Người thầy 15 năm luyện nét chữ, rèn nết người

ANTĐ - Chúng tôi Gặp thầy giáo Dương Thanh Tuấn (SN 1979) trong một căn phòng nhỏ chỉ khoảng 40m2 tại số 10, phố Hàng Mành, TP Hà Nội vào đúng lúc thầy đang uốn từng cây bút, chỉnh sửa từng nét chữ cho học trò.  

Người giữ nghiệp nhà 

Sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống 3 đời làm nghề dạy viết chữ đẹp, tốt nghiệp trường ĐH Ngoại ngữ (nay là trường ĐH Hà Nội), từng làm giảng viên trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, thầy Dương Thanh Tuấn gắn bó với nghề này đã hơn 15 năm nay. Vừa nhẹ nhàng đưa bút trên trang giấy kẻ ô ly, từng con chữ nét thanh, nét đậm dần hiện lên, thầy Tuấn vừa chia sẻ về nghề tổ. Theo lời thầy, từ thời ông là cụ Dương Khả (lúc bấy giờ là phó tri huyện Ba Vì) thì dòng họ Dương đã nổi danh với con chữ, cụ còn là người dạy chữ đẹp cho vua Bảo Đại. Được chính ông nội rèn giũa từ ngày còn nhỏ, bản thân thầy Tuấn cũng ý thức và có niềm say mê đặc biệt với việc nắn nót từng con chữ. 

“Tiếng Việt rất đặc biệt, bản thân 29 ký tự tạo nên chữ Quốc ngữ cũng rất đặc biệt, chỉ cần viết thêm 1 vài nét là đã ra một kiểu chữ khác rồi” - thầy Tuấn tâm sự.  Năm 2000, sau 2 năm thực hiện nghĩa vụ quân sự, anh quay lại trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn làm công tác giảng dạy và tiếp tục học tiếp văn bằng 2 ngành Ngữ văn. Ai cũng nghĩ thầy Tuấn sẽ trở thành một người làm việc liên quan đến ngoại ngữ hay một thầy giáo dạy Văn theo ngành học, nhưng người thân và bạn bè bất ngờ khi anh quyết định từ bỏ tất cả để mở lớp rèn chữ đẹp tại nhà. “Lúc ấy nhiều người ngăn cản tôi lắm, vì bằng cấp mình có, xin được việc ở trường cũng không khó mà lại đi bỏ sự nghiệp đang rộng mở để theo nghề rèn chữ” - thầy Tuấn nhớ lại. 

Bỏ ngoài tai những lời can ngăn của mọi người, thầy đã sử dụng chính căn nhà của mình tại số 10 Hàng Mành để đón những học viên luyện chữ đầu tiên. Từ cơ sở chính tại nhà riêng, tiếng lành đồn xa, học viên của thầy ngày càng nhiều, không chỉ những em học sinh tiểu học mà cả những học sinh lớp lớn hay người trung niên, giáo viên cũng tìm đến lớp luyện chữ đẹp của thầy Tuấn. “Tôi nhớ một khóa học có 3 học viên khá đặc biệt, đầu tiên là người bà đến học rồi đưa thêm con gái đến học, rồi đưa thêm cháu đến luyện chữ, cùng một lúc tôi được tận tay rèn chữ cho 3 thế hệ” - thầy Tuấn kể.

Công phu nghệ thuật rèn chữ đẹp

Tâm sự về nghề dạy viết chữ đẹp, thầy Tuấn nói: “Những người tìm đến lớp luyện chữ rất đa dạng, từ các em thiếu nhi chập chững vào lớp 1 đến những cô cậu sinh viên, rồi người lớn đã đi làm. Trong đó, có không ít các thầy cô giáo tương lai cũng tìm đến đây để luyện chữ”. 

Viết chữ đẹp là việc mà ai cũng có thể làm được, không cần hoa tay cũng có thể viết đẹp, lại không mất quá nhiều thời gian. “Không cần quá đầu tư cho nó đâu, mỗi ngày chỉ cần dành 5-10 phút luyện chữ là được rồi” - thầy Tuấn cho biết. Theo thầy, chỉ cần nắm được các quy tắc cơ bản là có thể viết đẹp được. Những quy tắc này được thầy hình thành trong hàng chục năm trời mày mò, luyện viết chữ đẹp theo đủ các mẫu chữ, kiểu chữ từ thẳng đến nghiêng. Đầu tiên, người học sẽ luyện cho nhuyễn nét tròn và nét mác chỉ trong 1-2 buổi. Viết đẹp được nét cơ bản này thì coi như đã đi được một nửa con đường luyện chữ. 10 buổi học cũng được chia ra thành các buổi luyện các nét, các con chữ riêng rẽ, cách ghép nối các chữ, học viết chữ hoa bài bản. Sau 10 buổi, các học viên đã viết được những dòng chữ nghiêng đẹp mắt. 

Không chỉ dừng lại ở việc rèn chữ cho học viên, bản thân thầy Tuấn cũng mày mò sáng tạo những mẫu chữ để làm phong phú hơn kho chữ đẹp của mình. Thầy cho biết, chỉ riêng chữ M đã có thể viết được đến hơn 30 kiểu, chữ A 40 kiểu và rất nhiều mẫu chữ trang trí đẹp mắt.

Học viết chữ đẹp cũng là một cách để rèn luyện ý chí và tính cần cù, tỉ mỉ cho mỗi người. Để có được nét chữ đẹp cũng có nghĩa phải là một người cẩn thận, kiên trì và bền bỉ. Để dạy viết chữ đẹp thì phải có phương pháp dạy đặc thù cho từng đối tượng. Với người lớn, cơ tay không còn mềm dẻo như các em nhỏ, phải phân tích nét chữ cho họ hiểu và bắt chước. Đối với trẻ em thì vừa dạy vừa đặt từng nét bút, điểm xuất phát của từng nét chữ trên vở ô ly cho các em. Thậm chí, đối với cá tính từng em cũng phải có phương pháp khác nhau, với những em hiếu động thì việc bắt các em ngồi hàng giờ chỉ để luyện chữ càng phản tác dụng. Thay vào đó, những câu khích lệ, thách đố sẽ hiệu quả hơn. Đây là những kinh nghiệm sau nhiều năm luyện chữ đẹp của thầy Tuấn, không có trong bất kỳ giáo trình nào trong trường học.

Để luyện được chữ đẹp, điều đầu tiên cần chú ý là phải có một cây bút tốt, cần dùng bút máy ngòi sắt. Sau đó bắt đầu học từ cách viết các nét thanh, nét đậm, cách đưa lên kéo xuống… rồi mới ghép vào từng con chữ. Ngay từ ngày đầu mở lớp luyện chữ, thầy Tuấn đã nghĩ đến việc tự mài bút bởi vì bút mài ngoại nhập quá đắt để người dùng phổ thông Việt Nam lúc đó có thể mua. Thầy đã phải bỏ đi cả nghìn chiếc bút để có thể thành thạo được kỹ thuật mài bút. Giờ đây chỉ với một mảnh giấy ráp, sau 5-7 phút mài dũa là đã xong một chiếc bút mài nét thanh nét đậm.

Không quên rèn người

Cần mẫn hàng chục năm, thầy Tuấn đã giúp cho hàng chục nghìn học viên cải thiện nét chữ chỉ sau 10 buổi học. Trong quá trình giảng dạy, thầy cũng không quên việc rèn người. Có những học sinh hiếu động, ngỗ ngược khi ở trường nhưng khi được bố mẹ đưa đến đây luyện chữ sau 10 buổi không chỉ đã viết được chữ đẹp mà tâm tính cũng trở nên thuần hơn. 

Có được điều này không phải thầy Tuấn lên lớp hàng buổi để giáo dục học viên, mà bản thân cung cách dạy học của thầy đã đặc biệt, giúp học viên tự điều chỉnh phần nào tính cách của mình. Trong lớp của thầy hoàn toàn không có sự dọa dẫm, đe nẹt mà đó là sự ân cần, trìu mến, hết lòng vì học viên. Em nào đi nét bút sai một chút là lập tức thầy chỉnh cho thật ngay hàng, thẳng lối.

Đặc biệt, thầy Tuấn không bao giờ cầm tay rèn chữ đối với học sinh. Thầy quan niệm, bàn tay đó là tay giả, là tay của thầy, nên nếu thầy buông tay ra là nét chữ của các em sẽ lại viết sai, viết xấu. Chi bằng đưa ra những chữ mẫu và yêu cầu các em luyện cho đến khi nào viết đúng thì thôi. Cũng không nên cho các em dùng bút chì để tập viết vì sẽ tạo ra tính cẩu thả, khi viết sai thì xóa để viết lại. Ngay từ đầu, phải cho học viên viết bằng bút máy để luyện tính cẩn thận trong từng nét viết, chỉ cần một chữ sai là cả bài sẽ phải bỏ đi. Kể cả việc mở hộp lấy bút, lấy mực, bảo quản ngòi, cách mở bút cũng rèn cho học viên tính cẩn thận, tỉ mỉ.