quốc Pháp, Mỹ, những con số, hình ảnh trong sách giáo khoa tôi cảm thấy đơn điệu quá. Vì vậy ý tưởng sưu tầm những kỷ vật như một cách giáo dục lịch sử trực quan, sinh động để các cháu hiểu hơn lịch sử Việt Nam, hiểu được cha, ông các cháu đã chiến đấu như thế nào càng được tôi ấp ủ”.

Những năm gần đây, ông Thiện còn cất công vào tận miền Nam và cũng đã sưu tầm được những kỷ vật từ những người lính ở phía bên kia chiến tuyến. Đó là những bức thư, những tài liệu của quân lực chính quyền Sài Gòn và của quân lực Hoa Kỳ cùng những vật dụng mà họ đã dùng trong chiến tranh. Đó cũng là những thứ giúp người xem có sự hiểu biết khách quan về cuộc chiến tranh của dân tộc. 

Đây là vốn liếng cả đời tôi

Mặc dù kinh tế khó khăn, mọi chi phí trông vào ruộng vườn và sập hàng ngoài chợ của vợ nhưng chưa lúc nào ông có ý định từ bỏ đam mê sưu tầm sách và kỷ vật chiến tranh. Cũng may, ông có người vợ đồng cảm, hiểu đam mê của chồng nên luôn âm thầm làm “hậu phương” vững chắc cho ông. Vì thế, dù rằng khi mới bắt đầu công việc nhiều người chưa hiểu, bảo ông hâm, đầu óc có vấn đề, ông đi buôn đồng nát, nhưng ông vẫn không nản. Có những khi tìm được hiện vật về, tay xách nách mang những thứ cũ kỹ, ngại hàng xóm ì xèo, ông phải né đi đâu đó đợi trời tối mới mang về nhà.

Dốc lòng vào việc sưu tầm sách và kỷ vật chiến tranh, nhiều lúc gia đình ông lâm vào cảnh túng thiếu nhưng ông vẫn kiên quyết không từ bỏ đam mê của mình, thậm chí có khi có người đến “gạ” ông bán những cuốn sách hay những kỷ vật quý nhưng ông vẫn lắc đầu. Ông sẵn sàng cho các em học sinh, sinh viên, các thầy cô giáo, các nhà nghiên cứu mượn sách miễn phí, kể cả những cuốn có giá trị bạc triệu, nhưng kiên quyết không bán bất cứ một cuốn sách, một kỷ vật nào. Ông rất vui vì những năm gần đây, tủ sách và “bảo tàng mi ni” của ông đã phát huy tác dụng, rất nhiều trường trên địa bàn đã tổ chức cho học sinh đến tham quan những hiện vật của ông như một giáo cụ trực quan sinh động, rất nhiều nhà nghiên cứu gần xa cũng biết và tìm đến để nghiên cứu những cuốn sách của ông. 

Ông bảo nói những kỷ vật của ông vô giá thì cũng đúng, vì nó mang giá trị tri thức và tinh thần rất lớn, nhưng ông không bao giờ nghĩ quy nó ra tiền. Vợ ông cũng có lúc thở dài ngán ngẩm vì cái sự “gàn” của ông, nhưng rồi nó như cái thứ “ma túy” đã ngấm vào máu ông, nói mãi cũng không được nên bà dần cảm thông và gồng mình nuôi con giúp ông thỏa đam mê sưu tầm. Ông Thiện nói mình sưu tầm không phải vì tiền nhưng cũng không muốn chỉ làm để chơi. Mơ ước lớn nhất của ông là làm sao có thể mở được một bảo tàng mi ni hay một cuộc triển lãm về sách và hiện vật chiến tranh để những thứ ông cất công sưu tầm sẽ có được chỗ đứng xứng đáng.